Một minh chứng rõ nét cho xu hướng ưa chuộng các chuỗi bán lẻ tại thị trường Việt Nam xuất phát từ động lực thay đổi giữa thế hệ trẻ. Hanna Nguyễn, một giáo viên yoga tại TP. HCM đã sử dụng tầng trệt của nhà để mở lớp học yoga tại nhà. Trong khi đó, cả gia đình cô sống ở tầng trên. Trên thực tế, đây là mô hình kinh doanh phổ biến tại Việt Nam nhiều thập kỷ qua.
Song đến nay, thị trường Việt Nam đã xuất hiện "luồng gió mới": các chuỗi bán lẻ. Lớp học yoga tại nhà của Hanna Nguyễn giờ đây phải cạnh tranh với hàng loạt chuỗi thương hiệu lớn, điển hình như Fitness, California Fitness & Yoga và nhiều thương hiệu khác - những cái tên mà một thập kỷ trước, dường như chưa ai nghe đến.
"Tôi thích lớp học với không gian ấm cúng và truyền thống", Hanna Nguyễn chia sẻ. Tuy nhiên, với thế hệ sau như con trai cô, thị hiếu đang dần thay đổi, khi xu hướng ưa chuộng và đón nhận thương hiệu lớn ngày càng nhiều.
Những năm gần đây, các cửa hàng nhượng quyền trong nước và quốc tế đã "bén rễ" tại Việt Nam trên hầu khắp các lĩnh vực, từ cửa hàng tạp hóa, nha khoa, tiệm rửa xe, thậm chí cả quầy hàng ẩm thực đường phố.
Lấy một ví dụ đơn giản: Sự bùng nổ của các siêu thị nhỏ thay thế các cửa hàng tạp hóa là một trong những dấu hiệu dễ thấy nhất về sự thay đổi mô hình tiêu dùng của Việt Nam. Theo nhà nghiên cứu thị trường Nielsen, số người xác nhận họ đã ghé những siêu thị tiện ích mini như 7-Eleven hoặc Circle K đã tăng vọt lên 57% vào năm 2020, tăng từ mức chỉ 6% vào năm 2016. Ngược lại, tỷ lệ người mua sắm tại các cửa hàng tạp hóa truyền thông đã giảm 2,5% từ năm 2018 đến năm 2019.
Hay như báo cáo của Facebook năm 2020 về 6 nền kinh tế lớn của Đông Nam Á chỉ rõ, Việt Nam là quốc gia có mức độ ưa chuộng thương hiệu cao nhất, với 54% người dân có xu hướng mua hàng tại các thương hiệu lâu đời hơn. Con số này vượt hơn hẳn mức 45% ở Malaysia và 43% ở Thái Lan.
Lý giải về điều này, Hanna Nguyễn cho hay một phần từ lối sống của thế hệ trẻ. Họ uống cà phê tại Starbucks, đi chơi tại các trung tâm thương mại Vincom và mua sắm tại các cửa hàng, siêu thị mini tiện ích có điều hòa mát lạnh.
Khách hàng trẻ cũng ưa chuộng các thương hiệu vì độ phổ biến ngày càng rộng rãi và tính nhất quán trên khắp các thị trường, từ những nhãn hàng thời trang như Zara của Tây Ban Nha đến các nhà hàng Crystal Jade của Singapore.
Điều này khác biệt hoàn toàn với mô hình kinh doanh truyền thống của Việt Nam. Đến nay, nhiều chuỗi thương hiệu do doanh nghiệp quản lý đang dần thay thế các cửa hàng gia đình truyền thống, một sự chuyển đổi đã diễn ra trong nhiều thập kỷ.
Xu hướng này hay còn được gọi là "quá trình chuỗi hoá" của Việt Nam.
"Thị trường Việt Nam là miền đất hứa cho các chuỗi bán lẻ", Giám đốc cấp cao của Nielsen Lê Hoàng Long chia sẻ với Nikkei Asia. Xu hướng này đặc biệt đáng chú ý vì nó phổ biến trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ thời trang cho đến chăm sóc sức khỏe.
"Không có thị trường nào khác trong khu vực Đông Nam Á có động lực như vậy", đại diện Nielsen nhận định.
Mỗi quốc gia thường chứng kiến sự gia tăng của nhượng quyền thương mại ở thời điểm và tốc độ khác nhau. Theo dữ liệu do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố hồi tháng 4, Việt Nam hiện là quốc gia có mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người cao nhất trong số 6 nền kinh tế của Đông Nam Á kể từ năm 2017.
Tôn Vi, founder của Beyond Creative Agency cho biết, thu nhập tăng lên là động lực thúc đẩy người Việt Nam tìm đến các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao hơn, đồng nhất hơn. "Mặc dù giá sẽ cao hơn một chút, nhưng mọi người vẫn sẵn sàng chi tiêu", cô kết luận.