Nội bộ Iran lao đao, TT Rouhani "thiệt đủ đường" nếu ông Trump xé bỏ thỏa thuận hạt nhân

Tất Đạt |

Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ phải đương đầu với rất nhiều thử thách trong nội bộ quốc gia nếu tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran.

Vấn đề phức tạp của Tehran

Ông Trump đã đe dọa sẽ "xé bỏ" thỏa thuận hạt nhân JCPOA năm 2015 khi thỏa thuận này hết hạn vào ngày 12/5 tới, nếu Anh, Pháp và Đức không "sửa lại những sai lầm tồi tệ".

Các quan chức Iran cho hay, động thái này sẽ tạo tiền đề cho một cuộc xung đột trong nội bộ chính quyền phức tạp của Tehran.

Mặc dù quyết định sau cuối của tổng thống Trump sẽ khiến người Iran đoàn kết với nhau hơn, một quan chức cấp cao Iran đề nghị giấu tên tiết lộ: "Khi cuộc khủng hoảng kết thúc, phe đối lập sẽ tìm cách làm suy giảm quyền lực của ông Rouhani".

Ông Rouhani đứng trước nhiều bất lợi do những vấn đề xoay quanh thỏa thuận hạt nhân. Nếu thỏa thuận JCPOA sụp đổ, ông Rouhani là người phải chịu trách nhiệm vì là người ủng hộ và xúc tiến hiệp định này.

"Điều đó đồng nghĩa rằng những nhà quản lí và nhà cải cách ủng hộ chính sách cởi mở với phương Tây của ông Rouhani cũng phải gánh chịu hậu quả," chuyên gia phân tích chính trị Hamid Farahvashian nói.

Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei hiểu rằng phần lớn người Iran không thể chịu thêm cấm vận kinh tế nữa. Đầu năm nay, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra vì giá thực phẩm quá cao.

Không thể xúc tiến chính sách cởi mở với phương Tây, ông Rouhani dường như sẽ kết thúc nhiệm kì của mình vào năm 2021.

Một quan chức cấp cao giấu tên nhận xét: "Việc ông Rouhani phải rời vị trí tổng thống sẽ đánh dấu sự suy yếu của hệ thống chính phủ, làm ảnh hưởng tới hình ảnh của Iran trên thế giới. Ông Rouhani cũng sẽ bị buộc phải chịu trách chiệm và áp lực vì nền kinh tế bất ổn."

Biểu tình liên tiếp nổ ra tại Iran gây bất ổn đất nước. Nguồn: ABC News

Ông Khamenei đã ủng hộ ông Rouhani đàm phán ngoại giao với các cường quốc trên thế giới về vấn đề hạt nhân với mục đích kết thúc sự cô lập về mặt kinh tế và chính trị ở Iran.

Nhưng sự "ác cảm" của Lãnh tụ tối cao Iran với nước Mỹ vẫn là rào cản lớn nhất cho bất kì giải pháp ngoại giao nào cho tới nay. Việc ông Trump rút khỏi JCPOA sẽ khiến ông Rouhani gặp nhiều khó khăn hơn trong việc cải thiện quan hệ với phương Tây.

"Nội bộ chính trường Iran sẽ khiến mọi việc trở nên khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi, và cản trở ông Rouhani cởi mở với phương Tây cũng như đàm phán đổi lấy lợi ích kinh tế," một quan chức Iran khác nói.

Vai trò của IRGC

Các nước phương Tây tham gia kí kết thỏa thuận đã thuyết phục ông Trump không rút khỏi JCPOA bởi các nước này vẫn muốn tiếp tục giao thương với Iran.

Các doanh nghiệp nước ngoài rất e ngại khi đầu tư vào Iran do cấm vận đơn phương từ Mỹ. Washington đã cáo buộc Iran vi phạm luật nhân quyền, tài trợ khủng bố cũng như tầm ảnh hưởng quá lớn của Vệ binh Cộng hòa Iran (IRGC) trong nền kinh tế của nước này.

IRGC đã tận dụng những công ty không có mối liên hệ trực tiếp với IRGC để thu hút các nhà đầu tư vào Iran.

Nếu các cấm vận quay trở lại vì thỏa thuận hạt nhân sụp đổ, IRGC vẫn có thể tránh thiệt hại bằng nhiều hình thức.

"Xét trên mạng lưới kinh doanh, tầm ảnh hưởng chính trị và quân sự rộng lớn, IRGC sẽ tránh được cấm vận kinh tế từ Mỹ và Liên Hợp Quốc," một chuyên gia phương Tây tại Tehran cho biết.

"IRGC thuộc về Iran. Họ bảo vệ Iran vào lúc cần thiết... Họ hỗ trợ nền kinh tế khi kẻ thù muốn hạ gục chúng ta bằng cấm vận," ông chính trị gia giấu tên nói.

"Nếu các nhà đầu tư châu Âu sợ áp lực của Mỹ và rút khỏi Iran, IRGC sẽ tiếp quản."

Theo các chuyên gia, lo ngại về hoạt động quân sự của Israel nhằm vào cơ sở hạt nhân của Iran đã tiếp thêm sức mạnh cho IRGC đảm bảo an ninh trong nước và nước ngoài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại