Tối qua (1/12), tập 14 chương trình Ký ức vui vẻ đã lên sóng với nhiều tiết mục hấp dẫn. Trong tuần này, chương trình đã gợi nhắc mọi người nhớ về hình ảnh chiếc guốc mộc gắn với một thời khó khăn.
Nhìn thấy chiếc guốc mộc, NSND Hồng Vân bồi hồi nhớ lại kỷ niệm và những câu chuyện ở sân khấu kịch Phú Nhuận của mình.
Cô nói: "Đôi guốc mộc thân thuộc với tôi khủng khiếp luôn vì sân khấu kịch Phú Nhuận của tôi làm về dòng kịch văn học thời 1930 – 1931 trở đi. Đạo cụ đầu tiên về thời điểm đó lúc nào cũng là guốc mộc.
Những cô gái sang trọng bao giờ cũng đi guốc mộc cao, hoa văn đẹp, còn người nông dân nghèo khó thì đi guốc quai bình thường.
Âm thanh guốc mộc đi theo tôi suốt từ khi mở sân khấu kịch Phú Nhuận tới giờ. Tôi đã phải tốn không biết bao nhiêu tiền để mua guốc mộc cho các diễn viên đi vì các bạn ấy đi kinh hoàng lắm.
Tiếng guốc giậm vào tai tôi liên tục. Ngoài chuyện nhức đầu vì âm thanh guốc mộc đó ra, tôi còn nhức đầu về tiền bạc vì tôi biết chắc sẽ phải mua thêm nhiều guốc nữa.
Tóm lại nhắc tới guốc mộc làm tôi nhớ chuyện nhức đầu về tiền bạc ở sân khấu kịch Phú Nhuận như thế".
Hình ảnh chiếc guốc mộc
NSND Hồng Vân vừa nói tới đó, Ốc Thanh Vân liền kể thêm: "Tôi ở chung sân khấu Phú Nhuận với chị Kim Huyền, Hồng Vân nên ngay từ đầu nhìn thấy guốc mộc đã nhớ tới sân khấu của mình.
Tôi không làm hao phí tiền bạc của sân khấu, của chị Hồng Vân vì tôi là người luôn đầu tư vào vai diễn, nhân vật của mình. Tôi tự sắm guốc luôn. Một phần nữa, tôi không đi được guốc mộc vì sẽ bị rớt ra ngoài do bàn chân tôi dài nhưng chiều ngang nhỏ.
Tôi sợ đang diễn mà rớt guốc ra ngoài là không thể tìm thấy. Tôi tự biết thân tôi nên tự đi đóng guốc riêng chứ không dùng guốc của sân khấu.
Tôi có riêng một hàng đóng guốc ruột ở chợ Tân Định, từ những chiếc guốc bình thường tới guốc sang trọng, khảm xà cừ, bọc nhung, kết cườm hoặc vẽ. Tôi còn mua cho cả con gái tôi nữa và nó rất mê".
Nghệ sĩ ưu tú Công Ninh chia sẻ thêm về thời khó khăn của mình: "Tôi nghĩ người dùng guốc mộc tốn nhất ở sân khấu Phú Nhuận của Hồng Vân chắc là Minh Nhí. Mỗi lần tôi thấy ông Minh Nhí ra diễn là ông ấy giậm guốc liên tục.
Bọn tôi là dân sân khấu nên đã nghe rất nhiều âm thanh guốc mộc từ sân khấu, qua các nhân vật, nên nghe là biết liền. Tôi toàn đóng vai nghèo nên hay phải đi guốc mộc.
Cái guốc mộc này rẻ, tiện lợi, dễ sử dụng và khi không dùng được nữa thì sẽ trở thành chất liệu rất tốt để làm củi nhóm lò.
Thời đó, tôi sinh viên nghèo lắm, không có củi đốt lò nên phải lấy guốc thừa từ sân khấu ra đốt để nấu cơm. Tôi còn biết người ta đánh nhau hay dùng guốc mộc".
Nhạc sĩ Đài Phương Trang thì nói: "Tôi thấy hai từ guốc mộc nghe đã rất mộc mạc nhưng đã đi vào thơ ca, âm nhạc từ lâu. Tôi còn nhớ nhiều ca khúc về guốc mộc mà điển hình là Về đây nghe em".
Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung nhớ lại: "Cả tuổi thơ tôi ở trong chùa cùng bà nội, là chùa Văn Điển và chùa Nguyễn Khuyến.
Chùa thì hay đi guốc mộc nên nó gắn liền với tuổi thơ tôi rất nhiều. Nó sạch và giúp tôi tránh được bệnh về da. Tiếng gõ guốc trên nền gạch nghe giản dị lắm".
NSND Tự Long cũng tâm sự: "Mọi người mua guốc mộc về chứ nhà tôi ngày xưa toàn tự làm. Tôi với bà tôi hay lấy gỗ xoan ra để đẽo thành guốc, lấy đinh đóng quai vào. Chú tôi đẽo cho cả nhà tôi tới chục cái, nhưng lấy từ gộc tre, nên rất bền và ấm".