"Chiếc hàn thử biểu" của Ấn Độ và Nga
Kết quả cuộc cấp cao song phương thường niên lần thứ 19 giữa Ấn Độ và Nga chắc chắn làm Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin rất hài lòng. Ông Putin đi Ấn Độ và ở thăm Ấn Độ hai ngày để tham dự sự kiện này.
Khuôn khổ và cơ chế gặp gỡ cấp cao ấy được hai nước thiết lập năm 2000 và dần có được tác động của động lực thường xuyên thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, vừa đảm bảo định hướng phát triển quan hệ được duy trì. Đó là mối quan hệ đối tác chiến lược song phương.
Cuộc gặp cấp cao năm nay giữa hai nước đã đưa lại kết quả cụ thể là nhiều thoả thuận hợp tác được nhất trí và ký kết trên các lĩnh vực hợp tác như tăng cường trao đổi thương mại, hợp tác đầu tư về phát triển giao thông đường sắt và xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ấn Độ, hợp tác nghiên cứu và trao đổi công nghệ chinh phục vũ trụ...
Những kết quả như thế này thì lần gặp cấp cao song phương thường niên nào trong quá khứ đến nay cũng đều thấy có đạt được. Chúng đều rất tốt và quan trọng đối với cả hai nước, đều rất cần thiết và có giá trị thực tiễn rất cao, đều đưa lại lợi ích trước mắt và phục vụ cho lợi ích lâu dài.
Chúng đều là bằng chứng cho thấy mối quan hệ đối tác chiến lược mà hai nước đã thiết lập nên năm 2000 không ngừng đơm hoa kết trái và bội thu đến mức được tiếp tục phát triển thành mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt ưu tiên. Trong đó phải kể đến vai trò đặc biệt quan trọng về chiến lược và chính trị thế giới của quan hệ hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng và an ninh.
Mặc dù đến nay Mỹ bán ngày càng thêm nhiều vũ khí cho Ấn Độ và mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ cũng đối tác chiến lược, Ấn Độ vẫn mua sắm từ Nga nhiều vũ khí nhất.
Ở đâu cũng vậy và đối với quốc gia nào cũng vậy trên thế giới này, quan hệ hợp tác trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng và an ninh là chiếc hàn thử biểu chính xác nhất về sự tin cậy lẫn nhau, về hiệu quả thiết thực và triển vọng tốt đẹp bền vững trong quan hệ giữa các quốc gia với nhau.
Cũng chính vì thế mà đáng được chú ý đến hơn cả trong kết quả của cuộc gặp vừa qua giữa ông Modi và ông Putin là thoả thuận về việc Ấn Độ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, tổng trị giá 5,2 tỷ USD.
Ấn Độ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik
Từ lâu nay, Mỹ và Trung Quốc không lo ngại quá nhiều về việc Ấn Độ mua vũ khí của Nga. Nhưng việc Ấn Độ mua loại tên lửa S-400 của Nga vào thời điểm hiện tại lại rất khác, lại rất nhạy cảm đối với Nga và Ấn Độ, cũng như không phải chuyện mà Mỹ và Trung Quốc coi là bình thường.
Nguyên do ở chỗ Mỹ hiện rất găng với cả Nga lẫn Trung Quốc. Mỹ áp dụng những biện pháp trừng phạt Nga và mới đây lần đầu tiên còn trừng phạt cả Trung Quốc về việc Trung Quốc mua máy bay tiêm kích Su-35 và hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga - theo hợp đồng đã được Trung Quốc và Nga thoả thuận và ký kết từ năm 2015.
Với Trung Quốc, Mỹ không dừng lại ở xung khắc thương mại thuần tuý mà còn gây căng thẳng quyết liệt đồng thời trên một số lĩnh vực khác nữa.
Phép thử của Ấn Độ với Mỹ
Việc mua loại vũ khí hiện đại này của Nga cùng với ý định tiếp tục nhập khẩu dầu lửa của Iran bất chấp Mỹ cấm vận và trừng phạt Iran là phép thử của Ấn Độ đối với Mỹ. Phi vụ mua bán hệ thống tên lửa S-400 giữa Nga và Ấn Độ là nước cờ cao và cho thấy ông Putin và ông Modi đang vận dụng cái gọi là "tam tri" trong "ngũ tri": Biết người, biết thời thế và biết biến.
Phía Ấn Độ trù liệu rằng phía Mỹ sẽ không trừng phạt Ấn Độ về việc này như đã trừng phạt Trung Quốc vì những lý do sau.
Thứ nhất, quan hệ hiện tại của Mỹ với Ấn Độ khác cơ bản về bản chất lẫn mức độ so với quan hệ của Mỹ với Trung Quốc. Mỹ cần tranh thủ Ấn Độ trong khi cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Mỹ lại càng không dám làm gì để Ấn Độ lánh Mỹ mà gần Nga thêm.
Thứ hai, phân biệt đối xử giữa Trung Quốc và Ấn Độ lại có thể có lợi cho Mỹ. Bằng cách ấy, Mỹ vừa gia tăng áp lực với Trung Quốc lại vừa có được cử chỉ tranh thủ Ấn Độ.
Thứ ba, để cho Ấn Độ tăng cường vũ trang, dù mua vũ khí của Mỹ hay của Nga, sẽ giúp Ấn Độ có thêm thế và lực về quân sự đối phó Trung Quốc và làm khó cho Pakistan, như thế chỉ có lợi cho Mỹ.
Thứ tư, Ấn Độ và Nga hiện mới chỉ ký kết thoả thuận và sớm nhất thì cũng phải sau năm 2020 tên lửa này mới có thể được triển khai ở Ấn Độ. Từ nay đến thời hạn ấy là khoảng thời gian đủ để cho không biết bao nhiêu nước trôi qua cầu, không biết bao chuyện mới có thể sẽ xảy ra. Cờ bạc ăn nhau về cuối chứ không phải hiện tại. Cuộc cười cuối cùng mới sảng khoái nhất.
Trong khi đó, thoả thuận này giúp Ấn Độ tăng vị thế trong chiến lược của Nga và Mỹ, tăng tiềm lực đối phó Trung Quốc và Pakistan cũng như, biết đâu đấy, có thể giúp Ấn Độ phân hoá Nga với Trung Quốc.
Còn phía Nga thì không chỉ thắt chặt thêm quan hệ hợp tác với Ấn Độ mà còn làm phá sản chính sách trừng phạt của Mỹ, đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ và của cả một số đối tác khác ở Ấn Độ và khu vực Nam Á.
Cái lợi đối với hai nước này rất thiết thực và chiến lược trong khi tác động nghịch của nước cờ lại có thể kiểm soát được. Nước cờ này chưa phải đã phân định được thắng bại cho ván cờ nhưng làm cho tình thế của họ trong cuộc cờ thêm thuận lợi.
(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.