Như cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster trả lời truyền thông vào sáng thứ Sáu (7/4): "Cuộc không kích sẽ khiến phía [Tổng thống Syria Bashar] Assad phải thay đổi những tính toán của họ, bởi đây là lần đầu tiên Mỹ trực tiếp can thiệp quân sự chống lại chính phủ Assad."
Nếu các vụ tấn công hóa học nhắm vào dân thường Syria chấm dứt, nhiều khả năng căng thẳng giữa các bên sẽ được xoa dịu phần nào. Tuy nhiên chính quyền Trump vẫn cần một sách lược sâu xa hơn để kìm hãm cuộc khủng hoảng và kết thúc thực trạng hỗn loạn trong khu vực - sách lược này cần vượt ra khỏi những cam kết tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS) đơn thuần.
Newsweek nhận định, có một số lý do để tin rằng căng thẳng Mỹ - Nga sẽ hạ nhiệt trong những ngày tới. Moscow lên án gay gắt vụ không kích do Mỹ thực hiện vào thứ Sáu (7/4), nhưng giới phân tích chỉ ra rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không đích thân xuất hiện trước truyền thông để chỉ trích Mỹ, thay vào đó là thư ký báo chí Dmitry Peskov.
Nếu đích thân nhà lãnh đạo Nga lên tiếng thì cục diện vấn đề sẽ trở nên hoàn toàn khác - chính vì vậy, có khả năng chính Moscow cũng không muốn "đổ thêm dầu vào lửa".
Mặc dù Nga đã tuyên bố rút khỏi kênh liên lạc chung với Mỹ, Newsweek cho rằng kênh liên lạc này phần lớn mang tính biểu tượng - vốn là thành tựu ghi nhận nỗ lực đàm phán thỏa thuận hòa bình chi tiết với người Nga của cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Ngoài ra, vẫn còn nhiều phương pháp để quan chức Nga - Mỹ có thể hội đàm và phối hợp như trong các hoạt động chung khác tại châu Âu và Đông Á.
Nếu có quân lính người Nga tử vong sau khi Mỹ không kích vào căn cứ không quân Shayrat, có lẽ thế giới sẽ phải chứng kiến căng thẳng giữa hai nước tồi tệ hơn rất nhiều.
Nhưng chuyện đó đã không xảy ra, với một thông tin đáng chú ý là Mỹ báo trước cho lực lượng của Nga về vụ phóng tên lửa để "tránh gây thương vong cho các nhân viên an ninh người Nga". Và cho đến thời điểm hiện tại cả Mỹ và Nga đều chưa đưa ra những động thái như triệu đại sứ của nhau, hay chạy đua quân sự trong khu vực.
Trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ căng thẳng, chuyến thăm Moscow của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đóng vai trò quan trọng. (Ảnh: Getty)
Hơn nữa, mặc dù trước đây Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ thiện chí cải thiện quan hệ với ông Putin, lực lượng quân đội Mỹ vẫn duy trì các hoạt động quân sự và giữ nguyên cách tiếp cận với Nga.
Không quân Mỹ vẫn thực hiện tập trận và hướng các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa về phía các mục tiêu Nga. Mỹ làm việc chặt chẽ với các đồng minh NATO và các lệnh trừng phạt đối với Nga vẫn còn đó.
Newsweek cho rằng, vụ tấn công bằng vũ khí hóa học khiến 200 dân thường thương vong ở thị trấn Khan Sheikhun, Syria hôm 4/4 không phải là nguyên nhân chính khiến quan hệ Nga - Mỹ đột ngột lao dốc. Quan điểm của Trump về Moscow thực ra đã thay đổi từ trước đó - vào tháng Hai, khi loạt động thái "quấy rầy" các tàu chiến Mỹ đang tuần tra khiến ông không vừa lòng.
Vào tháng 2/2017, khi một phóng viên hỏi ý kiến Trump về việc một máy bay SU-24 của Nga lướt qua tàu chiến USS Porter tại Biển Đen và vụ một tàu do thám Nga "lượn lờ" phía ngoài căn cứ tàu ngầm Mỹ, ông chủ Nhà Trắng đáp lại một cách bực bội "Không ổn!"
Trong hai ngày 11-12/4, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ bắt đầu chuyến thăm Nga, bất chấp các chỉ trích của ông nhằm vào Moscow sau vụ tấn công, đánh dấu cuộc trao đổi chính thức đầu tiên giữa Nga và Mỹ sau khi cuộc không kích căn cứ không quân Syria đẩy quan hệ song phương vào căng thẳng.
Theo Newsweek, vai trò của ông Tillerson càng trở nên quan trọng hơn do chuyến thăm Moscow lần này có thể là tiền đề cho hội nghị thượng đỉnh Trump - Putin vào cuối năm nay.