Chuyện về cô thiếu nữ lần đầu cầm súng đã "bách phát bách trúng"

Ngọc Tú |

Ngày còn là thiếu nữ, bà Thanh đã khiến tất cả phải kinh ngạc, khi bắn "bách phát bách trúng" trong lần đầu tiên cầm khẩu súng thể thao.

Duyên tình cờ với bắn súng!

Bà Đặng Thị Kim Thanh (SN 1944, trú tại thị trấn Thạch Hà, Hà Tĩnh) là người từng đạt huy chương bạc trong môn bắn súng ngắn chậm nữ 50m tại Đại hội Ganefo Châu Á lần thứ nhất vào năm 1966. Đợt đó, xạ thủ Trần Oanh giành Huy chương vàng bắn súng ngắn chậm nam.

Bà Thanh kể, cái duyên đến với môn bắn súng của bà rất đỗi đời thường và tình cờ. Có lẽ, bà chưa bao giờ nghĩ, với một người phụ nữ "chân yếu tay mềm" như bà lại có thể đạt giải cao trong những cuộc thi bắn súng.

Chuyện về cô thiếu nữ lần đầu cầm súng đã bách phát bách trúng - Ảnh 1.

Nữ xạ thủ "vang bóng 1 thời" với nhiều giải nhất, huy chương và danh hiệu về môn bắn súng ngắn chậm nữ 50m.

Đầu năm 1965, thời ấy chiến tranh đang ác liệt nên Ty Thể dục thể thao Hà Tĩnh (nay là Sở Văn hoá thể thao) chuyển về đóng tại nhà ông nội của bà Thanh ở xã Thạch Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh).

Lúc này, Ty Thể dục thể thao thông báo tuyển người bắn súng giỏi để tham gia vào đội tuyển tập luyện cho các cuộc thi trong và ngoài nước.

Thời bấy giờ, ngoài làm ruộng sản xuất, bà Thanh còn là dân quân trực chiến của xã Thạch Tiến. Vậy nên bà có biết chút ít các loại súng và bắn súng.

Một ngày đầu tháng Hai, trên đường đi làm ruộng về ngang qua sân vận động xã, bà Thanh thấy nhóm người đang tập bắn súng nên chạy lại gần để xem.

Đang nói chuyện vui với người bạn về việc mình cũng có sở thích bắn súng, bà Thanh bất ngờ được Tổ huấn luyện nghe thấy và mời vào thử bắn.

Chuyện về cô thiếu nữ lần đầu cầm súng đã bách phát bách trúng - Ảnh 2.

Sau nhiều năm thi đấu ở cả trong và ngoài nước, bà đã danh nhiều giải và huy chương.

"Lần đó họ nói tôi thích nên đưa tôi vào thử bắn xem sao. Lúc đó bia bắn chỉ là vỏ măng tre uốn thẳng ra rồi vẽ thêm mấy vòng tròn được họ để ở bờ ruộng.

Lúc đó, họ chỉ dẫn cho tôi cách cầm súng, cách ngắm để bắn. Súng các loại khác thì tôi cầm nhiều rồi nhưng súng ngắn luyện tập thi đấu đó tôi cầm lần đầu tiên.

Nhưng không hiểu sao tôi rất tự tin và bắn trúng cái vỏ măng mấy phát liền. Thấy thế, họ cười và tiếp tục lấy đạn cho tôi thử bắn", bà Thanh tâm sự.

Sau lần "ra mắt" hoành tráng ấy, bà Thanh được gọi vào đội tuyển tập luyện để chuẩn bị cho các cuộc thi.

Sau 6 tháng tập luyện ở xã, khoảng tháng 10/1965, bà Thanh được ra dự thi đấu bắn súng toàn miền Bắc. Đợt đó, bà xuất sắc giành giải nhất với điểm số 530 điểm/60 viên và lập kỷ lục ở phần thi bắn súng ngắn chậm nữ 50m toàn miền Bắc.

Tháng 3/1966, bà Thanh được gọi ra CLB bắn súng Trung ương tập luyện 3 tháng và tiếp tục sang Bắc Kinh tập luyện bắn súng thêm 3 tháng nữa.

Chuyện về cô thiếu nữ lần đầu cầm súng đã bách phát bách trúng - Ảnh 3.

Hai tấm huy chương bạc bà Thanh xuất sắc giành được trong kỳ đại hội Ganefo Châu Á năm 1966.

Tháng 11 năm đó, bà Thanh tiếp tục dự thi giải bắn súng toàn miền Bắc và tiếp tục giành giải nhất. Không những thế, bà còn được phong danh hiệu là kiện tướng môn bắn súng ngắn chậm nữ 50m toàn miền Bắc.

Tháng 12/1966, bà Thanh cùng đoàn thể thao Việt Nam sang Campuchia để dự thi đại hội Ganefo Châu Á.

"Đợt đó chiến tranh nên trường bắn phải chuyển mấy lần lên núi, đồi chè rồi đồi cam nên khá thiếu thốn. Thời gian bắn thì ít, đôi khi còn thiếu cả đạn, phải tập khan không đạn. Nhưng ai cũng quyết tâm cố gắng.

Lần ấy đầu tiên được đi thi quốc tế nên cũng rất hồi hộp nhưng cũng tự nhủ mình cố gắng vì tự hào dân tộc. Cũng không ngờ mình lại giành được Huy chương Bạc với 529 điểm", bà Thanh nhớ lại.

Chuyện về cô thiếu nữ lần đầu cầm súng đã bách phát bách trúng - Ảnh 4.

Tấm ảnh chụp bà Thanh cùng ông Trần Oanh và các đồng đội nói chuyện với Bác Hồ sau ngày đăng quang Đại hội Ganefo. (Trong ảnh bà Thanh ngồi ngoài cùng ở bìa phải).

Sau lần đăng quang trên trường quốc tế, bà Thanh cùng đoàn về và được Bác Hồ đến hỏi thăm, chúc mừng. Kỷ niệm đó bà chẳng bao giờ quên được.

"Huy chương thì không nói, nhưng đối với tôi thành công lớn nhất cuộc thi đó chính là được kéo lá cờ Tổ quốc lên khoe với cả thế giới và được gặp Bác Hồ", bà Thanh nhớ lại lần đăng quang ở đại hội Ganefo Châu Á.

Ký ức về nhà vô địch thế giới bị lãng quên - Trần Oanh

Sau đợt đăng quang trên trường quốc tế ở môn bắn súng, bà Thanh tiếp tục tập luyện tại trường bắn Xuân Mai cho những cuộc thi tiếp theo. Đến năm 1970, bà Thanh xin về quê.

Chuyện về cô thiếu nữ lần đầu cầm súng đã bách phát bách trúng - Ảnh 5.

Cuốn sổ kỷ niệm trong đợt tham dự đại hội Ganeffo 1966 vẫn được bà Thanh cất giữ cẩn thận với những trang nhật ký không thể nào quên.

Kể từ đó, bà Thanh "từ giã" với nghiệp bắn súng của mình. Sau khi về quê, bà xin chuyển ngành sang Hợp tác xã huyện để làm việc.

Giờ đây, bà Thanh sống an nhàn trong ngôi nhà nhỏ cùng người chồng tại quê nhà. Bốn người con của bà hiện cũng đã lập gia đình và thành đạt, mỗi người một công việc.

Tâm sự về ông Trần Oanh - nhà vô địch thế giới bắn súng ngắn nam, người một thời là đồng đội cùng bà tập luyện, tham dự nhiều kỳ thi cả trong nước và quốc tế, bà Thanh cho biết cả đời bà sẽ chẳng bao giờ quên được con người tài năng như thế.

Bà Thanh nhớ lại, đợt bà được gọi ra Câu lạc bộ bắn súng Trung ương tập luyện cũng là lần đầu bà được gặp ông Trần Oanh. Lúc đó, bà đã nghe tiếng ông Oanh nổi tiếng với bắn súng giỏi nên bà cũng rất mến mộ.

Chuyện về cô thiếu nữ lần đầu cầm súng đã bách phát bách trúng - Ảnh 6.

Bà Thanh luôn giữ kỹ và trân trọng những tấm huy chương, những giải thưởng bắn súng của mình.

Suốt nhiều năm tập luyện với nhau, bà biết ông Oanh là người hiền lành, vui vẻ và hoà đồng. Thế nhưng, trong lúc tập luyện bắn súng thì ông lại trở thành một người khác hoàn toàn, rất nghiêm nghị, tập trung và có trách nhiệm.

"Thời đó, ông Oanh là người bắn súng giỏi nhất, lúc tôi mới ra tập luyện đã nghe tiếng của ông ấy rồi. Đợt đi thi Ganefo, tôi được Huy chương bạc còn ông ấy được hẳn 2 huy chương vàng cá nhân và đồng đội. Tôi cũng rất ngưỡng mộ ông ấy vì tài bắn súng, hiếm có ai mà được như ông ấy.

Cùng tập luyện nhiều năm trong một trường, cùng sinh hoạt, ăn uống, cùng đi thi nên tôi cũng rất hiểu tính ông ấy. Ông ấy cũng tâm sự hoàn cảnh gia đình ông ấy nghèo khó nên rất thương.

Sau khi tôi chuyển ngành về quê thì không còn liên lạc được với ông ấy nữa. Đợt kỷ niệm 50 năm thành lập trường bắn súng, tôi và các đồng đội gặp lại nhau, nhưng rất tiếc là không còn được gặp lại ông Oanh nữa", bà Thanh chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại