Mục đích cuối cùng là giảm thiểu tác hại của một loài muỗi có khả năng truyền vi rút gây bệnh sốt xuất huyết và chikungunya, cùng các bệnh khác.
Theo đài truyền hình địa phương đưa tin vào cuối tuần trước, tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc đang thả hàng triệu con muỗi được tạo ra trong phòng thí nghiệm ra môi trường để ngăn chặn tác hại của một loài muỗi có nguy cơ lây truyền các bệnh nguy hiểm.
Công ty TNHH Công nghệ sinh học Wolbaki Quảng Châu, đã hợp tác với văn phòng kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh của thành phố, thả khoảng 5 triệu con muỗi đực được nuôi trong phòng thí nghiệm mỗi ngày. Những con muỗi này sẽ chỉ giao phối với muỗi vằn châu Á (aedes albopictus) để tạo ra những con non mang mầm bệnh.
Chỉ có muỗi cái của loài này, còn được gọi là muỗi hổ hay muỗi vằn, mới đốt con người do cần máu để sản xuất trứng muỗi và có khả năng truyền vi rút gây bệnh sốt xuất huyết và bệnh chikungunya, cùng các loại bệnh khác.
"Nhà máy sản xuất muỗi" của công ty công nghệ sinh học đặt ở Quảng Châu - nơi bệnh sốt xuất huyết đang là mối quan tâm về sức khỏe cộng đồng - đã lai tạo ra những muỗi đực và cho chúng nhiễm vi khuẩn Wolbachia trước khi thả chúng ra môi trường. Đây là một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong côn trùng và không gây hại cho con người. Khi muỗi đực mang vi khuẩn Wolbachia giao phối với muỗi cái aedes albopictus, nó làm giảm sự nhân lên của vi rút mà chúng mang theo, khiến chúng ít có khả năng truyền sang người hơn.
Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu từ công ty này, muỗi đực được tạo ra trong phòng thí nghiệm không cắn người và chỉ giao phối với aedes albopictus mà không ảnh hưởng đến bất kỳ loài nào khác trong tự nhiên. Phương pháp này được mô tả là an toàn và hiệu quả hơn so với việc sử dụng thuốc diệt côn trùng để diệt muỗi.
Các nhà nghiên cứu tại Wolbaki cho những con muỗi ăn đường và máu cừu, để tạo ra khoảng 10 triệu quả trứng muỗi mỗi ngày, theo đài truyền hình địa phương đưa tin. Trang web của công ty cũng cho biết nhà máy sản xuất muỗi của họ hiện sản xuất khoảng 50 triệu con muỗi đực mỗi tuần và thả chúng ra các đảo và quận xung quanh của thành phố.
Zhang Zhoubin, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quảng Châu, cho biết mật độ muỗi trưởng thành ở quận Bạch Vân của thành phố đã lần lượt giảm 59% và 70% trong năm 2018 và 2019, đồng thời số lượng trứng muỗi cũng giảm đáng kể.
Các quốc gia khác, bao gồm Mỹ và Brazil, cũng đang cố gắng nhân giống và thả muỗi biến đổi gen để chống lại một số bệnh do muỗi lây truyền, bao gồm cả Zika và sốt rét.
Vào tháng 5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban hành hướng dẫn mới cho nghiên cứu về việc sử dụng muỗi biến đổi gen để chống lại bệnh sốt rét và các bệnh khác. Trong đó, WHO đưa ra các tiêu chuẩn để cung cấp thông tin về tác động của việc thả những con muỗi như vậy và những tác động có thể xảy ra đối với con người, động vật và môi trường.
WHO cho biết: "Nếu được chứng minh là an toàn, hiệu quả và giá cả phải chăng, muỗi biến đổi gen có thể là một công cụ mới có giá trị để chống lại những căn bệnh này và loại bỏ gánh nặng kinh tế, xã hội và sức khỏe to lớn của chúng".
Tham khảo Sixthtone