Bầu Đức: "Có người nói tôi điên. Mà đúng là điên thật"

Nam Hoành |

Bầu Đức đang gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ chậm lương mà còn phải cầm cố cả cơ sở vật chất của Học viện HAGL Arsenal JMG. Nhưng có một điều ông sống chết cũng sẽ không bỏ.

Bởi bóng đá giống như một “người tình si”

Vào một buổi sáng tháng Hai ở Sài Gòn, bên ly cà phê tí tách, Trưởng đoàn bóng đá của Hoàng Anh Gia Lai – ông Nguyễn Tấn Anh, người được xem là “cánh tay phải” bầu Đức chia sẻ với chúng tôi rằng:

“Anh Đức là một người có tình yêu bóng đá đặc biệt. Nhiều người tưởng rằng, thời gian gần đây, anh ấy không còn quan tâm bóng đá vì khó khăn trăm bề ở tập đoàn. Nhưng thực tế, không phải như thế.

Anh ấy vẫn lẳng lặng theo sau. Có những chuyến đi công tác nước ngoài, ngồi họp với đối tác mà thi thoảng anh ấy lại xin ra ngoài gọi điện về hỏi tôi xem, kết quả thế nào, tụi nhỏ có bị sứt đầu, mẻ trán, chấn thương gì không?

Anh Đức là vậy, có khi quát nạt nặng nề nhưng lại đi sát tỉ mỉ từng thứ.

Chẳng hạn khi Công Phượng chấn thương nặng lúc tham dự VCK U23 châu Á 2016, anh ấy gọi điện chỉ đạo, phải cử người sang đến nơi xem xét cụ thể. Nếu không ổn sẽ cho Phượng đến châu Âu chữa trị một cách tốt nhất, bởi cậu ấy cũng là “tài sản” của HAGL”.


Bầu Đức có đóng góp vô cùng lớn đối với thành công của Công Phượng.

Bầu Đức có đóng góp vô cùng lớn đối với thành công của Công Phượng.

Đúng thế, đã có những câu chuyện không hay về ông bầu đội bóng, đó là những phát ngôn gây “sốc”, những phản ứng thái quả và những tuyên bố, để người ta gắn cho ông biệt danh Đức “nổ”.

Nhưng, điều ấy không thể phủ nhận được những gì mà ông Đức đã vì cái chung của bóng đá Việt Nam.

Nó bắt đầu từ việc đốn hạ cả rừng cao su bạt ngàn và đầu tư hàng trăm tỷ đồng để thành lập học viện bóng đá HAGL-JMG năm 2006.

Cái sự gàn giở và chẳng giống ai ấy đổi lại là bây giờ bóng đá Việt Nam đang có một lứa cầu thủ tài năng: Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy, Văn Thanh, Thanh Hậu…

Có lần ngồi hàn huyên với chúng tôi ở Học viện, ông Đức cười khà khà rồi nói:

“Có người nói tôi điên. Mà đúng là điên thật. Chẳng ai chặt bỏ cả rừng cao su, bỏ cả trăm tỷ để đầu tư bóng đá như vậy.

Tui nói thật, số tiền này đủ để mang về mấy chức vô địch cho HAGL. Đơn giản, nhẹ tênh. Nhưng làm vậy để làm gì, sướng hả?

Sướng đã sướng rồi. Nếu ai cũng như vậy thì thử hỏi bóng đá Việt Nam thành cái gì và đi về đâu?, chẳng ai biết cả”.

Vâng, nhiều người đã không tin bầu Đức vì như người ta nói rằng, cái gì cũng có giá và có mục đích, chứ chẳng ai cho không ai cái gì bao giờ cả.

Cũng có thể đúng, bởi với ông Đức, bóng đá phải “đẻ ra tiền” và tạo dựng ra thương hiệu để quảng bá cho tập đoàn.

Nhưng có một điều quan trọng hơn ông nói, đó là tạo công ăn việc làm cho những người lao động và cầu thủ bóng đá chính là những lao động có trình độ cao.

Thế chấp cơ sở vật chất của Học viện HAGL Arsenal JMG lấy 603 tỷ đồng

Để có nguồn vốn vay ngắn hạn từ ngân hàng, HAGL sử dụng nhiều tài sản cố định và giấy tờ có giá để làm tài sản thế chấp.

Đáng chú ý, cả công trình khu liên hợp Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai hiện là 1 phần tài sản thế chấp cho món vay trị giá hơn 603 tỷ đồng của công ty.

Một ông bầu có tâm

Khi bầu Đức đăng đàn tại VFF, người ta đã nói ông mang chủ nghĩa tư tưởng cá nhân áp đặt, cái “tôi” quá lớn… Tư tưởng đố kỵ với ông Đức đã xuất hiện và chính ông lên án, đả kích mạnh mẽ với phát biểu:

“Thực ra tôi làm bóng đá đâu chỉ cho HAGL mà là còn vì sự phát triển bóng đá Việt Nam, muốn bóng đá Việt Nam phát triển, gặt hái nhiều thành tích cao. Nhưng lâu nay tôi thật sự chán nản làm bóng đá vì ghen ghét, thói độ kỵ của nhiều người”.

Hay một câu chuyện khác, bầu Đức quyết định hỗ trợ Quế Ngọc Hải (SLNA) số tiền 400 triệu đồng để giải quyết vụ đền bù hơn 800 triệu đồng, sau cú vào bóng khiến tiền vệ Anh Khoa (SHB Đà Năng) bị gãy đôi ống quyển.

Sự thật, đã không có ít lời thêu dệt về sự “mã thượng” của ông Đức rằng, làm như vậy để lấy lòng SLNA, muốn đưa tuyển thủ quốc gia này về phố Núi, muốn pr cho hình ảnh của mình ở VFF…


Bầu Đức luôn rất tâm huyết với bóng đá.

Bầu Đức luôn rất tâm huyết với bóng đá.

Hôm rồi, đem chuyện này nói lại với bầu Đức tại Lễ ký kết cho U14 Học viện HAGL-JMG tham gia giải U14 hữu nghị thế giới, ông chỉ nhoẻn miệng cười, rồi bảo:

“Lạ kỳ thật, người Việt Nam mình không giúp người ta nói là ông này thế này thế nọ. Giúp rồi lại bảo có ý đồ gì đó, thậm chí chửi bới…

Tui chẳng quan tâm lắm bởi đơn giản, tôi hỗ trợ cho Hải vì cậu ấy có tài, không thể để thui chột vì gánh nặng đồng tiền được. Thôi đừng bàn lui bàn tới chi cho cho mệt, nhức đầu…”.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã và đang gặp vô số khó khăn về tài chính. Điều ấy đã ảnh hưởng không ít tới bóng đá, một công ty con của tập đoàn.

Các cầu thủ HAGL lần đầu đã từng bị nợ lương sau hơn 15 làm bóng đá của bầu Đức và giờ cả công trình học viện HAGL-JMG cũng được mang đi để thế chấp vay tiền.

Tuy nhiên, bầu Đức sẽ không bao giờ bỏ bóng đá bởi với ông bóng đá giống như người tình và chính bóng đá là công cụ để thương hiệu HAGL vươn ra thế giới.

Bóng đá phải có tri thức và đạo đức

Ở Học viện HAGL-JMG và Năng khiếu HAGL, nếu những cầu thủ nào không có khả năng theo bóng đá, bầu Đức sẽ tạo điều kiện để đi học đại học, hoặc ở lại làm công tác chuyên môn tại CLB.

Tất cả các cầu thủ của HAGL đều bắt buộc phải tốt nghiệp đại học vì theo bầu Đức, bóng đá cũng cần phải có tri thức và đạo đức chứ không chỉ biết chạy theo quả bóng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại