Nước mắt lái xe Uber, lời cảnh tỉnh cho cuộc chơi thời công nghệ

Khánh Hoà |

Thấy bạn bè chạy xe Uber, Grab thu nhập cao, anh T.H bỏ công việc bàn giấy có phần nhàm chán, thu nhập thấp tại một công ty tư nhân và gom góp, vay mượn hơn 300 triệu đồng mua một chiếc xe con 4 chỗ để chạy taxi Uber.

Được chưa đầy 1 năm, thu nhập hàng tháng cũng chỉ đủ ăn và trả lãi ngân hàng thì Uber đột ngột nói lời tạm biệt. “Chuyển sang Grab thì phải đăng ký từ đầu, tỉ lệ ăn chia thấp hơn mà bán xe thì lỗ, chạy tiếp hay không thật không dễ quyết định, trong khi lãi ngân hàng hàng tháng hơn 10 triệu vẫn phải lo”, anh T.H không khỏi nghẹn ngào khi tâm sự.

Trên các diễn đàn, nhóm facebook của cánh lái xe, không thiếu lời rao bán xe hay trách móc thậm chí chửi bới Uber khi cuộc chơi taxi công nghệ bất ngờ có bước ngoặt. Có người đặt vấn đề “Ai bảo vệ quyền lợi cho lái xe Uber tại Việt Nam?”.

Tuy nhiên, sẽ khó trả lời vào câu hỏi trên nếu nhìn thẳng vào bản chất mối quan hệ giữa Uber và lái xe. Đây không phải là quan hệ chủ DN – nhân viên hay ông chủ - người làm thuê và trong hợp đồng hợp tác giữa 2 bên, Uber dường như cũng không hứa hẹn, cam đoan về thời hạn hay sự bền lâu của mối quan hệ mà đơn thuần là câu chuyện hợp tác, ăn chia, thuận lợi thì đồng hành mà không hợp thì chia tay.

Không ít tài xế “bắt cá nhiều tay” sử dụng nhiều loại ứng dụng để có khách hàng, chỗ nào lợi thì chạy và trong những tháng khởi đầu hoàng kim, nhiều tài xế cũng đã kiếm bộn khi Uber và Grab mạnh tay chi thưởng để lôi kéo.

Với mối quan hệ đó, những tài xế có cơ sở gì để “bắt vạ” Uber khi họ thấy lợi nên rút khỏi thị trường? Bởi không ít chuyên gia kinh tế chỉ ra Uber dường như chỉ có lợi khi rút khỏi cuộc đấu tốn kém với Grab.

Tương tự như chuyện Uber bỏ cuộc chơi, Facebook có những điều chỉnh về chính sách bảo mật khiến các ứng dụng phát triển trên Facebook và Messenger không thể hoạt động và kéo theo đó là sự ảnh hưởng nghiêm trọng tới các sàn bán hàng online trên nền tảng Facebook.

Những câu chuyện này đã, đang và sẽ cho thấy hai mặt của những cuộc chơi công nghệ mà ở đó có người gặt hái bạc triệu nhưng cũng sẽ khiến nhiều người khác lao đao. Vậy làm thế nào để hạn chế sự rủi ro hiện hữu này khi mà hành lang pháp lý khó “chạy” theo kịp với sự biến chuyển của công nghệ cũng như xu hướng kinh doanh mới?

Câu hỏi không chỉ dành cho các cơ quan chức năng mà có lẽ còn dành cả cho những người đã, đang và sẽ nhảy vào cuộc chơi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại