Ô nhiễm nặng nề khiến hàng nghìn người chết, Ấn Độ bỏ 46 tỷ đồng xây tháp lọc bụi khổng lồ 'bắt chước' Trung Quốc

Anh Việt |

Với chi phí chế tạo lên tới 2 triệu USD, một số chuyên gia cho rằng việc triển khai xây dựng số tháp lọc bụi đủ để làm sạch không khí trên toàn thành phố là rất tốn kém.

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã khai trương "tháp lọc bụi" đầu tiên, nhằm mục đích giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí vốn gây ra hàng nghìn ca tử vong mỗi năm tại khu vực này.

Vào thời điểm mùa Đông, nồng độ của các hạt bụi cực nhỏ có thể gây chết người trong không khí ở New Delhi thường xuyên ở mức vượt quá 20 lần so với ngưỡng giới hạn an toàn. Lượng bụi dày đặc đến mức, 20 triệu người dân sống tại đây bị bao phủ trong một lớp bụi mờ màu xám độc hại.

Để giải quyết vấn đề này, giới chức thành phố New Delhi mới đây đã khai trương "tháp lọc bụi" đầu tiên trong thành phố. Với chiều cao 25m, theo các kĩ sư thiết kế, 40 chiếc quạt khổng lồ trên tòa sẽ hút 1.000 mét khối không khí mỗi giây qua các bộ lọc, theo đó giúp giảm 50% lượng hạt bụi có hại trong phạm vi 1 km2.

Ô nhiễm nặng nề khiến hàng nghìn người chết, Ấn Độ bỏ 46 tỷ đồng xây tháp lọc bụi khổng lồ bắt chước Trung Quốc - Ảnh 1.

"Hôm nay là một ngày trọng đại đối với Delhi trong cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường và giành lại không khí trong sạch. Đây là chiếc tháp lắp đặt thí điểm. Các chuyên gia sẽ phân tích những dữ liệu liên quan và nếu công trình này cho thấy hiệu quả, nhiều tòa tháp tương tự sẽ được xây dựng trên khắp New Delhi", thủ hiến New Delhi – ông Arvind Kejriwal phát biểu.

Với chi phí chế tạo lên tới 2 triệu USD, một số chuyên gia cho rằng việc triển khai xây dựng số tháp lọc bụi đủ để làm sạch không khí trên toàn thành phố là rất tốn kém. Thay vào đó, một số ý kiến cho rằng chính quyền New Delhi nên hướng tới việc giải quyết các nguồn gây ra tình trạng ô nhiễm. Theo đó, những nguồn này bao gồm khí phát thải từ các phương tiện giao thông, các ngành công nghiệp nặng và quy mô nhỏ, hoạt động xây dựng, tình trạng đốt chất thải và nhiên liệu, cũng như việc phát quang đất trồng vào mùa Đông ở các khu vực lân cận.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Ấn Độ đóng góp tới 14 trong số 15 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Một nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí The Lancet cho thấy có 1,67 triệu trường hợp tử vong ở nước này do ô nhiễm không khí vào năm 2019, trong đó có gần 17.500 người ở Delhi. Năm 2018, Trung Quốc đã xây dựng một tháp lọc bụi cao 60 mét ở thành phố Tây An, nhưng thử nghiệm này vẫn chưa được áp dụng sang các thành phố khác cho đến nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại