Điều hết sức bất ngờ là chính quyền của ông Joe Biden đã đồng ý gia hạn Hiệp ước này không chỉ 1 năm theo đề nghị mang tính chất thỏa hiệp của Moscow đưa ra năm ngoái cho cựu Tổng thống Donald Trump, mà 5 năm liền.
Cùng ngày, ông Jake Sulivan, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden đã chính thức chuyển tới Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov đề xuất gia hạn trên. Người phát ngôn mới của Nhà Trắng, Jen Psaki, cũng đã công bố quyết định này.
Ngày 25/1/2020, theo đề nghị của phía Mỹ, Thư ký Hội đồng an ninh Nga Nikolai Patrushev và Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Sullivan đã điện đàm trực tuyến về các vấn đề liên quan đến việc gia hạn START-3 cũng như "triển vọng phát triển quan hệ hợp tác Nga-Mỹ trong lĩnh vực an ninh."
01.
Nguyên nhân chính quyền Biden gia hạn START-3
Ngay sau khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã bắt đầu thay đổi một số chính sách trong quan hệ với Nga. Đáng lưu ý, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và tân Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã tuyên bố rằng việc gia hạn START-3 với Nga là vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Ông cho rằng, việc chấm dứt Hiệp ước sẽ cho phép Moscow và Bắc Kinh chiếm thế thượng phong bằng cách tận dụng những khó khăn mà Washington đang đối mặt để tự do phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình.
Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, John Kirby nói: "Việc Nga cam kết thực hiện Hiệp ước là có lợi cho lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta và người Mỹ sẽ an toàn hơn nếu Hiệp ước START-3 không thay đổi và tiếp tục có hiệu lực. Việc gia hạn Hiệp ước đến năm 2026 sẽ cho hai nước có thêm thời gian và không gian để xem xét và đàm phán về các cơ chế mới trong việc kiểm soát vũ khí có thể giảm rủi ro cho người Mỹ."
Phát ngôn viên Nhà Trắng Psaki khẳng định đề xuất của Washington gia hạn Hiệp ước START-3 trong thời hạn 5 năm. Bà nói Hiệp ước này là một trụ cột của sự ổn định chiến lược giữa hai nước Mỹ, Nga và phục vụ lợi ích của Mỹ.
Trước đây, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt START-3, ngay cả sau khi Nga đưa ra những bước nhượng bộ, trong đó có đề nghị gia hạn Hiệp ước này chỉ 1 năm thay vì 5 năm và sẵn sàng đóng băng tất cả các kho vũ khí hạt nhân của mình trong thời hạn 1 năm.
Ngoài ra, Washington đã nhiều lần đòi biến START-3 song phương giữa Nga và Mỹ thành hiệp ước ba bên, với sự tham gia của Trung Quốc. Đây là một điều kiện không thực tế, rất khó, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được trong bối cảnh hiện nay. Trung Quốc có kho vũ khí hạt nhân nhỏ hơn nhiều so với của Nga và Mỹ, chắc chắn sẽ không chấp nhận bất kỳ hạn chế nào trong việc phát triển các loại vũ khí chiến lược. Hơn nữa, nếu Bắc Kinh có đồng ý đi chăng nữa thì các cuộc đàm phán đề đạt được thỏa thuận có thể sẽ kéo dài hàng thập kỷ. Các cuộc đàm phán về cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược giữa Nga và Mỹ được bắt đầu từ năm 1997 dưới thời Tổng thống Bill Clinton và Tổng thống Boris Yeltsin kéo dài 13 năm, sau đổ vỡ của START-1 và START-2 mới đạt được thỏa thuận START-3.
Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định việc phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh là nằm trong chiến lược phòng thủ và có kế hoạch chỉ duy trì kho vũ khí hạt nhân của mình ở mức "tối thiểu có thể", đồng thời tuyên bố Trung Quốc sẽ không bao giờ sử dụng loại vũ khí này trước.
Quyết định gia hạn START-3 được đưa ra cùng với một loạt các sắc lệnh hành pháp ông Biden vừa ký sau khi nhậm chức là nhằm sửa lại những quyết sách sai lầm của cựu Tổng thống Trump. Đây cũng là lý do để chính quyền của Tổng thống Biden quay trở lại Thỏa thuận khí hậu Paris, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA), giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine...
02.
Phản ứng của Nga
Phản ứng của Nga là tích cực, nhưng khá thận trọng. Moscow hoan nghênh ý chí chính trị của Washington trong việc gia hạn START-3, nhưng cho rằng mọi thứ còn phụ thuộc vào các chi tiết cụ thể của đề xuất này. Bộ Ngoại giao Nga đã kêu gọi chính quyền mới của Mỹ tiến hành đối thoại một cách xây dựng hơn, vì trước đây ông Trump đã tìm mọi cách để phá hoại Hiệp ước.
Nga đánh giá tuyên bố của Mỹ về ý định cứu vãn Hiệp ước START-3 là một dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích chính trị của Nga, đây chưa phải là lập trường thật sự của Mỹ, mà quyết định này nên được nhìn nhận trong bối cảnh chung về các quyết định chống lại người tiền nhiệm của Tổng thống Joe Biden.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Nga và Tổng thống Vladimir Putin ủng hộ việc duy trì Hiệp ước cơ bản và quan trọng nhất này về ổn định và an ninh toàn cầu. Chúng tôi hoan nghênh ý chí chính trị để duy trì Hiệp ước này, nhưng các bên phải tôn trọng lẫn nhau và quan tâm đến lợi ích chung trong làm việc nghiêm túc trong quá trình gia hạn."
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bày tỏ hy vọng chính quyền mới của Mỹ sẽ có thái độ tích cực, mang tính xây dựng hơn và ê-kíp của ông Joe Biden sẽ thi hành chính sách cân bằng hơn trong quan hệ với Nga.
Đồng thời phía Nga cũng yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và từ bỏ các chính sách thù địch đối với Nga. Bà Maria Zakharova nhấn mạnh rằng, các lệnh trừng phạt đơn phương càng làm xấu đi quan hệ giữa Nga và Mỹ.
03.
Quan hệ Mỹ-Nga chưa thể cải thiện
Quyết định gia hạn Hiệp ước START-3 là một bước tích cực, nhưng điều đó không có nghĩa là có thể hy vọng vào quan hệ giữa Washington và Moscow sẽ được cải thiện trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.
Cùng với việc gia hạn Hiệp ước này, Ông. Biden đã yêu cầu Giám đốc mới của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), bà Avril Haines, xem xét lại toàn diện các nguyên nhân của mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Nga, tiến hành điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử vừa qua ở Mỹ, các cuộc tấn công mạng gần đây nhằm vào các cơ quan chính phủ Mỹ do Nga gây ra và trả tiền thưởng cho những phần tử thuộc phong trào Taliban ở Afghanistan để giết lính Mỹ.
Washington tiếp tục duy trì các lệnh cấm vận và vẫn chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới chống Nga. Mới đây nhất, Mỹ đã áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với một tàu biển và công ty Gazprom của Nga tham gia thực hiện dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc-2) đưa khí đốt của Nga sang châu Âu qua Biển Baltic.
Ê-kíp mới của ông Biden vẫn coi kẻ thù chiến lược lớn nhất của Mỹ là Nga. Đây là tuyên bố của tân Ngoại trưởng Antony Blinken và tân Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.
Hai nhân vật chủ chốt này trong chính quyền mới của Mỹ cho biết, Mỹ dự định sẽ gia tăng các hoạt động của mình tại các khu vực có tầm quan trọng về địa chính trị đối với Nga, trước hết là các nước thuộc không gian hậu Xô Viết và khu vực Trung Đông.
Ông Austin kêu gọi tăng viện trợ quân sự cho các nước thành viên NATO ở châu Âu. Ông nói: "Điều rất quan trọng là phải răn đe Nga. Chúng ta đứng về phía các nước đồng minh, tăng cường sức mạnh của các vũ khí hạt nhân và thông thường thông qua việc cung cấp khả năng răn đe hiệu quả nhất trước sự xâm lược của Nga."
Ngoài sức mạnh quân sự của Mỹ, Pháp, Anh và các lực lượng NATO còn sở hữu một số lượng lớn vũ khí hạt nhân chiến thuật mà Lầu Năm Góc trước đây đã triển khai ở châu Âu và sắp tới có thể triền khai thêm ở các nước Baltic và Ba Lan, giáp với biên giới Nga.
Cũng giống như các Tổng thống tiền nhiệm, phải qua 100 ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden mới có thể phác họa được lộ trình của mình sẽ đi trong nhiệm kỳ bốn năm tới. Lúc đó mới có thể đánh giá được chính sách của chính quyền mới của Mỹ.
Một số thông tin cơ bản về Hiệp ước START-3
Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (Strategic Arms Reduction Treaty - START-3 hay còn gọi là New START) được Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev ký ngày 8/4/2010 tại Praha, Thủ đô Cộng hòa Séc và sau khi được phê chuẩn, có hiệu lực 10 năm kể từ ngày 5/2/2011. Hiệp ước này hết hạn vào ngày 5/2/2021.
Theo các điều khoản đã được thỏa thuận, Hiệp ước này có thể được gia hạn thêm 5 năm nữa, tức là đến 5/2/2026. Hiệp ước START-3 đã khôi phục lại sự hợp tác giữa Mỹ và Nga trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí hạt nhân. Hiệp ước này là một bước tiến tích cực trong quan hệ giữa Mỹ và Nga, đồng thời tạo ra được cơ sở pháp lý cần thiết để Mỹ bảo vệ an ninh của mình và của các đồng minh.
Nội dung chính hai bên thỏa thuận:
- Cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga xuống còn 1.550 đầu đạn và giới hạn số lượng bệ phóng và máy bay ném bom hạng nặng ở mức 800.
- Trao đổi thông tin và báo cáo thường xuyên giữa hai phía.
- Hai bên ký kết có thể thỏa thuận gia hạn Hiệp ước với thời hạn không quá 5 năm.
Ngày 22/6/2020, Nga và Mỹ bắt đầu tiến hành đàm phán tại Vienna về gia hạn Hiệp ước. Các cuộc đàm phán bị ngưng trệ nhiều lần.
Ngày 23/6/2020, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Trump khẳng định qua đàm thoại tầm quan trọng của các cuộc tham vấn tay đôi về Hiệp ước START-3.
Ngày 10/7/2020, Mỹ tuyên bố ý định mời Trung Quốc tham gia đàm phán Vienna về kiểm soát vũ khí.
Ngày 16/10/2020, Tổng thống Putin đề nghị gia hạn START-3 vô điều kiện thêm một năm.
Ngày 20/10/2020, Nga tuyên bố sẵn sàng cùng với Mỹ đóng băng kho vũ khí hạt nhân của hai nước.
START-3 là Hiệp ước duy nhất còn lại hiện nay có hiệu lực giữa Nga và Mỹ, hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới và là thỏa thuận duy nhất còn lại giữa hai nước về kiểm soát vũ khí và phổ biến vũ khí hạt nhân. Nếu Hiệp ước này không được gia hạn, sẽ không còn Hiệp ước nào trên thế giới hạn chế kho vũ khí của các cường quốc hạt nhân nữa. Một cuộc chạy đua hạt nhân sẽ diễn ra, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định toàn cầu.