Ôm mộng thiên đường Hồi giáo IS, đại gia đình Indonesia "một đi không trở lại"

Tất Đạt |

Hai năm trước, cô gái 17 tuổi người Indonesia và gia đình đã quyết định tới Syria để tham gia Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mà không ngờ rằng những ngày đen tối đang đón chờ họ.

Lời mời gọi hấp dẫn

Trong cuộc phỏng vấn với hãng AP, cô gái Nurshardrina Khairadhania – hay còn được gọi là Nur - nay đã 19 tuổi, nhớ lại quyết định di cư tới Raqqa 2 năm trước của cô và gia đình. Chỉ vài tháng sau đó, họ hối hận nhưng đã quá muộn.

Đại gia đình người Indonesia thừa nhận bị hấp dẫn bởi lời mời gọi của IS: Miễn phí giáo dục, miễn phí chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, công việc thích hợp cho những người trẻ và khả năng chi trả những khoản nợ khổng lồ vài thành viên gia đình đang gánh.

Tuy nhiên, cơ hội được sống trong một xã hội dành cho người Hồi giáo mới là đích đến thực sự của họ.

Gia đình của Nur là một trong hàng ngàn gia đình từ châu Á, châu Âu, châu Phi, Bắc Mỹ và Trung Đông muốn theo đuổi ước mơ "Nhà nước Hồi giáo" được IS quảng bá trên các đoạn video, blog trực tuyến và các phương tiện truyền thông khác.

Ôm mộng thiên đường Hồi giáo IS, đại gia đình Indonesia một đi không trở lại - Ảnh 1.

Một trong nhiều gia đình nghe theo lời kêu gọi của IS tới Raqqa. Ảnh: AP

Nur nhớ lại khoảnh khắc cô hân hoan gọi gia đình tụ họp để bàn bạc sau khi IS tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo trên lãnh thổ Syria và Iraq, mùa hè năm 2014. 

Nur điểm lại những quyền lợi IS ghi trên một trang mạng: người chị 21 tuổi của cô có thể tiếp tục học Công nghệ Thông tin miễn phí, người chị họ đơn thân 32 tuổi cùng ba đứa con sẽ được chăm sóc sức khỏe miễn phí, người chú có thể thoát khỏi khoản nợ từ việc kinh doanh ô tô thua lỗ ở Jakarta – và có thể mở một xưởng ô tô khác ở Raqqa, nơi nhu cầu sản xuất và lắp ráp ô tô đánh bom ngày càng tăng cao.

Đối với riêng Nur, địa bàn IS là nơi hoàn hảo để tiếp tục nghiên cứu về Hồi giáo và trở thành một bác sĩ.

Trong suy nghĩ của Nur khi ấy, "IS là lãnh thổ hòa bình và công bằng, được Thánh Allah phù hộ. Tôi muốn tới đó cùng cả gia đình. Chúng tôi sẽ được ở cùng nhau mãi mãi, cả bây giờ và trên thiên đường."

Nơi ước mơ sụp đổ

Quyết tâm lên đường, gia đình Nur bán nhà, bán xe cùng trang sức, tích góp được 38.000 USD cho chuyến đi tới Thổ Nhĩ Kỳ và cuối cùng vượt biên qua Syria.

Nhưng khi tới Thổ Nhĩ Kỳ, tranh cãi nổ ra quanh việc làm thế nào để sang được Syria. 7 người trong số họ tách đoàn và tự tìm cách vượt biên trái phép, bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt và trục xuất về Indonesia. Tại quê nhà, họ bị giám sát thường xuyên vì có người thân vẫn đang sinh sống tại lãnh thổ của IS.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu của sự chia rẽ.

Sau khi tới được lãnh thổ của Nhà nước Hồi giáo vào tháng 8/2015, đại gia đình của Nur không được ở cùng nhau: nam giới bị ép học tại các lớp Hồi giáo và bị giam giữ hàng tháng trời vì từ chối tham gia đội quân của IS. Sau khi được thả, họ buộc phải sống chui lủi để tránh bị giam trở lại.

Trong khi đó, phụ nữ và các bé gái phải sống ở khu của nữ giới. Nur choáng váng vì cuộc sống và những người phụ nữ ở đây. Họ cãi vã, nói xấu sau lưng, trộm cắp và thỉnh thoảng còn dùng dao để giải quyết mâu thuẫn. Tên Nur, người chị ruột 21 tuổi và người chị họ đã li dị được liệt kê trong danh sách "cô dâu" cho lính IS. Những lễ cưới này sẽ được tổ chức kể cả khi 2 người chưa gặp mặt bao giờ.

Ôm mộng thiên đường Hồi giáo IS, đại gia đình Indonesia một đi không trở lại - Ảnh 2.

Một bé gái 12 tuổi sống trong khu vực của nữ giới. Ảnh: AP

Nur nói: "Thật kinh khủng! Chúng tôi không biết họ là ai. Họ muốn cưới và họ ép chúng tôi phải cưới. IS thèm khát nhất 3 thứ: phụ nữ, quyền lực và tiền."

"Chúng hành xử như thể chúng là Thánh thần. Chúng tự đề ra luật. Cách chúng cư xử khác xa Đạo Hồi chính thống."

Trong một cuộc phỏng vấn riêng biệt, được lực lượng an ninh người Kurd giám sát tại trung tâm quân sự phía bắc Raqqa, người em họ 18 tuổi của Nur cho biết cuộc sống tại lãnh địa IS chẳng khác gì "tù đày".

Ôm mộng thiên đường Hồi giáo IS, đại gia đình Indonesia một đi không trở lại - Ảnh 3.

Một người Indonesia bị thẩm vấn vì nghi ngờ là lính IS. Ảnh: AP

"Chúng tôi tới Syria không phải để đánh nhau," cậu cho biết, đề nghị giấu tên vì sợ gặp rắc rối với IS, chính quyền người Kurd hoặc chính quyền Indonesia. "Chúng tôi chỉ muốn sống tại một Nhà nước Hồi giáo. Nhưng rõ ràng IS không phải là một nhà nước như vậy."

Chính quyền IS ở Raqqa phớt lờ yêu cầu được tiếp tục học của Nur. Nam giới trong gia đình Nur cũng không được làm những công việc như ý muốn vì từ chối phục vụ trong quân đội IS. Khi giao tranh tại Raqqa lên tới đỉnh điểm vào hồi tháng 6, phiến quân IS tăng cường tuyển quân tại các trạm kiểm soát khắp khu phố.

Đường về gian nan

Gia đình Nur tìm mọi cách để trốn thoát, và rủi ro luôn rình rập trong lãnh thổ IS kiểm soát nghiêm ngặt. Cơ hội cũng tới khi lực lượng người Kurd tấn công Raqqa. Chấp nhận nguy hiểm trước những đợt càn quét của lính IS, Nur sử dụng máy tính ở một quán internet công cộng, tìm cách liên hệ với những người có thể giúp đỡ từ bên ngoài. 

Cuối cùng, cô gặp được một nhóm buôn lậu, đồng ý đưa gia đình Nur tới địa phận người Kurd với giá 4.000 USD. Ngày 10/6, gia đình Nur thoát khỏi móng vuốt IS.

Một đại diện Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết chính quyền Indonesia từ lâu đã nắm được thông tin về các gia đình người Indonesia tại khu vực IS chiếm đóng và đang tiến hành điều tra.

Ôm mộng thiên đường Hồi giáo IS, đại gia đình Indonesia một đi không trở lại - Ảnh 4.

Binh sĩ người Kurd giám sát một người Indonesia bị tình nghi liên quan đến IS. Ảnh: AP

Ông cho biết: "Vì các gia đình này đã sống tại lãnh thổ của IS hơn 2 năm, nên chúng tôi cần đánh giá rủi ro khi cho phép họ về nước. Chúng tôi cũng gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận họ tại những khu vực chính phủ Iraq và Syria không thể quản lí."

Trả lời phỏng vấn AP, Nur nói: "Tôi rất hối hận. Tôi quá ngu ngốc và ngây thơ. Đây là lỗi của tôi. Mong Thánh Allah chấp nhận lời ăn năn của tôi. Chuyến đi tới Thổ Nhĩ Kỳ thật sự là một cơn ác mộng."

Sau nhiều biến cố, bà của Nur đã mất, một người chú cũng thiệt mạng trong đợt không kích. Hiện Nur đang sống cùng mẹ, 2 chị, 3 người dì, 2 chị em họ tại trại Ain Issa, nơi tạm trú của lực lượng người Kurd dành cho thường dân. Bố Nur và 4 người họ hàng nam giới khác bị giam phía Bắc của trại để điều tra mối liên hệ với IS.

Dưới cái nóng gay gắt mùa hè, Nur và người thân tiếp tục cầu nguyện được đoàn tụ với gia đình và mong một ngày được an toàn trở về nhà ở Jakarta.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại