NSƯT Quỳnh Hương: Tôi chỉ được đóng vai già, nghèo rồi... chết!

Nguyễn Hương |

Quỳnh Hương rẽ lối sang hài kịch một phần vì ngán những vai già, nghèo đói, bệnh tật ho sặc máu chết trên sân khấu cải lương. Chị sợ ra đời mình đã xấu lại nghèo như những vai diễn...

Gian nan vào nghề...

NSƯT Quỳnh Hương là chị lớn trong gia đình có 3 chị em. Hiện tại, Quỳnh Hương và một người em trai đang sống với cha mẹ ở huyện Hóc Môn, TP.HCM. Cha chị trước là nghệ sĩ hát bội nhưng đã bỏ nghề, còn mẹ buôn bán.

Thế nhưng nguyên dàn kèn trống ở Nhà hát Bội TPHCM hiện nay đều là anh em họ hàng bên nội bên ngoại nhà chị. Cả dòng họ theo bộ môn này, chỉ có mình Quỳnh Hương "lạc bước" vào cải lương.

NSƯT Quỳnh Hương nhớ lại: "Hồi xưa nhà tôi nghèo lắm. Mẹ trồng nấm mèo, để có chỗ treo nấm, mẹ bắt ba chị em tôi ra sân ngủ. Trong nhà, chỉ chừa chừng hơn 1 mét để bàn thờ ông bà tổ tiên còn chỗ nào cũng treo lủng lẳng nấm mèo.

Hồi nhỏ tôi bị mẹ cho ăn đòn suốt vì quá mê cải lương. Tụi bạn có tiền thì mua son phấn, còn tôi có bao nhiêu tiền dồn hết mua đĩa cải lương về nghe. 

Cả đám học theo, lấy cây giang làm kiếm, chăn mền làm áo choàng chơi đánh trận. Mẹ kêu nấu cơm, mải chơi quên mất nên bị mẹ bắt chống đầu xuống đất, chân đưa lên dựa tường mà uýnh.

Tôi bị đánh nhiều tới mức cha bảo, "hai mẹ con mày cứ như mẹ ghẻ con chồng". Vì bị đánh miết nên lúc nhỏ tôi ghét mẹ, còn dọa lớn bỏ nhà đi. Nhưng khi hiểu chuyện mới nhận ra mẹ cả đời vất vả, làm việc cực nhọc kiếm từng đồng mà nói hoài con không nghe nên nổi quạu vậy thôi...".

NSƯT Quỳnh Hương: Tôi chỉ được đóng vai già, nghèo rồi... chết! - Ảnh 1.

Nghệ sĩ ưu tú Quỳnh Hương.

Từ nhỏ, mỗi lần thắp hương khấn ông bà, Quỳnh Hương luôn xin lớn lên được đi hát. Không rõ do ông bà phù hộ hay được Tổ chọn mà học hết lớp 9, Quỳnh Hương thi đậu trường Nghệ thuật Sân khấu 2 khoa cải lương. Đó là năm 1993, khi cải lương đã bắt đầu có dấu hiệu đi xuống.

Trong khi mẹ không đồng ý cho chị theo nghệ thuật thì cha lại lén cho con tiền và chở đi học. Thời gian đầu, sáng nào cha cũng chở chị tới trường bằng xe đạp mấy chục km từ Hóc Môn lên đường Cống Quỳnh, quận 1.

Qua học kỳ 1, chị xin ở ký túc xá để cha đỡ cực. Mẹ góp được chiếc vòng đeo tay, kêu chị đem bán lấy tiền đi học. Nhưng cũng chỉ đủ trang trải được một thời gian.

Nghệ sĩ Quỳnh Hương kể, hồi đó chị ở chung ký túc với một cô bạn người Thanh Hoá. Nhà bạn khá giả hơn nên chị thường nấu cơm giặt đồ cho bạn để tới bữa được ăn ké.

Vừa sang năm 2 được ít ngày vì không có tiền đóng học, Quỳnh Hương bỏ lớp theo bạn xuống đoàn tỉnh Long Giang đi hát. Nhưng đó cũng là một đoàn hát ế ẩm, không có tiền trả lương cho nghệ sĩ.

Mấy tháng trời, ngày nào, bữa nào cũng chỉ ăn một món là cá. Hát ở đâu, cả đoàn ngủ ở đó, người mang theo võng, người trải chiếu nằm đình chùa, bãi bến, nhà dân...

Chị hồi tưởng: "Lần đó đoàn hát ở Phú Mỹ, Tiền Giang tôi điện thoại xin cha cho về đi học lại. Cuộc sống cơ cực là một lẽ, nhưng nghe đào chánh hát, tôi thấy mình non nghề. Nếu muốn theo nghề này thì nhất định phải học tiếp.

Cha chạy xuống Tiền Giang cho tôi 300.000 đồng rồi chở hết đồ đạc về để tôi đón xe lên Sài Gòn. Cả khoá lúc đó cũng rơi rụng nhiều, lớp chỉ còn 5 người nên nhà trường đồng ý cho tôi quay lại học tiếp".

NSƯT Quỳnh Hương kể về góc khuất gia đình và con đường làm nghệ thuật trầy trật - Ảnh 3.

Quỳnh Hương và các thành viên trong nhóm Đồng Dao.

Khi Quỳnh Hương tốt nghiệp ra trường cũng chính là thời điểm cải lương bắt đầu có những đêm phải trả vé. Chị trầy trật thi 3 lần mới trở thành diễn viên chính thức của Nhà hát Trần Hữu Trang. Cải lương tuy đang xuống nhưng Quỳnh Hương vẫn miệt mài nuôi dưỡng đam mê.

Nói về duyên nợ với cải lương, nghệ sĩ Quỳnh Hương bày tỏ: "Tôi ra sân khấu không nghĩ là mình hát mà như có ai đó hát, như mình mắc lời thề với nghiệp từ kiếp trước vậy. Hả họng ra là hát, hát xong vô cánh gà không nhớ mình vừa hát gì.

Tôi gần như không bao giờ học tuồng, chỉ cần ngó qua là thuộc từng câu ca nhưng bỏ tuồng là cũng quên luôn, không nhớ gì nữa".

Rẽ lối sang hài kịch

Con đường vào nghệ thuật của Quỳnh Hương lận đận vô cùng. Cải lương đang lúc hết thời thì chị đặt bước chân đầu tiên vào làm nghề. Trầy vi tróc vảy hàng chục năm trời, chị cũng được Tổ thương cho vài lần đạt huy chương vàng tại các kỳ liên hoan, cuộc thi, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

Đang lúc có chút tên tuổi thì Quỳnh Hương bị viêm họng hạt ở dây thanh quản, hát bị khàn và không ngân được. Với một diễn viên cải lương, đó gần như là án tử. Chị kể "Lúc đó tôi sợ lắm, nghĩ mình đã xấu chỉ có giọng hát thôi, giờ mà không ca được thì biết làm sao".

Thế rồi Tổ thương dẫn lối chị sang lĩnh vực hài kịch. Hồi đó, tấu hài đang lên. Nhóm hài Trung Dân là một trong những nhóm hoạt động mạnh và đắt show lúc bấy giờ.

Trước đó, nghệ sĩ Trung Dân từng mời Quỳnh Hương tham gia nhóm hài của anh nhưng chị từ chối vì còn mê cải lương. Sau biến cố này, một phần vì không ca hay được như trước, phần vì đã nản chí với cải lương nên chị quyết định nhận lời.

NSƯT Quỳnh Hương: Tôi chỉ được đóng vai già, nghèo rồi... chết! - Ảnh 3.

Quỳnh Hương tưng tửng đáng yêu trên sân khấu hài khi diễn cùng nghệ sĩ Trung Dân.

Quỳnh Hương chia sẻ: "Lần đầu anh Trung Dân mời, tôi từ chối. Lúc đó cả thành phố chỉ còn đoàn Trần Hữu Trang hoạt động, Tôi xấu xí, chỉ có giọng hát, nếu đi sẽ khó quay lại. 2 năm sau, anh Trung Dân lại mời.

Không thể chối bỏ rằng cải lương đưa tên tuổi Quỳnh Hương lên thành nghệ sĩ ưu tú như ngày hôm nay nhưng sau này các vở diễn thiếu đi yếu tố đời sống mà thiên về hô hào quá nhiều nên dần chọn lọc khán giả còn nghệ sĩ thì chán nản.

Những cô đóng đào chánh lúc nào cũng được đóng vai đẹp và hướng thiện nên khán giả nhớ. Còn tôi xấu xí nên chỉ được giao những vai không nổi bật, không ấn tượng nên khán giả ít để ý.

Phần vì không thể ca hay như trước, phần vì buồn cải lương nên khi anh Trung Dân mời, tôi nhận lời đi tấu hài. Cũng có người hỏi tôi là diễn viên cải lương mà phải theo tấu hài kiếm cơm có buồn không? Thực lòng tôi không buồn.

Qua lãnh vực kịch nói và hài, tôi vẫn đóng vai già nhưng tính cách phong phú hơn. Từ những bà già tưng tửng đến những bà giá khó chịu… còn bên cải lương hễ tôi đóng già là chỉ có một kiểu: nghèo, ho sặc máu rồi chết.

Đã xấu còn đóng nghèo riết nên nhiều lúc tôi có cảm giác mình bước ra đời, cái xấu cái nghèo nó đeo đẳng theo mình hoài khiến mình khổ như những vai diễn".

Nghệ sĩ Quỳnh Hương sinh năm 1977 trong một gia đình có truyền thống về nghề hát bội ở TPHCM. Chị là cựu sinh viên trường Sân khấu Nghệ thuật 2 (nay là trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM) khoá 18 khoa cải lương.

NSƯT Quỳnh Hương từng công tác tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang trước khi dấn thân sang lĩnh vực kịch nói và sân khấu hài theo lời mời của nghệ sĩ Trung Dân.

20 năm làm nghề, Quỳnh Hương 5 lần được trao huy chương vàng tại các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 2015, Quỳnh Hương được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại