Ôm lý tưởng "lật đổ" ông Assad, thanh niên vỡ mộng ở Syria vì gia nhập nhầm... khủng bố

Hồng Anh |

Albert Berisha, công dân Kosovo, đã đến Syria với mục tiêu "chiến đấu giải phóng người dân" nước này khỏi chế độ ông Assad, nhưng anh đã sớm vỡ mộng khi lạc vào tay khủng bố.

Hơn 300 người dân từ Kosovo đã gia nhập lực lượng phiến quân thánh chiến Hồi giáo tại Syria và Iraq – nếu tính mức trung bình quân đầu người, thì đây là con số lớn nhất tại khu vực châu Âu.

Tuy nhiên, nhiều người trong số đó không hề tình nguyện gia nhập phiến quân. Nhà báo Helen Nianias đã có cuộc gặp gỡ với một người đàn ông trẻ tuổi tại thủ đô Pristina của Kosovo để tìm hiểu về trải nghiệm gia nhập phiến quân của anh.

Dưới đây là bài viết của nhà báo Helen Nianias được đăng tải trên BBC:

"Trải nghiệm" gia nhập các nhóm khủng bố

Một người đàn ông có bộ râu tỉa ngắn, một chiếc áo khoác tối màu, cùng vẻ bối rối xuất hiện trong tiệm cà-phê. Đó là Albert Berisha, 31 tuổi. Năm năm trước, cậu ta đã tham chiến tại Syria.

"Tôi biết chuyện thật khó tin, nhưng nó đã xảy ra," Albert kể về quãng thời gian 9 ngày cậu ta đã trải qua cùng nhiều nhóm cực đoan tại Syria. Với lời kể rõ ràng và tập trung, Albert nói rằng mục đích đến Syria của cậu là để chống lại chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Nhưng thay vì đạt được mục đích ban đầu, thì Albert lại vô tình bị kéo vào cuộc chiến, và phải chịu đựng những trải nghiệm khó chịu và đáng sợ. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, Albert nói rằng Mặt trận al-Nusra – một nhánh của al-Qaeda ở Syria – đã cố gắng tuyển mộ cậu vào lực lượng phiến quân trước khi thả tự do cho cậu.

Sau khi trốn khỏi al-Nusra, Albert lại "lạc" vào một nhóm đồng bào dân tộc Albania – trước khi phát hiện ra nhóm này định gia nhập Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) – điều Albert không hề muốn xảy ra.

Ôm lý tưởng lật đổ ông Assad, thanh niên vỡ mộng ở Syria vì gia nhập nhầm... khủng bố - Ảnh 2.

Albert Berisha. Ảnh: BBC.

Albert nói rằng cậu đã chạy trốn trong khi nhóm dân tộc Albania tập trung chiến đấu với lực lượng người Kurd, và sau đó cậu gia nhập Ahrar al-Sham, liên minh Hồi giáo Salafi không nằm trong danh sách các nhóm khủng bố. Tại đây, Albert đã được học cách tháo dỡ, vệ sinh và lắp ráp các bộ phận của chiếc súng trường tự động Kalashnikov, nhưng cậu vẫn kiên định không chịu chiến đấu.

Sau 5 ngày, Albert đã nhận ra rằng hiện thực ở Syria khác xa so với lí tưởng tham gia một cuộc cách mạng để "giải phóng những người bị áp bức".

Albert nói: "Đối với tôi, việc nói dối như những người khác rất dễ dàng – tức nói dối rằng họ chỉ muốn cung cấp viện trợ nhân đạo cho Syria. Tôi đã thực sự nghĩ mình sẽ hoàn thành việc tập huấn và được ra chiến đấu ngoài chiến trường ngay lập tức. Tôi không bao giờ muốn trở thành thành viên nhóm khủng bố".

Vỡ mộng vì lầm tưởng

Quê hương của Albert, Kosovo, là nơi từng trải qua cuộc chiến với Serbia trong suốt 2 năm khi cậu còn nhỏ. Do vậy mà việc đấu tranh vì một mục đích nào đó không hề xa lạ đối với Albert nói riêng và những người dân Kosovo nói chung.

Theo Albert, hầu hết các thông tin về Syria mà cậu ta có được đều đến từ các đoạn video trên mạng internet.

"Tôi đã tưởng rằng nhóm người chống đối ông Assad không bao gồm những tên tội phạm" – Albert từng nghĩ nhóm này là tập hợp của những cá nhân đầy thiện chí và mang trong mình lý tưởng đấu tranh cải tổ quốc gia".

Thay vào đó, thứ cậu ta "được" trải nghiệm là những cuộc giao tranh nhỏ nhưng bạo tàn của các phe phái Hồi giáo cực đoan không hề giúp ích gì cho người dân Syria. Để thoát khỏi lực lượng Ahrar al-Sham và trở về quê hương, Albert đã phải lấy lí do chưa xin phép mẹ để giải thích với thủ lĩnh nhóm này.

Vào thời điểm đó, Albert chỉ mới rời quê hương 2 tuần. Ngay đến mẹ cậu ta còn chẳng biết con trai đã đến Syria… cho đến khi con trai bà bị bắt tại nhà hồi năm 2014 vì cáo buộc khủng bố, và bị kết án 3 năm rưỡi tù giam. Hiện tại cậu ta đang tiến hành kháng cáo, tuy nhiên nếu kháng cáo thất bại, thì cậu ta sẽ phải ngồi tù ngay lập tức.

Ôm lý tưởng lật đổ ông Assad, thanh niên vỡ mộng ở Syria vì gia nhập nhầm... khủng bố - Ảnh 3.

Lực lượng khủng bố IS. Ảnh: Almasdar News.

Do số lượng đông đảo người tham gia lực lượng phiến quân thánh chiến Hồi giáo, Kosovo thường được nhắc đến với tên gọi "thủ phủ của thánh chiến tại châu Âu". Đây là chủ đề vô cùng nhạy cảm ở quốc gia này. Khi tôi đề cập đến vấn đề này với một quan chức chính phủ, ông ấy đã đột ngột kết thúc cuộc phỏng vấn, và nói rằng câu hỏi của tôi là "tuyên truyền cho Nga và Serbia".

Khi IS bị đánh bại tại Trung Đông, nhiều người đặt ra câu hỏi về số phận của những chiến binh hồi hương. Thủ tướng Kosovo, ông Ramush Haradinaj, cho biết ông sẵn sàng chấp nhận họ trở về. Ngược lại, một số quốc gia khác như Anh lại tước đi quốc tịch của những chiến binh thánh chiến.

"Mọi người đều cho rằng tôi sẽ tiến xa trên con đường chính trị..."

Albert và một người bạn tên Arber đã thành lập một tổ chức có tên gọi là Viện An ninh, Hội nhập và Chống Cực đoan, với hy vọng ngăn cản người dân tham gia chiến đấu, và phản đối những câu chuyện của lực lượng thánh chiến được lan truyền trên mạng xã hội.

Tổ chức của Albert cũng giúp đỡ những người hồi hương đi đúng đường, tuy nhiên họ không chắc chắn sẽ có bao nhiêu chiến binh hồi hương chấp nhận từ bỏ chủ nghĩa cực đoan.

Khi được hỏi về tương lai, Albert nghĩ rằng cậu ta sẽ ngồi tù đến năm 34 tuổi.

"Hồi trước, tất cả mọi người đều cho rằng tôi sẽ tiến xa trên con đường chính trị - nhưng thật trớ trêu, tôi lại mang danh ‘nghi phạm khủng bố’ ngay lần đầu tiên xuất hiện trên truyền thông."

Câu chuyện của Albert quả thật rất khó tin. Tôi chẳng thể biết chính xác cậu ấy đã trải qua những gì tại Syria hồi năm 2013, nhưng đối mặt với cậu ấy ngày hôm nay, tôi khó mà tưởng tượng ra hình ảnh cậu ấy cầm súng, chứ đừng nói đến chuyện cậu ta chiến đấu cho một nhánh của al-Qaeda, hoặc lực lượng khủng bố IS.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại