(Thông tin đang được chúng tôi tiếp tục cập nhật)
RT trích phát biểu của đại diện Bộ Quốc phòng Nga cho biết, họ đã tiến hành điều tra số seri 8868720 trên thân tên lửa BUK và phát hiện đây là lô hàng được sản xuất từ năm 1986 tại nhà máy Dolgoprudny ở Moskva, nhưng sau đó số tên lửa này đã được chuyển ngay tới Ukraine.
Theo tài liệu được lưu trữ tại nhà máy Dolgoprudny, lô hàng trên đã được chuyển đến Ukraine vào ngày 29/12/1986 cho đơn vị 20152 đóng quân tại khu vực thuộc Ukraine ngày nay.
Hồ sơ về lô hàng tên lửa BUK được chuyển đến Ukraine năm 1986. Ảnh: RT
Đại diện BQP Nga cũng khẳng định phía Nga chưa từng nhận lại bất kì tên lửa nào thuộc lô hàng trên.
BQP Nga cho biết hiện nay đơn vị trên đã được đổi tên thành Trung đoàn Phòng không Số 223 thuộc lực lượng quân đội Ukraine, và đơn vị này từng tham gia cuộc chiến chống phe ly khai tại miền Đông Ukraine hồi tháng 6/2014.
Trong buổi họp báo, BQP Nga còn đặt ra những câu hỏi nghi vấn về đoạn video bằng chứng do nhóm điều tra Bellingcat của Anh cung cấp. Video này cho thấy hình ảnh tên lửa BUK được chuyển từ Nga tới sát khu vực biên giới với Ukraine, gần nơi xảy ra vụ bắn rơi máy bay MH17.
Theo cơ quan này, một số điểm thiếu nhất quán cho thấy đoạn video trên đã được chỉnh sửa nhằm hướng các nghi vấn vào Nga.
Bằng chứng của BQP Nga cho thấy đoạn video của Bellingcat được chỉnh sửa từ những tấm ảnh ghép. Ảnh: RT
Tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên BQP Nga, cũng nhắc lại rằng phía Ukraine đã không cung cấp dữ liệu vệ tinh cho các nhà điều tra Hà Lan. Ông khẳng định Nga sẽ sử dụng bằng chứng về nguồn gốc của tên lửa BUK đã bắn rơi máy bay MH17 để chống lại những cáo buộc của Ukraine.
Sau khi 'vạch trần' đoạn video bằng chứng của nhóm điều tra Bellingcat, BQP Nga tiếp tục tung ra đoạn băng thu âm rò rỉ được cho là từ cuộc trao đổi của các quan chức quân đội Ukraine, trong đó đoạn nhắc đến việc "chúng ta" (trong đoạn băng) có thể khiến một thảm kịch máy bay nữa xảy ra với hãng hàng không Malaysia.
Giọng nói trong đoạn băng trên được cho là của Đại tá Ruslan Grinchak, người có nhiệm vụ kiểm soát sóng vô tuyến trong không phận của Ukraine.
Thông tin về Đại tá Ruslan Grinchak thuộc lực lượng quân đội Ukraine. Ảnh: RT
Vụ bắn rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia trên vùng trời Donetsk xảy ra vào ngày 17/7/2014 đã khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay thiệt mạng.
Phía Ukraine đã cáo buộc lực lượng ly khai tại khu vực này gây ra vụ việc trên, dù phe ly khai khẳng định họ không sở hữu bất kì loại vũ khí nào có khả năng bắn hạ máy bay MH17.
Ngày 24/5 vừa qua, báo cáo của nhóm điều tra quốc tế (JIT) - gồm các nhân viên từ Australia, Malaysia, Hà Lan và Ukraine - đã đưa ra bằng chứng mới cho rằng tên lửa BUK thuộc lữ đoàn phòng không số 53 của quân đội Nga đóng ở khu vực Kursk (thuộc Nga) đã gây ra vụ tai nạn thảm khốc trên.
Trong khi đó, Moskva chỉ trích JIT rằng các chứng cứ do nước này cung cấp đã không được xem xét.
Thân máy bay MH17. Ảnh: Sputnik.