Chiến lược thoát hiểm ba bước
Dịch bệnh Covid-19 đã làm ngưng trệ hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới. Nếu lệnh phong tỏa kéo dài chừng ba tháng, Viện nghiên cứu kinh tế Ifo ước tính, tổn thất của nền kinh tế có thể lên tới 700 tỷ Euro.
Hãng tư vấn McKinsey cũng dự báo về một tương lai tăng trưởng kinh tế ảm đạm. Khu vực đồng Euro năm 2020 này mất khoảng 4,4% tổng sản phẩm quốc nội – trong trường hợp thuận lợi nhất.
Hiện nay, lệnh phỏng tỏa tại Đức kéo có hiệu lực đến hết ngày 19/4. Cho đến thời điểm đó, mọi sinh hoạt xã hội phải hạn chế tối đa. Không một ai muốn nói gì về thời gian sau đó. Tuy nhiên, nước Đức đòi hỏi phải lên kế hoạch để vực dậy nền kinh tế sau một thời gian đầy cam go, thử thách ngày càng lớn hơn .Vậy hình hài của chiến lược thoát hiểm như thế nào?
Theo tạp chí Tuần kinh tế Đức, công ty tư vấn Roland Berger đã phát triển một kế hoạch ba bước, tức nên khởi động nền kinh tế từng bước, vào đúng thời điểm tuy nhiên không quá sớm. Bởi tiền đề là không được làm tổn hại tới sức khoẻ của người dân. Do đó các nhà tư vấn đề xuất về một sự "khởi động an toàn“ .
Theo đó bước đầu tiên của chiến lược thoát hiểm phải được triển khai khi cuộc khủng hoảng vẫn đang còn ở giai đoạn nặng nề nhất. Trong khi người dân thực hiệm nghiêm túc lệnh phong tỏa và tránh mọi sự tiếp xúc thì chính phủ Đức cần xây dựng được một phương án bảo vệ sức khỏe người dân. Về cơ bản đó là việc xác định được những người bị lây nhiễm và cách ly họ – tức tạo cơ sở hạ tầng để xét nghiệm.
Cho đến nay, đây là một trong các vấn đề lớn, bởi số liệu của Viện Robert-Koch xét cho cùng chỉ là số ca lây nhiễm đã ghi nhận được – và thường chậm về thời gian. Điều này có nghĩa là số ca chưa phát hiện được cao hơn nhiều. Chừng nào những người bị lây nhiễm chưa được cách ly thì họ còn có thể tiếp tục lây bệnh sang những người khác. Với chiến lược này – xét nghiệm nhiều và cách ly người bị lây nhiễm – Hàn Quốc đã nhanh chóng hạn chế được sự lây lan của Covid-19.
Trong bước đầu tiên của chiến lược thoát hiểm chính là việc chuẩn bị đầy đủ lực lượng về chăm sóc y tế – ví dụ chuẩn bị có đủ khẩu trang và dung dịch khử trùng. Đức đang bị kẹt ở hai điểm này. Theo Hiệp hội các bác sỹ phòng thí nghiệm Đức thì việc làm test dàn trải trong toàn dân lúc này là "ảo tưởng"; các bác sỹ cũng phàn nàn vì nguồn cung eo hẹp của các thiết bị bảo vệ cơ bản như khẩu trang. Hiện người ta đặt nhiều hy vọng vào sáng chế bộ dụng cụ xét nghiệm trong 2 phút của hãng Ram Group, nhờ đó nước Đức tránh được thất bại ngay từ bước đi đầu tiên này.
Sau giai đoạn phong tỏa kéo dài tám tuần, chiến lược thoát hiểm của Roland Berger tính đến giai đoạn hai: Khởi động an toàn. Điều này có nghĩa là: Không thúc ép nền kinh tế trong tình hình hiện nay phải lập tức đi vào hoạt động bình thường, mà phải có sự ưu tiên hoá. Công việc đầu tiên phải làm là đưa các trường học, nhà trẻ, trường đại học đi vào hoạt động, tiếp theo là các cơ sở kinh doanh sản xuất, ngành du lịch, ăn uống và cuối cùng là các cơ sở phục vụ văn hoá.
Nước Đức có thể thoát hiểm bằng ba bước, theo các công ty tư vấn. Ảnh: Getty
Quá trình phục hồi sản xuất phải tiến hành song song với việc kiểm soát chặt chẽ nhất đối với tình hình sức khoẻ. Kiểm tra thân nhiệt hàng ngày cũng như duy trì khoảng cách tối thiểu một mét là điều nhất thiết phải thực hiện.
Trước tiên là làm việc, sau đó mới tính đến giải trí, vui chơi: Chiến lược thoát hiểm ở lĩnh vực giải trí, vui chơi sẽ được kích hoạt cuối cùng. Điều này phù hợp với dự báo của McKinsey . Hãng tư vấn doanh nghiệp này đã phân tích lĩnh vực nào bị ảnh hưởng nặng nề nhất và lâu nhất bởi đại dịch Covid-19. Ngành du lịch chịu ảnh hưởng lâu dài nhất của đại dịch Covid-19 do các hạn chế đi lại liên tục bị gia hạn ở những khu vực chịu tác động nặng nề của đại dịch.
Chiến lược khủng hoảng trong nội bộ doanh nghiệp là một mặt. Mặt khác là hoạt động của chính phủ. Giai đoạn hai, giai đoạn có ý nghĩa quyết định để thoát khỏi đại dịch Covid-19 – theo hãng tư vấn doanh nghiệp Roland Berger – chính phủ phải vào cuộc. Được biết, chính phủ Đức đã chi hàng nghìn tỷ để vực dậy nền kinh tế, lúc này đặc biệt phải kích cầu.
Để kích thích mua ô tô điện và hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô, hãng tư vấn này kiến nghị chính phủ Đức cần có các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ, ví dụ như khuyến khích dùng ô tô điện.
Bước thoát hiểm thứ ba
Đối với công ty tư vấn doanh nghiệp Roland Berger thì vấn đề rõ ràng là: Covid-19 sẽ thay đổi cách làm ăn của doanh nghiệp một cách lâu dài – do đó dẫn đến bước thứ ba trong chiến lược thoát hiểm: Đó là giai đoạn "Bình thường mới", trong đó cấu trúc lao động có những thay đổi căn bản. Điều này diễn ra trong mọi lĩnh vực – từ khâu lãnh đạo doanh nghiệp, khâu tiêu thụ, bán hàng và cả ở khâu phát triển – trong tương lai đều phải đẩy mạnh số hoá.
Vì Covid-19 đã cho thế giới thấy, làm việc di động là có thể và phần lớn trong lĩnh vực giải trí như rèn luyện thể lực và mua sắm – có thể thực hiện thông qua kênh kỹ thuật số.
Knut Alicke, một đối tác của McKinsey có trụ sở tại Stuttgart cho rằng, có những doanh nghiệp đứng trước những nhiệm vụ rất nặng nề, đó là cho đến nay họ không đầu tư vào hệ thống kỹ thuật số và các quy trình tích hợp, vẫn kiên trì chuyển đi chuyển lại các biểu bảng Excel, các doanh nghiệp này sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Họ sẽ gặp nhiều khó khăn khi lập kế hoạch cho các kịch bản và luôn bị dồn vào thế chân tường.
Mục tiêu phải là: Sẵn sàng đối mặt với khủng hoảng. Trong đó có cả việc tăng cường và mở rộng mạng lưới cung cấp ở khu vực và địa phương theo Roland Berger. Trước khi cơn khủng hoảng tràn vào nước Đức, đã có các doanh nghiệp, như trong lĩnh vực công nghiệp thời trang, dự kiến chuyển một phần cơ sở sản xuất về lại châu Âu. Theo quan niệm của các chuyên gia chuỗi cung ứng thì việc tập trung hoàn toàn vào một lục địa là vô cùng nguy hiểm. Trong thời buổi khủng hoảng, đa dạng hoá là chìa khoá để thoát hiểm.
Chuyên gia Alicke của McKinsey biết rất rõ về tầm quan trọng của chuỗi cung ứng trong tương lai. Ông hy vọng nhiều doanh nghiệp sẽ nhân cuộc khủng hoảng làm cơ hội để phân tích mô hình, kế hoạch tích hợp và tiếp tục quá trình số hoá - qua đó tạo sự minh bạch hơn nữa trong chuỗi cung ứng.
Để tránh một thảm hoạ về kinh tế, các doanh nghiệp cần sớm thông báo cho các đối tác trong chuỗi cung ứng. Ông lưu ý về những rủi ro do chậm trễ về thời gian: Hồi tháng Hai, tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới là Trung Quốc, khi nhu cầu về xe ô tô giảm xuống tới 90%, thông tin này tuy đã đến được các doanh nghiệp có liên quan; tuy nhiên phải vài tuần sau đó các nhà cung cấp và chế tạo ô tô ở châu Âu mới thực sự cảm nhận được vấn đề.
Mãi đến giữa tháng Ba, Fiat Chrysler mới tiết lộ tạm thời đóng cửa các nhà máy của mình do nhu cầu bị đứt đoạn. Các hãng như VW, Daimler và Opel sau đó cũng ngừng sản xuất.
Để đưa sản xuất hoạt động trở lại, các doanh nghiệp phải xem xét sự thiếu minh bạch trong chuỗi cung ứng đang diễn ra ở nhiều nơi – mặt khác các nhà cung ứng đặc biệt cần phải có nhân lực và vật tư, ông Alicke lưu ý, và vật tư lại lệ thuộc vào chuỗi cung ứng. Đây chính là khâu cần phải thông báo sớm để các doanh nghiệp cung ứng có thể đi vào sản xuất. Chuyện này phải diễn ra vào thời điểm khi bản thân họ chưa muốn hoặc chưa thể khôi phục sản xuất".