0h một buổi tối cuối năm 2018, chạy xong cuốc xe cuối cùng, anh Sơn hối hả trở lại bệnh viện. Khi ấy, Thuỳ Lâm (8 tuổi) đã phẫu thuật mở toàn bộ nội khí quản nhưng vẫn gắng gượng nói chuyện. Mãi đến lúc người bố ngồi cạnh, nắn đôi tay đã cứng đơ, cô bé mới từ từ hỏi:
- Bố thương con chứ?, nước mắt chảy thành hàng dài.
Đó là những lần cuối cùng Lâm còn có thể nói với bố. Một câu hỏi dự báo cho một điềm không lành.
2 năm sau đó, cơ thể cô bé liệt dần, trí óc lúc nhớ lúc quên, sự sống đã hoàn toàn phụ thuộc máy móc. Bác sĩ liên tục nói với gia đình rằng đã hết hi vọng, cô bé sẽ chết dần. Nhưng anh Sơn thì chưa bao giờ từ bỏ hy vọng.
"Những bệnh nhân phẫu thuật cùng con đã cai được máy thở, Thuỳ Lâm thì không. Tôi cứ chờ 10 tiếng, 20 tiếng, 1 tuần, 1 tháng, và rồi 4 năm… con vẫn nằm đó, chưa bao giờ có thể trở lại" - anh Sơn nghẹn ngào.
Người cha chưa từng từ bỏ hy vọng một ngày con gái mình có thể khoẻ mạnh trở lại.
"NHỮNG BƯỚC ĐI CUỐI CÙNG CỦA CON LÀ VÀO PHÒNG PHẪU THUẬT"
Anh Sơn nhớ lại: Năm sinh Lâm, cô bé lớn nhanh như thổi. Lên 5 tuổi, anh Sơn gửi con vào một trường mẫu giáo cạnh nhà. Một buổi ra chơi, trong lúc vui đùa cùng bạn, cô bé chẳng may đập đầu vào cạnh cửa.
"Về nhà con liên tục than đau. Năm sau thì bắt đầu không điều khiển được tay, cầm đũa, bút rớt liên tục. Khi đó anh tức tốc đưa con đến bệnh viện tỉnh nhưng khám không ra bệnh. Ra đến Hà Nội thì tay chỉ hoạt động còn 15%, chân bước khập khiễng. Bác sĩ phát hiện gãy 2 đốt sống, vỏ não bị móp chèn ép dây thần kinh. Lúc đó, gia đình kiệt quệ lắm nhưng vẫn bằng lòng làm mọi thứ để cứu con…"
Trước ngày phẫu thuật, anh Sơn còn vui vẻ đi mua cho con một chiếc nẹp cổ và nghĩ chỉ cần vài ngày là cả 2 có thể trở về nhà, kịp đón đưa em trai chào đời. Mãi đến lúc bước đưa con lên bàn mổ, anh Sơn còn đứng từ xa nhìn y tá từ từ một tay cầm nẹp cổ, một tay dắt con gái. Ấy vậy, anh không ngờ đó là những bước chân cuối cùng của con.
"Ra khỏi phòng, bác sĩ thông báo ca mổ không thành công, anh khóc không ngừng. Vài hôm sau nữa thì bác sĩ trả hồ sơ để về, con gái anh gần như hết hy vọng. Mình làm cha mà, nghe vậy đâu chịu được nên vẫn quyết định sống cả đời này với con ở bệnh viện tỉnh…"
Sau ca phẫu thuật không thành công, Thuỳ Lâm bị liệt hoàn toàn từ năm 8 tuổi.
Sau ca mổ, toàn bộ thân người từ cổ trở xuống của Lâm đã liệt hoàn toàn. Dù lúc ấy, chỉ cần nghiêng đầu cũng tạo cơn đau kinh khủng, nhưng cô bé vẫn mê ca hát, hay trầm ngâm ngắm nhìn bố. Sang năm nữa thì trí nhớ cô bé lúc được lúc mất, phần còn lại của cơ thể cũng bắt đầu trở thành cứng đơ.
"Giờ con bé như một khúc gỗ vậy. Khúc nào mục thì da lở loét ra thành nước. Anh chăm mãi, máu chảy mãi, nhìn con chỉ thấy đau đớn nhưng giờ nó chỉ còn có thể sống bằng máy móc…".
Cô bé vẫn không đánh mất sự lạc quan vào những năm đầu tiên.
"TRỞ VỀ NHÀ CON ĐÃ KHÔNG CÒN NHẬN RA MÌNH…"
"Thùy Lâm sắp khỏe rồi đấy, sắp được về nhà rồi. Hôm nay có được bác sĩ khen ngoan không…?" - 4 năm nay, gần như ngày nào bác sĩ ở BV Nhi Thanh Hoá cũng nghe thấy tiếng anh Sơn thủ thỉ trong phòng bệnh như thế. Con gái bại liệt không còn khả năng để đối thoại, nhưng người cha chưa một lần từ bỏ.
Khi thì anh cười, video-call về nhà để khoe với cô bé về cậu em vừa sinh. Khi thì anh kể về cuốc xe ôm hôm nay. Khi thì 2 bố con cùng xem một bộ phim trên điện thoại… Tiếng cười cười nói nói, độc thoại của người cha vang lên, cô con gái vẫn nằm im lìm khiến ai nấy đau đớn lòng. Ấy vậy, có một lần từ trong khoé mắt, Lâm rỉ ra những hàng nước mắt thật dài.
"Nhiều người nói ra vào bảo gia đình đừng có đem đi chữa trị nữa. Nhưng nếu con anh không còn ý thức, sao cô bé có thể khóc, sao mình có thể bỏ được?".
Để giúp người cha trang trải cuộc sống trong bệnh viện, dù được điều trị ở khoa Hồi sức tích cực, không được ra vào, nhưng BV Nhi Thanh Hoá vẫn tạo điều kiện cho anh Sơn chạy xe ôm vào khoảng thời gian rảnh.
"Ngày có việc thì được 50 - 100 nghìn đồng, ngày thì không được đồng nào. Ăn thì ăn cơm từ thiện. Từ lúc con ngã bệnh đến nay, vay anh em họ hàng cũng gần 100 triệu đồng đến giờ vẫn chưa trả. Vì dịch Covid-19, nhỡ không may anh chạy xe rồi thành F0, F1 là con bé chẳng còn ai chăm sóc…"
Từ viện trở đến nhà hết 50 km, thế rồi 4 năm trôi qua, 48 tháng gắn chặt mình với bệnh viện và đứa con mắc bệnh hiểm nghèo, anh Sơn rất hiếm khi trở về. Đến lúc có cơ hội gặp vợ con thì đứa con thứ 2 đã lớn, nhìn người đàn ông lạ trong nhà đã không ngừng khóc.
"Con không có bóng dáng cha, nó cứ nghĩ mình người lạ, nhất nhất không cho anh động vào người. Mãi đến khi lớn lên chút mới bắt đầu hiểu chuyện…" - anh Sơn nói.
Trong ánh mắt người bố ấy, chỉ cần một ngày con còn thở, giọt nước mắt vẫn còn chảy ra từ khoé mắt, đó cũng là hy vọng.
Bệnh án qua 4 năm vẫn không thay đổi, bác sĩ vẫn bảo không có khả năng phục hồi, thế nhưng, trong ánh mắt người bố ấy, chỉ cần một ngày con còn thở, giọt nước mắt vẫn còn chảy ra từ khoé mắt, đó cũng là hy vọng.
Hy vọng rằng ở cuối đường hầm tăm tối, một ngày nào đó, thậm chí rất xa xôi, Thuỳ Lâm lại có thể ngồi dậy, chạy nhảy, và có thể lại hỏi anh một lần nữa: "Bố có thương con không?".
Bác sĩ Ngô Việt Hưng, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Thanh Hóa chia sẻ trên báo Dân trí rằng bệnh nhân Thùy Lâm đã nằm ở khoa 4 năm.
"4 năm cô bé cùng bố đón Tết ở đây và họ xem nơi đây như là nhà của mình. Cả ngày lao đi làm thêm, tối thì vật vờ ngủ lúc được lúc không, đến bữa ăn cũng bữa đói, bữa no. Hôm nào được nhận cơm từ thiện thì được ăn cơm còn không thì anh ấy ăn bánh mì.
Căn bệnh Thùy Lâm là "u nang hố sau" đã được phẫu thuật nhưng bệnh nhân liệt hoàn toàn, phụ thuộc vào thở máy, chăm sóc y tế, gần như không có hy vọng, chỉ là kéo dài thời gian. Dù vậy, chưa bao giờ bố Thùy Lâm nghĩ sẽ bỏ cuộc trước tình trạng bệnh tình của con.".
Trước hoàn cảnh của gia đình anh Lê Xuân Sơn, chúng tôi tha thiết kêu gọi những tấm lòng hảo tâm. Mọi đóng góp xin gửi về:
Số tài khoản: 104871665706, Viettin Bank chi nhanh TP. Thanh Hoá. Chủ tài khoản: Lê Xuân Sơn.
Số điện thoại: 0936.411.459
Địa chỉ: Thôn Đoàn Kết, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa