Tôi sinh ra trong một gia đình lao động nghèo và rất đông con. Nhà có tới 12 chị em, tôi là áp út. Ba làm công nhân, mẹ buôn gánh bán bưng kiếm từng đồng nên nhà tôi khổ vô cùng. 13 tuổi, cắp sách vô học trường Trần Hữu Trang là tôi cũng tự lập không phiền gia đình lo cho mình cái gì.
Thời gian đầu, tôi ở bán trú (ăn trưa tại trường). Ngày đó còn bao cấp nên hàng tháng, mỗi học viên được lãnh 17 ký gạo, nửa ký thịt, nửa ký cá nhưng vì tôi ở bán trú nên phải để lại thịt, cá và 10 ký gạo ở trường để ăn trưa.
Phần vì thấy thiệt thòi, phần vì nhà quá nghèo nên sau đó tôi không ở bán trú nữa để được đem trọn tiêu chuẩn đó về cho cả nhà cùng ăn.
Không ở bán trú cũng đồng nghĩa với việc tôi phải đi bộ hàng chục cây số mỗi ngày. Nhà tôi ở đường Lý Chính Thắng, tôi học bên đường Nguyễn Gia Thiều, cách mấy cây số.
Ngày nào cũng như ngày nào, sáng đi bộ trưa chạy về nhà ăn cơm rồi lại đi bộ tiếp tới trường học chiều. Tan học, chạy nhanh về ăn cơm rồi tối cắp sách đến lớp học bổ túc văn hóa.
Cứ như vậy, tôi cứ đi bộ suốt mấy năm trời.
Nghệ sĩ Thoại Mỹ thời trẻ.
Thậm chí đến đôi dép đứt tôi cũng không có tiền mua. Tôi mang dép xỏ ngón, đứt quai phải lấy ghim băng hoặc cọng kẽm xâu lại ở dưới đế để đi tiếp.
Khi tôi dậy thì, tiền cho chuyện con gái hàng tháng cũng không có, phải dùng giấy hoặc vải. Sau mỗi đêm diễn, tôi phải dùng cục xà bông dầu để rửa mặt và gội đầu bằng bột giặt quần áo.
Ngay cả khi đi hát tôi cũng chưa từng biết đến chiếc xe đạp. Diễn trong thành phố, dù xa đến mấy tôi cũng phải đi bộ. 7 giờ tối mở màn thì 3 giờ chiều tôi xách cà mên đi. Tới nơi giở cà mên ăn cơm rồi làm mặt.
Chỉ khi nào hát ngoại ô xa mới có xe đoàn đưa đón. Nghệ sĩ tập trung ở trụ sở đoàn hát, tôi cũng lại đi bộ đến rồi đi bộ về. Hồi đầu, thỉnh thoảng ba đón nhưng ban ngày ông còn đi làm nên tôi không muốn phiền. Tôi nói quá giang được bạn bè, kỳ thực là đi bộ về.
Có nhiều hôm về khuya gặp phải những người đàn ông bệnh hoạn thích cho phụ nữ xem của quý, tôi sợ chết khiếp. Tôi khóc thét lên bỏ chạy.
Vì sợ hãi nên những tối đi diễn về quá muộn, tôi ngủ lại nhà bạn. Sau này, cô Ngọc Cảnh về làm trưởng đoàn 3 thấy hoàn cảnh của tôi thì thương cho ngủ lại đoàn hát. Cô còn lo cho tôi cơm nước mỗi ngày để được cầm trọn tiền hát về lo cho gia đình.
Nghệ sĩ thời đó khổ lắm, mỗi lần đi hát tỉnh xa, cả đoàn mấy chục con người dồn hết vào một gian phòng, trải chiếu xuống đất ngủ. Cứ 2, 3 người chui vô một cái mùng (màn). Ngày đó rệp rất nhiều, buổi tối lo bắt rệp cũng tới sáng. Hôm sau dậy, ai cũng bơ phờ.
Và Thoại Mỹ ở tuổi 48 hiện tại.
Tắm thì múc nước giếng, phải thay phiên nhau. Nhiều khi gặp vùng nước cạn, mỗi người được khoán cho sử dụng bao nhiêu lít nước để tắm và giặt đồ. Ấy vậy mà cũng phải đợi họ bơm nước lên, chờ lắng cặn, lắng phèn mới dùng được.
Cơm ăn tập thể, không no cũng phải chịu. Có những địa phương nghèo tới mức vãn tuồng, nghệ sĩ muốn tìm cái gì lót bụng cũng không có. Còn tôi nghèo, hát được bao nhiêu đem về phụ gia đình hết, có đói cũng ráng nhịn, không dám ăn.
Trải qua bao nhiêu vất vả có những lúc tưởng chừng không thể đứng trên sân khấu nữa nhưng ông Tổ vẫn thương, vẫn ngó xuống tôi, cho tôi tên tuổi như ngày hôm nay.
Chỉ tiếc rằng, đời sống riêng tư của tôi quá nhiều lận đận. Tôi kết hôn vài lần, lần nào cũng đổ vỡ. Tôi từng thèm khát một đứa con nhưng cũng không thể có. Hồi đầu tôi buồn nhưng khi hiểu Phật pháp, tôi buông bỏ để lòng thanh thản.
Dù không có con nhưng tôi vẫn làm được những điều tốt đẹp cho mọi người, vẫn làm được nghề. Nhiều đêm nghĩ về số phận mình, tôi cũng chạnh lòng, cũng tủi thân, cũng khóc nhưng rồi mọi thứ cũng trôi qua.
Giờ tôi đang hài lòng với cuộc sống hiện tại và hạnh phúc vì còn được làm nghề!
NSƯT Thoại Mỹ và NSƯT Vũ Linh, cặp đôi vàng danh tiếng của cải lương Việt Nam.
Nghệ sĩ Thoại Mỹ tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Mỹ. Nghệ danh Thoại Mỹ được đặt theo nghệ danh của chị gái cô cũng là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng - Thoại Miêu.
Thoại Mỹ đi hát từ năm 11 tuổi dưới sự hướng dẫn của chị gái nhưng người thầy đầu tiên trong đời cô là cố NSƯT Út Trong.
Trong cuộc đời làm nghề, Thoại Mỹ ghi dấu ấn trong nhiều vai diễn xuất sắc như Lan (Giũ áo bụi đời), Hồng Phụng (tuồng Ngọc Kỳ Lân), Võ Tắc Thiên (vở Thái Bình công chúa), Lan (Lời thú tội muộn màng), Thúy Kiều (Kim Vân Kiều)...
Trong sự nghiệp, Thoại Mỹ đã có rất nhiều giải thưởng danh giá: Huy chương vàng giải Trần Hữu Trang (1992), 5 lần đạt giải Mai Vàng hạng mục diễn viên xuất sắc nhất cùng nhiều giải thưởng khác do báo chí và công chúng bầu chọn.
Năm 2003, Thoại Mỹ nhận Huy chương văn hóa do Nhà nước trao tặng. Huy chương vàng diễn viên tài sắc (2004), Huy chương vàng hội diễn cải lương chuyên nghiệp toàn quốc (2005)...
Năm 2007, Thoại Mỹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú.
* Ghi theo lời kể của NSƯT Thoại Mỹ