Tàu chiến Ne Tron Menya. Ảnh chụp màn hình: Russia Beyond
Những tên gọi như "Grozny" (Khủng khiếp), "Khrabry" (Dũng cảm), "Gromoboy" (Thần sấm) được hải quân Liên Xô và sau này là hải quân Nga đặt cho tàu chiến để khơi dậy niềm tự hào cho các thủy thủ của những con tàu này, đồng thời khiến kẻ thù kinh sợ. Tuy nhiên những tên gọi khác lại làm người nghe bật cười hoặc gợi lên sự bối rối.
Tàu chiến Tri Ryumki (Ba ly uống rượu)
Pyotr Đại đế thường có xu hướng lựa chọn những tên hài hước để đặt cho các con tàu trong lực lượng hải quân. Chẳng hạn, ông đã đặt tên cho một trong số những chiếc tàu barca-longas (tàu quân sự lớn có mái chèo và cánh buồm) là ‘Tri Ryumki’ – có lẽ để vinh danh những bữa tiệc lớn mà ông đã tổ chức.
Tri Ryumki được đóng vào năm 1700, có 36 khẩu pháo. Ở thời điểm đó, quân đội của Pyotr Đại đế đã thực hiện rất nhiều khâu chuẩn bị để đưa con tàu ra Biển Azov, nhưng vì một số lý do, điều này không bao giờ xảy ra. Sau đó, con tàu bị bỏ rơi suốt một thời gian dài trên sông Don và được tháo dỡ vào năm 1710.
Tàu Pivonosets – (Thùng đựng bia) và tàu Vinonosets (Thùng đựng rượu)
Dù mang những cái tên đầy tính biểu cảm, nhưng Pivonosets và Vinonosets không liên quan đến việc vận chuyển đồ uống có cồn. Trong Chiến tranh phương Bắc năm 1700-1721 giữa Nga và Thụy Điển, ban đầu chúng được sử dụng làm tàu vận tải, nhưng sau đó đến năm 1705, được chuyển đổi thành tàu pháo để bắn phá các pháo đài ven biển và công sự của đối phương.
Tuy vậy, Pyotr Đại đế không tự mình nghĩ ra những cái tên hài hước này mà ông mượn chúng từ người Hà Lan – vốn được coi là bậc thầy trong lĩnh vực hàng hải thời điểm đó.
Tàu “Ne Tron Menya” (Đừng chạm vào tôi)
Đây là tên gọi khác thường của một loạt seri tàu chiến cùng loại. Ne Tron Menya là một dạng tàu chiến hải quân được chế tạo trong “Thời đại Cánh buồm” (từ năm 1725 đến 1832). Tuy vậy, tên gọi này không liên quan gì đến việc cảnh báo kẻ thù không đến gần. Tên gọi Ne Tron Menya được đặt theo một đoạn kinh Thánh nói về sự xuất hiện lần đầu tiên của chúa Jesu sau khi Phục sinh. Trong đó, chúa Jesu nói rằng: “Đừng chạm vào ta, vì ta đã không lên cùng Cha…”.
Tàu chiến Ne Tron Menya được ra mắt vào năm 1864 và phục vụ trong Hạm đội Baltic trong hơn 40 năm. Đến năm 1908, nó được chuyển đổi thành sà lan chở hàng. Con tàu đã kết thúc sứ mệnh trong Thế chiến thứ 2 khi nó bị chìm trên sông Neva trong trận Leningrad.
Tên gọi Ne Tron Menya cũng được đặt cho một hệ thống phòng không nổi của Hạm đội Biển Đen của Liên Xô được dùng để vệ thành phố Sevastopol trong những năm 1941-1942. Nhưng trong trường hợp này, nó không được lựa chọn theo chủ đề trong Kinh Thánh mà là để thể hiện sự tôn trọng đối với những con tàu từng mang tên gọi như vậy của Đế chế Nga.
Tàu Krikun (Kẻ la hét)
Đây là tàu hơi nước có mái chèo, được đóng tại thành phố Newcastle của Anh vào năm 1857. Con tàu này được đổi tên thành Krikun khi đến Nga. Nó phục vụ trong Hạm đội Biển Đen không chỉ với vai trò như một tàu kéo mà còn là 1 tàu chiến. Trong chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ (1877-1878), con tàu này được lắp thêm 2 khẩu pháo để phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu.
Mũi Ak-Burun trên Bán đảo Crimea là nơi ghi nhận chiến công nhưng cũng là nơi chứng kiến kết cục bi thảm của con tàu này. Tại đây vào năm 1861, tàu Krikun đã lập công trạng lớn khi cứu thành công các thủy thủ của tàu Khersones bị đắm. Nhưng đến tháng 4/1878, con tàu này đã bị đâm vào đá và chìm xuống đáy biển sâu.
Tàu Shutka (Trò đùa)
Con tàu hơi nước này được đóng vào năm 1871, ban đầu dự định sử dụng cho các chuyến du ngoạn trên sông của Thái tử đồng thời là Sa hoàng tương lai Alexander III. Nhưng sau đó nó đã được chuyển thành tàu chiến phục vụ cho chiến tranh.
Trước thời điểm Chiến tranh Nga-Thổ diễn ra, Sa hoàng Alexander đã biên chế con tàu này cho hạm đội hải quân và khi xung đột nổ ra, Shutka hoạt động như một chiếc tàu rải mìn. Vào ngày 8/6/1877, con tàu đã đặt mìn ở khu vực đảo Mechka trên sông Danube, trong một chiến dịch quan trọng để giúp quân đội thực hiện kế hoạch vượt sông. Khi tàu hơi nước Erekli của Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện gần hòn đảo này, tàu Shutka ngay lập tức tiến về hướng của nó và tấn công kẻ thù bằng ngư lôi. Mặc dù quả ngư lôi này không phát nổ, nhưng nó đã khiến tàu Thổ Nhĩ Kỳ lo sợ và rút lui./.