Hạm đội 7 Hải quân Mỹ có 1 năm không mấy tốt đẹp khi có đến 5 khu trục hạm tên lửa gặp tai nạn trên biển, trong đó có 3 vụ tai nạn nghiêm trọng khiến Hải quân Mỹ buộc phải dừng hoạt động những khu trục hạm gặp nạn này.
Những sự cố nói trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Hải quân Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và khiến năm 2017 trở thành "năm hạn" của họ.
USS Antietam (CG-54) mắc cạn
Mở màn cho chuỗi tai nạn của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ trong năm 2017 là sự kiện tuần dương hạm tên lửa dẫn đường USS Antietam (CG-54) mắc cạn tại vịnh Tokyo, gần căn cứ thường trú Yokosuka. Gió to và thủy triều mạnh khiến mỏ neo không giữ nổi tuần dương hạm này.
Khu trục hạm USS Antietam (CG-54). (Ảnh: Mkratko)
Thủy thủ đoàn của USS Antietam cố gắng di chuyển tuần dương hạm này, song bất ngờ cả hai chân vịt của USS Antietam mất kiểm soát sau 1 cú chấn động. Tuần dương hạm USS Antietam bị mắc cạn, cả 2 chân vịt và thậm chí 1 trong 2 trục chính của chân vịt bị hư hỏng. Cú va chạm cũng khiến 4.200 lít dầu thủy lực tràn ra biển.
Dù không có ai bị thương trong sự kiện này, song cú va chạm gây ra thiệt hại không nhỏ cho tuần dương hạm USS Antietam, đồng thời làm ô nhiễm vùng biển xung quanh. Việc sửa chữa thiệt hại sau cú va chạm này được ước tính sẽ tiêu tốn ít nhất 4,2 triệu USD.
USS Lake Champlain (CG-57) va chạm với tàu cá Hàn Quốc
Ngày 9/5/2017, tàu cá Hàn Quốc có chiều dài khoảng 18 đến 21 m đâm vào mạn trái của tuần dương hạm tên lửa USS Lake Champlain (CG-57) khi tuần dương hạm này đang trên đường làm nhiệm vụ tại vùng biển quốc tế, may mắn không có bất cứ ai bị thương trong vụ tai nạn kể trên.
Nguyên nhân của vụ tai nạn được xác định là do tàu cá Hàn Quốc không có radio nên dù thủy thủ đoàn của tuần dương hạm USS Lake Champlain phát cảnh báo khẩn cấp, tàu cá nói trên vẫn không thay đổi hải trình.
Cả tàu cá của Hàn Quốc lẫn tuần dương hạm USS Lake Champlain chỉ bị hư hại rất nhẹ, sau cú va chạm 2 con tàu nói trên tiếp tục hải trình của mình.
USS Fitzgerald (DDG-62) va chạm với MV ACX Crystal
Sáng 17/6/2017, khu trục hạm tên lửa USS Fitzgerald (DDG-62) va chạm với tàu chở container mang cờ Philipines MV ACX Crystal ở vị trí cách Tokyo khoảng 80 hải lý (khoảng 150 km) về phía đông nam.
Vụ va chạm khiến 7 thủy thủ trên khu trục hạm USS Fitzgerald thiệt mạng và 3 người khác bị thương.
Khu trục hạm USS Fitzgerald chịu thiệt hại nặng sau vụ va chạm, cấu trúc của khu trục hạm này bị hư hại và có thể làm cho radar AN/SPY-1 hoạt động thiếu chính xác.
Mạn phải của con tàu thiệt hại nặng, nước tràn vào khoang làm hư hỏng nhiều trang thiết bị gây ra thiệt hại hàng triệu USD. Trong khi đó, tàu MV ACX Crystal chỉ bị hư hỏng rất nhẹ.
Ban đầu, nguyên nhân của vụ tai nạn này được xác định là do khu trục hạm USS Fitzgerald không nhường đường theo quy tắc bên phải, trong quá trình điều tra, người ta phát hiện còn một số yếu tố khác dẫn đến vụ tai nạn kể trên.
Song theo kết luận sơ bộ, nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn này là do lỗi vận hành thủy thủ đoàn của USS Fitzgerald.
Ngày 17/8/2017, Hải quân Mỹ miễn nhiệm hàng loạt các sĩ quan cao cấp liên quan đến vụ tai nạn, ngoài ra hàng chục thủy thủ khác bị kỷ luật.
Đô đốc William Moran, Phó chỉ huy trưởng Hoạt động Hải quân kết luận thủy thủ đoàn của USS Fitzgerald mắc một loạt sai lầm nghiêm trọng, đặc biệt là những người làm nhiệm vụ quan sát trên boong, dẫn đến vụ va chạm trong tình huống nhìn thấy tàu container.
Chuỗi ngày đen đủi chưa dừng lại với USS Fitzgerald, ngày 28/11/2017 khu trục hạm này bị va đến 2 lần khi người ta chuyển nó lên tàu MV Transshelf. USS Fitzgerald buộc phải quay trở lại cảng Yokosuka để vá lại các lỗ thủng mới do tai nạn này.
USS John S. McCain (DDG-56) va chạm với Alnic MC
Vào 5h24 sáng 21/8/2017 xảy ra vụ va chạm giữa khu trục hạm tên lửa USS John S. McCain và tàu chở dầu – hóa chất mang cờ Liberia Alnic MC ở khu vực ngoài khơi gần Singapore và Malaysia.
Vụ va chạm này khiến 10 thủy thủ trên USS John S. McCain thiệt mạng và 5 người khác bị thương.
Sau cú va chạm, khu trục hạm USS John S. McCain bị thủng một lỗ lớn ở phía mạn trái và nước tràn vào nhiều khoang bên trong khu trục hạm này, bao gồm nơi ở của thủy thủ đoàn, phòng máy và phòng thông tin liên lạc. Một phần rào chắn trên boong tàu cũng bị gẫy do cú va chạm.
Vụ tai nạn này khiến cho Phó đô đốc Joseph Aucoin bị cách chức khi chỉ còn vài tuần nữa là ông này nghỉ hưu. Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn là do lỗi của thủy thủ đoàn, Phó chỉ huy chiến dịch hàng hải, Đô đốc Bill Moran nhận định rằng: "Rõ ràng ở một số điểm nào đó, đội trực trên đài chỉ huy không nhận thức được tình huống".
USS Benfold (DDG-65) va chạm với tàu kéo Nhật Bản
Vụ tai nạn xảy ra ngày 19/11/2017 giữa khu trục hạm tên lửa USS Benfold (DDG-65) và tàu kéo thương mại của Nhật Bản ở Vịnh Sagami có lẽ là vụ tai nạn đánh dấu 1 năm đen đủi của loạt khu trục hạm tên lửa trong Hạm đội 7 Hải quân Mỹ.
Đen đủi ở chỗ tàu kéo của Nhật Bản bị hỏng động cơ, trôi tự do và va vào khu trục hạm USS Benfold. Song vẫn còn một chút may mắn khi khu trục hạm USS Benfold chỉ bị hư hại nhẹ và không có bất cứ ai trên 2 con tàu này bị thương sau vụ tai nạn.
Khu trục hạm USS Benfold tiếp tục hải trình của mình, còn tàu kéo của Nhật Bản được kéo về Yokosuka để sửa chữa.