Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng dường như Mỹ và các đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Âu đã đạt được "hiểu biết chung" về sự cần thiết phải có một số điểm bổ sung được ghi trong một bản phụ lục.
Các nước châu Âu, đặc biệt Đức và Pháp trước đây là những nước đã nhiều lần khẳng định mạnh mẽ sự cần thiết phải giữ JCPOA đã ký giữa Iran với các nước P5+1 gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức.
Tuy nhiên trong chuyến thăm Washington cuối tháng 4/2018, sau khi gặp Tổng thống Trump, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel đã thay đổi hoàn toàn thái độ. Cả bà Merkel và ông Macron đều phê phán JCPOA và nhất trí với Mỹ về sự cấn thiết phải bổ sung một số điểm để ngăn chặn các tham vọng của Iran.
Ngay sau đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo, người được biết đến theo phái diều hâu trong chính quyền Mỹ vừa mới được bổ nhiệm thay Rex Tillerson đã đến thăm Ả rập Xê út, Israel và Jordan là ba nước đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Trong chuyến công du này, Thỏa thuận hạt nhân Iran chắc chắn đã được đưa ra bàn thảo.
Ngày 29/4/2018, Thủ tướng Anh Theresa May đã điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định lại Thỏa thuận hạt nhân JCPOA cần phải được mở rộng hơn để bao gồm các lĩnh vực khác như tên lửa đạn đạo, tương lai nào cho Thỏa thuận này hết hạn vào năm 2025 và những hoạt động của Iran gây mất ổn định ở khu vực.
Vì sao châu Âu thay đổi thái độ đối với thỏa thuận hạt nhân JCPOA?
Châu Âu, đặc biệt Đức, Pháp và Anh là ba nền kinh tế lớn nhất châu Âu, là ba nước ký Thỏa thuận JCPOA đang phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức trong chính sách thương mại, cạnh tranh với Trung Quốc, quan hệ với Nga và hậu quả của cuộc chiến tranh thương mại của Mỹ.
Đức sau 6 tháng bầu cử Quốc hội, qua nhiều lần tham vấn giữa các đảng phái, gần đây khó khăn lắm mới thành lập được chính phủ, Thủ tướng Merkel vẫn đứng trước nguy cơ khủng hoảng chính trị. Pháp cũng gặp nhiều khó khăn về kinh tế và cuộc đấu tranh giữa các đảng phái, chính sách của Tổng thống Macron chưa đáp ứng được các yêu cầu của đại bộ phận dân chúng. Nước Anh của Thủ tướng Theresa May bị chia rẽ nghiêm trọng sau quyết định rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) Brexit.
Mặc dù quan hệ châu Âu với Mỹ không suôn sẻ sau khi D. Trump nhậm chức Tổng thống thực hiện chính sách "Nước Mỹ trên hết", nhưng châu Âu vẫn rất cần Mỹ cả về kinh tế, chính trị và quân sự. 85% giao dịch ngân hàng của các nước châu Âu vẫn bằng đồng đô la, chỉ có 15% giao dịch bằng đồng euro. Về quân sự, Mỹ vẫn là nước đảm bảo an ninh cho châu Âu.
Trong tình hình như vậy, Đức, Pháp và Anh buộc phải ủng hộ quan điểm của ông Trump về Thỏa thuận JCPOA.
Liệu có khả năng thỏa hiệp giữa các bên ký kết để giữ Thỏa thuận JCPOA?
Iran vẫn tỏ ra hết sức cứng rắn, quyết tâm giữ quan điểm của mình không tiến hành bất cứ cuộc đàm phán mới nào về thỏa thuận đã được ký kết. Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố: "Thỏa thuận hạt nhân hay được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) không thể thay đổi dù chỉ là một từ. Hoặc là giữ nguyên thỏa thuận, hoặc là sẽ bay theo gió". Tướng Ali Shamkhani, Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia tối cao Iran nói: "Iran sẽ khởi động lại các cơ sở hạt nhân của mình ngay sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi JCPOA".
Mặc dù tuyên bố cứng rắn như vậy, Iran vẫn gửi đi một số tín hiệu sẵn sàng quan tâm tới những mối lo ngại của Tổng thống Trump.
Ngày 23/4/2018, khi bàn về quan hệ Mỹ-Iran, chính sách khu vực Trung Đông và tương lại Thỏa thuận hạt nhân Iran tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ tại New York, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohamad Javad Zarif nói: "Iran cũng như Ả rập Xê út không thể là lực lượng thống trị khu vực, không ai có thể trở thành bá quyền tại Trung Đông". Ông Javad Zarif cũng đề nghị tổ chức một diễn đàn đối thoại giữa các nước vùng Vịnh và Iran để giải quyết các bất đồng.
Đây là sự thay đổi lớn trong các mục tiêu chiến lược của Iran. Ông Javad Zarif nói thêm rằng, nếu đề nghị của Mỹ và châu Âu tôn trọng và không xúc phạm Iran, Tehran sẽ sẵn sàng đàm phán để giảm sự có mặt của mình tại Syria, Lebanon, Iraq, Yemen và Bahrain.
Về lo ngại thứ hai của Tổng thống Trump về chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Iran, các quan chức cấp cao của Iran trong đó có Giáo chủ Ali Khamenei đã đưa ra một loạt tuyên bố đáng lưu ý. Tướng Mohammad Hossein Bagheri, Tham mưu trưởng quân đội Iran tuyên bố Iran không có kế hoạch phát triển các tên lửa đạn đạo có tầm bắn hơn 2400 km trên thực tế đã được tiến hành thử nghiệm.
Về lo ngại thứ ba của ông Trump về việc khi Thỏa thuận JCPOA hết hiệu lực vào năm 2025, và sau đó 15 năm Iran có thể trở lại làm giàu uranium và nối lại chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo cho Tổng thống Trump rằng phía châu Âu sẽ thuyết phục Tehran chấp nhận từ bỏ "vô thời hạn" bất cứ chương trình hạt nhân nào mang tính chất quân sự. Có thể đạt được thỏa thuận về điểm này thông qua các cuộc đàm phán riêng rẽ và ghi vào một bản phụ lục đính kèm theo.
Iran có thể chấp nhận sự nhượng bộ này bởi vì nếu Iran thực sự muốn từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân thì giữa"vô thời hạn" và "10 năm" về ràng buộc không khác gì nhau.
Số phận Thỏa thuận hạt nhân Iran sau 12/5/2018
Anh, Pháp đều phê phán JCPOA và nhất trí với Mỹ về sự cấn thiết phải bổ sung một số điểm để ngăn chặn các tham vọng của Iran. Ảnh: EPA
Tổng thống Trump đe dọa sẽ rút khỏi Thỏa thuận JCPOA trừ phi nó được điều chỉnh để đáp ứng các đòi hỏi của Mỹ nhằm ngăn cản khả năng Iran chế tạo vũ khí hạt nhân, chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và buộc Tehran phải thay đổi chính sách của mình đối với khu vực.
Nga, Trung Quốc và Iran nhiều lần tuyên bố không thể thay đổi hoặc bổ sung Thỏa thuận JCPOA. Đây là thỏa thuận lịch sử, là kết quả của các cố gắng đàm phán của các bên hết sức khó khăn kéo dài 12 năm. Cộng đồng quốc tế, kể cả Mỹ và châu Âu đã từng đánh giá thỏa thuận này là biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa và giám sát chương trình hạt nhân của Iran.
Đây cũng là một cơ chế cân bằng đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan. Nếu sự cân bằng lợi ích này bị phá vỡ sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh quốc tế và Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Trước khi ký Thỏa thuận hạt nhân, các bên đều biết rõ Iran có chương trình tên lửa đạn đạo và chính sách của Iran ở khu vực Trung Đông. Lúc đó Mỹ, Pháp, Đức và Anh không hề đề cập tới các vấn đề này. Đây là những đề nghị mới và Iran cũng tỏ sẵn sàng đàm phán với các nước để đạt được thỏa thuận riêng rẽ nằm ngoài JCPOA.
Trong khi Israel có 200 vũ khí hạt nhân và nước này không tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Mỹ bán hàng trăm tỷ đô là vũ khí cho Ả rập Xê út và các nước vùng Vịnh và luôn đe dọa tấn công Iran thì bất cứ cuộc đàm phán nào không đảm bảo được an ninh cho Iran cũng sẽ khó thành công.
Tổng thống Hassan Rouhani của Iran là người có tư duy cởi mở, muốn đưa Iran hội nhập vào cộng đồng quốc tế và bình thường hoá qua hệ với phương Tây, kể cả Mỹ. Việc chính quyền của Tổng thống Trump rút khỏi Thỏa thuận JCPOA sẽ dội một gáo nước lạnh vào đường lối của phái cải cách và làm tăng thêm sự chống đối của phe cứng rắn bảo thủ tại Iran. Các lực lượng này sẽ có lý do để chống lại đường lối ôn hoà của Tổng thống Hassan Rouhani và sẵn sàng xé bỏ Thỏa thuận JCPOA.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Washington sẽ rút khỏi Thỏa thuận JCPOA. Đây là một trong những cam kết của ông Trump đưa ra trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống năm 2016. Ông Trump đã thực hiện các cam kết của mình rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương (TPP), rút khỏi Thoả thuận biến đổi khí hậu Paris và đang xem xét rút khỏi Tổ chức thương mại thế giới WTO.
Ngay sau khi đạt được "sự hiểu biết chung" giữa Mỹ, Pháp và Đức về cần thiết phải xem xét lại thỏa thuận JCPOA sau chuyến thăm Washington của Tổng thống Macron và Thủ tướng Merkel, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã thăm Ả rập Xê út, Israel và Jordan.
Một trong những chủ đề chính được bàn tới là các biện pháp đối phó với Iran. Đáng lưu ý, ngày 30/4/2018 ngay sau chuyến thăm của Pompeo, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã công bố hơn 5 ngàn tài liệu do Cơ quan tình báo Israel thu thập được về các hoạt động hạt nhân bí mật của Iran, đồng thời Quốc hội Israel Knesset thông qua luật cho phép Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman toàn quyền tuyên bố chiến tranh trong các trường hợp đặc biệt. Tình hình hiện nay cho thấy cuộc chiến chống Iran đang được ráo riết chuẩn bị.
Cuộc chiến tranh giữa Israel và Iran trên thực tế đã và đang diễn ra khi Israel tấn công các vị trí đóng quân Iran tại Syria, mới đây nhất là cuộc không kích sân bay T4 ngày 8/4/2018 làm 7 binh sỹ Iran thiệt mạng và các kho chứa vực khí của Iran tại Hama và Aleppo ngày 29/4/2018.
Vấn đề Iran tuỳ thuộc rất nhiều vào quyết định của Tổng thống Trump vào ngày 12/5 tới. Có nhiều kịch bản khác nhau, nhưng kịch bản xấu nhất là Thỏa thuận JCPOA bị xé bỏ hoàn toàn sẽ dẫn đến cuộc đối đầu trực diện với Tehran hoặc là cuộc chiến uỷ nhiệm tại Syria.
Trong khi quân chính phủ Syria đang giành được thắng lợi trên chiến trường và vấn đề Syria đang đi vào hồi kết, mục đích chính của Mỹ, phương Tây và Israel chống Iran hiện nay không phải là ngăn chặn Iran sản xuất vũ khí hạt nhân mà là tìm cách loại Iran ra khỏi đấu trường Syria và làm suy yếu diễn đàn Astana về giải pháp Syria.
* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.