Lính biệt kích Hải quân Ấn Độ và trực thăng Sea King Mk 42 ASW trong cuộc diễn tập trước lễ kỷ niệm Ngày Hải quân ở Mumbai. Nguồn: Reuters
Theo Asia Times, Ấn Độ đang tăng cường thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, một động thái nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí từ Nga, đồng thời tăng cường quan hệ với các quốc gia “cùng chí hướng”.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh New Delhi tỏ ra lo ngại về khả năng Nga trì hoãn và hủy bàn giao các hợp đồng vũ khí do hệ lụy từ cuộc chiến ở Ukraine.
Ấn Độ là một cường quốc quân sự lớn, trong đó Lục quân đứng thứ hai thế giới, Không quân lớn thứ tư còn Hải quân đứng thứ bảy.
Tuy nhiên, Ấn Độ cũng là một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 11% đơn hàng vũ khí toàn cầu trong khi nhập khẩu tới 70% thiết bị. 60% giao dịch mua vũ khí của Ấn Độ đến từ Nga, một di sản của mối quan hệ từ thời Chiến tranh Lạnh.
Báo cáo năm 2021 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cho biết, kể từ năm 2010, Nga là nguồn cung cấp gần 2/3 (62%) tổng số lượng vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ và New Delhi cũng là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga, chiếm gần 1/3 (32%) tất cả các mặt hàng xuất khẩu vũ khí từ Moscow.
Theo The Military Balance 2021, kho vũ khí quân sự hiện tại của Ấn Độ có rất nhiều thiết bị do Nga sản xuất hoặc thiết kế. Lực lượng xe tăng chiến đấu chủ lực của Quân đội Ấn Độ, gồm chủ yếu là T-72M1 (66%) và T-90S (30%) là của Nga.
Arjun - xe tăng chiến đấu chủ lực bản địa của Ấn Độ. Ảnh: Twitter
Hiện nay, việc Nga đang phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề về trang thiết bị quân sự ở Ukraine đang làm tăng khả năng một số đơn đặt hàng vũ khí với Ấn Độ có thể bị Nga chuyển hướng để thay thế cho những tổn thất trên chiến trường, nguy cơ dẫn đến đình trệ quá trình bàn giao.
Đồng thời, các lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đã làm dấy lên lo ngại về vị thế của nước này với tư cách là nhà cung cấp thiết bị quân sự chính cho Ấn Độ trong tương lai.
Ấn Độ cũng nhập khẩu một lượng đáng kể vũ khí quân sự từ Pháp, Israel và Mỹ, tất cả đều làm dấy lên lo ngại về những ràng buộc chính trị có thể xảy ra với việc mua hàng của họ.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh ngày 7/4 cho biết, Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành một trung tâm sản xuất quốc phòng lớn. Ông cũng tiết lộ Danh mục Nội địa hóa Tích cực lần thứ ba của Ấn Độ, trong đó có đề cập đến 101 mặt hàng quân sự mà New Delhi hướng tới sản xuất trong nước từ năm 2022-2027.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Singh, danh sách này cho thấy tốc độ nhanh chóng của Ấn Độ trong việc đạt được khả năng tự cung tự cấp trong lĩnh vực quốc phòng của mình.
Danh sách đầy tham vọng nêu trên cũng bao gồm các mặt hàng có giá trị lớn như xe tăng hạng nhẹ, trực thăng hải quân, tàu tấn công nhanh và tên lửa chống hạm, phản ánh ưu tiên mới của chính phủ Ấn Độ trong việc nội địa hóa quốc phòng.