Nước Anh có tháp Big Ben, còn Arsenal có di sản vô giá của Wenger

Tiến Thành |

Sau gần 22 năm cống hiến với quá nhiều thăng trầm, cuối cùng, HLV Arsene Wenger đã đưa ra lời chia tay với sân Emirates. Giờ đây, đâu đó đã xuất hiện những giọt nước mắt tiếc nuối.

Có một câu chuyện đã quá nổi tiếng cũng như được kể cả ngàn lần bởi những người biết yêu bóng đá. Đó là về cái ngày ông Arsene Wenger, lúc đó còn đang ở Nhật, được CLB Arsenal thông báo sẽ trở thành HLV mới. 

Khi ấy, lập tức, giới truyền thông vốn chỉ quen theo dõi quanh quẩn một vài giải châu Âu, gọi ông với cái tên lạ lẫm "ngài vô danh". Tờ The Times thậm chí đặt ra dấu hỏi lớn giữa trang nhất của mặt báo: "Thuê Wenger là quyết định mạo hiểm nhất lịch sử Arsenal?".

Ngắm bức ảnh được đưa, Tony Adams sau này mới dám tự thú: "Thực ra, lúc đầu, tôi nghi ngờ về khả năng của ông ấy. Wenger đeo kính và thực chất trông như một thầy giáo và có lẽ sẽ không giỏi bằng HLV cũ George Graham đâu".

Nước Anh có tháp Big Ben, còn Arsenal có di sản vô giá của Wenger - Ảnh 1.

HLV Wenger khi mới về dẫn dắt Pháo thủ.

Và khi đó, chắc chắn người đội trưởng cùng phần đông giới chuyên môn chẳng ngờ ông giáo ấy lại đủ sức trụ lại sân Emirates trong hai thập kỷ.

1. Wenger từng nói: "Chúa tạo ra loài người và tôi mang giúp họ đến với cái đẹp". Cả sự nghiệp ông đã trung thành với câu nói ấy và khiến cả thế giới rơi vào sự mê mẩn.

"Giáo sư" thay đổi gần như toàn bộ chương trình tập luyện, đổi mới hệ thống ăn uống để các cầu thủ nhịp nhàng hơn trong đan bóng và nhanh hơn, mạnh hơn ở tấn công.

Cùng với đó, từ kỳ chuyển nhượng, ông đưa những Thierry Henry, Marc Overmars, Patrick Viera lên tầm thế giới kết hợp nâng cấp Denis Bergkamp và giúp Tony Adams thoát khỏi những vấn đề về rượu.

Như lẽ tự nhiên, Arsenal bước vào thời cực thịnh. Họ có tổng cộng 11 danh hiệu trong 10 năm đầu tiên cầm quyền và làm Sir Alex thật sự bối rối, đặc biệt ở đội hình bất bại thần thánh vào năm 2003/2004. 

Khoảnh khắc ấy, cả nước Anh đã biết "ngài vô danh" chính là Arsene Wenger, người mang làn gió mới đến nơi vẫn đang mải miết áp dụng lối đá "kick and rush" (chạy và sút) truyền thống.

Nước Anh có tháp Big Ben, còn Arsenal có di sản vô giá của Wenger - Ảnh 2.

HLV Wenger và Tony Adam trong thời kỳ hoàng kim của Arsenal.

Dù vậy, các chiếc cúp trong phòng truyền thống không phải thứ di sản duy nhất của Wenger ở Arsenal. Từ Highbury rồi đến Emirates, bắt đầu từ cái ôm các CĐV với chức vô địch đầu tiên đến cú nhảy cẫng cùng danh hiệu FA Cup 2017, thêm khoảnh khắc cúi gằm ở màn thảm bại 0-6 trước Chelsea trong trận thứ 1.000. Gần như mọi thăng trầm của Arsenal đều gắn với Wenger.

"Tôi không thể tưởng tượng sẽ buồn thế nào trước viễn cảnh không còn được chứng kiến ông ấy trên hàng ghế chỉ đạo nữa". Một người hâm mộ nức nở trước quyết định chia tay bất ngờ của Giáo sư.

Nước Anh sở hữu đồng hồ Big Ben. Xứ cờ hoa xa xôi thì có tượng nữ thần tự do. Còn với một bộ phận người hâm mộ Arsenal, họ sẽ tự hào vỗ ngực nhận rằng trong 22 năm đã cùng Wenger tiến bước.

2. Trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại, đồng tiền với các thương vụ đình đám chiếm một vị trí ngày càng quan trọng. Những đồng Rup của Abramovich đem vương quyền nước Anh về Chelsea chỉ trong hai năm còn doanh nghiệp ADUG dưới bàn tay Sheik Mansour cũng chỉ mất từng đó thời gian để lột xác hoàn toàn Man City.

Theo triết lý của "Hoàng đế" Frank Beckenbauer thì kẻ chiến thắng mới là kẻ mạnh. Và sau khi dần lép vế bởi trung thành với chính sách đào tạo trẻ, Wenger mất đi sự ảnh hưởng và lối đá tấn công hoa mỹ được tôn thờ một thời giờ mang theo tên gọi mới, không hề dễ chịu, đó là "lối đá mong manh của những đứa trẻ".

Mourinho từng không tiếc lời chỉ trích sự non nớt của Arsenal. Nhưng có lẽ, chỉ cần thêm một chút thực dụng, đó sẽ không còn là Wenger và người yêu bóng đá sẽ không được thấy một thứ bóng đá hào hoa đến thế.

Nước Anh có tháp Big Ben, còn Arsenal có di sản vô giá của Wenger - Ảnh 3.

Giờ đây, đâu đó đã xuất hiện những giọt nước mắt tiếc nuối khi không còn thấy Giáo sư ở Premier League.

Tất nhiên, Wenger đã thay đổi. Trước sự đi lên của Conte mùa 2016/2017, ông dám từ bỏ sơ đồ bốn hậu vệ đã dùng gần 30 năm hay chấp nhận lôi kéo ông chủ Kroenke móc hầu bao mua những ngôi sao có tiếng, bao gồm Ozil, Sanchez, Xhaka, Lacazette hay Aubameyang. Dù vậy, tất cả là chưa đủ.

Đối mặt với thành tích ngày càng xuống dốc, "Giáo sư" cuối cùng đã tuyên bố dừng lại vào ngày 20/4, bất chấp theo một số chuyên gia, quyết định đó đến hơi muộn.

Điều đó đồng nghĩa với bản hợp đồng đến mùa 2018/2019 sẽ không bao giờ được hoàn thành.

Giờ đây, những tấm biểu ngữ "Wenger Out" được treo nhan nhản tại nước Anh, thậm chí ở Senegal hay New Zealand sẽ không còn nữa. 

Đâu đó xuất hiện thông tin về một sự rối loạn, những tiếng khóc trong nội bộ Pháo thủ khi đối mặt cùng sự thật nghiệt ngã. Chẳng ai dám chắc một cuộc khủng hoảng sẽ không nổ ra.

Và rất có thể, sự hả hê của không ít người hâm mộ Arsenal sẽ nhanh chóng thay bằng nỗi sợ hãi, với bài học tại Old Trafford cách đó 200 dặm, bài học sau sự ra đi của Sir Alex.

Arsene Wenger đã dẫn dắt Arsenal tổng cộng 1.228 trận đấu với 704 chiến thắng. Tỷ lệ chiến thắng 57,3 % tại đội bóng London là con số cao nhất sự nghiệp của chiến lược gia người Pháp.

Trong thời gian Wenger dẫn dắt Arsenal, Man United đi qua 5 đời HLV, Chelsea là 17 (Mourinho và Hiddink mỗi người tại vị 2 lần) còn Man City là 13.

20 years of Arsène Wenger

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại