Tuy nhiên, khi tham gia cuộc đấu tranh, những người Nga cũng có mục tiêu riêng.
Sau chiến thắng của Bolshevik trong cuộc Nội chiến (từ ngày 7/11/1917 đến tháng 10/1922), hàng trăm ngàn người Nga - thuộc các nhóm bảo hoàng, những người theo cánh hữu, các nhóm cánh tả như Menshevik, những người theo chủ nghĩa tự do, những người theo chủ nghĩa dân tộc,... gọi chung là Bạch vệ - đã rời khỏi đất nước và tiếp tục tìm cách lật đổ chế độ của Liên Xô.
Trong các cuộc Liên Xô chiến đấu để bảo vệ chế độ, nếu như nhiều người di cư Nga ở châu Âu đã đứng về phía quân đội Hitler, thì những người Nga tại Viễn Đông lại lựa chọn theo phe Đế quốc Nhật Bản.
Sau cuộc Cách mạng Tháng Mười ngày 7-8/11/1917, nước Nga Xô-viết phải đối mặt với cuộc nội chiến giữa một bên là Hồng quân (ủng hộ chủ nghĩa xã hội kiểu Bolshevik) và một bên là quân Bạch vệ (chống lại những người Bolshevik và Hồng quân). Nhiều quốc gia đã cho quân tham chiến cùng Bạch vệ chống lại Hồng quân nhằm lật đổ nước Nga Xô-viết, trong đó có Nhật Bản.
Nga - Nhật hợp tác
Người Nhật bắt đầu củng cố mối quan hệ với quân Bạch vệ lưu vong ở vùng Mãn Châu – phía Đông Bắc Trung Quốc vào những năm 1920.
Vào năm 1931, khi Đạo quân Quan Đông chiếm đóng khu vực, một bộ phận đáng kể người Nga đã hỗ trợ quân Nhật chống lại quân đội Trung Quốc.
Ảnh: RBTH
Chính phủ Mãn Châu Quốc của vị hoàng đế Trung Quốc cuối cùng, Phổ Nghi, được thành lập trên lãnh thổ của Mãn Châu và Nội Mông được coi là chính phủ bù nhìn, do quyền lãnh đạo thực sự rơi vào tay các cố vấn Nhật Bản và chỉ huy quân Quan Đông.
Với những mục tiêu chung nhằm chống lại Liên Xô, người Nhật và người Nga tại đây nhận ra rằng họ phải hợp tác.
Quân Nhật tiến tới Cẩm Châu (Trung Quốc). Ảnh: RBTH
Tên gọi "Samurai Nga"
Những người Bạch vệ Nga được chính quyền Mãn Châu Quốc công nhận là một trong năm dân tộc bản địa, được hưởng quyền lợi như người Nhật, Hoa, Mông Cổ và Triều Tiên sống tại đây.
Quân Nhật chủ động cho quân Bạch vệ tham gia hợp tác với cơ quan tình báo của Nhật ở Mãn Châu. Ngoài ra, nhiều đội quân của Nga đã được thiết lập để bảo vệ các cơ sở vận tải quan trọng trước cuộc tấn công của các toán quân cướp tại địa phương. Sau đó, họ cũng tham gia chiến đấu chống lại các phái đoàn Trung Quốc và Triều Tiên.
Tướng Nhật Genzo Yanagita gọi quân Bạch vệ lưu vong là "Samurai Nga". Đây là những người đã hợp tác với quân đội Nhật Bản và được đào tạo cả về chiến thuật quân sự lẫn tư tưởng. Nhìn chung, họ khá trung lập đối với việc tạo ra Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á dưới sự chỉ đạo của Nhật, mặc dù ít hào hứng với kế hoạch chiếm tất cả vùng đất Nga đến tận dãy Urals.
Một "Samurai Nga" được Nhật đào tạo nhớ lại: "Chúng tôi lọc những gì người ta dạy chúng tôi, chúng tôi bỏ đi những thứ không cần thiết như tinh thần Nhật Bản nếu nó không giống với tinh thần người Nga của chúng tôi."
Biệt đội Asano
Asano là biệt đội nổi bật nhất trong số các đơn vị quân đội Nga do người Nhật tạo ra. Biệt đội được đặt theo tên người chỉ huy, Thiếu tá Asano Makoto. Quân số của biệt đội dao động từ 400-3.500 người.
Biệt đội được thành lập vào ngày 29/4/1938, trùng với ngày sinh của Nhật hoàng Hirohito. Biệt đội bao gồm các đơn vị bộ binh, kỵ binh và pháo binh. Dù có căn cứ tại Mãn Châu Quốc, các binh lính Asano vẫn bị quân đội Nhật giám sát hoàn toàn.
Các chiến binh từ đơn vị bí mật của biệt đội Asano khi đó được giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động phá hoại và trinh sát trên lãnh thổ Viễn Đông của Liên Xô, chuẩn bị cho một cuộc chiến trong tương lai. Nhiệm vụ của họ là chiếm giữ hoặc phá hủy các cây cầu và các nút liên lạc quan trọng, xâm nhập vào các đơn vị Liên Xô để đầu độc nguồn thức ăn và nguồn nước.
Nhật Bản đã thăm dò sức mạnh của Hồng quân hai lần. Một lần vào năm 1938, tại gần hồ Khasan. Lần thứ hai vào năm 1939, trên sông Khalkhin Gol. Các binh sĩ của biệt đội Asano tham gia vào cả hai chiến dịch, dù nhiệm vụ của họ chủ yếu chỉ là thẩm vấn các tù nhân chiến tranh của Liên Xô.
Cũng có những ghi chép cho rằng họ có tham gia vào các cuộc đụng độ trực tiếp với đối thủ. Trong trận trên Khalkhin Gol, một đội kỵ binh của Mông Cổ đã nhầm rằng biệt đội Asano theo phe mình. Sai lầm này đã khiến các kỵ sĩ quân Mông Cổ phải hy sinh.
Ảnh: RBTH
Đảm nhiệm vai trò mới
Đến cuối năm 1941, giới lãnh đạo Nhật Bản đã từ bỏ kế hoạch chiến tranh chớp nhoáng có tên Kantokuen nhằm chống lại Liên Xô. Tới năm 1943, Nhật Bản không có bất cứ kế hoạch xâm chiếm nào tới cùng Viễn Đông của Liên Xô.
Sau đó, người Nhật đã tiến hành cải cách quân đội Nga, biến những đội quân này từ các đơn vị phá hoại và trinh sát đặc biệt thành quân đội vũ trang thông thường. Do không còn nhiệm vụ ban đầu, biệt đội Asano đã mất đi vị trí đặc biệt của mình, trở thành một phần của Trung đoàn súng trường 162 của Lực lượng vũ trang Mãn Châu Quốc.
Tuy nhiên, Tokyo vẫn tiếp tục đánh giá cao những người lính Nga. Vào tháng 5/1944, em trai của Hoàng đế Hirohito, Hoàng tử Mikasa Takahito đã có chuyến thăm tới căn cứ của các chiến binh Asano.
Ảnh: RBTH
Quyết định quay lưng Nhật Bản
Cuộc đấu tranh đầy thử thách của Liên Xô chống lại Đức Quốc xã đã làm tăng thêm tình yêu nước và tinh thần chống Nhật trong cộng đồng người Nga ở Mãn Châu.
Nhiều sĩ quan bắt đầu hợp tác với tình báo Liên Xô. Ngay cả một trong những thủ lĩnh của biệt đội Asano, Gurgen Nagolyan, cũng là một đặc vụ của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô (NKVD) - đơn vị trực tiếp thi hành quyền lực của Đảng Cộng sản Liên Xô trong lĩnh vực an ninh, tình báo.
Vào ngày 9/8/1945, Hồng quân Liên Xô chiếm Mãn Châu. Lúc này, các đơn vị quân đội địa phương của Nga đã có những phản ứng khác nhau. Một bộ phận nhỏ trong số họ đã tiến hành chiến tranh vũ trang, nhưng nhanh chóng bị đánh bại cùng với quân đội Mãn Châu.
Thiếu tá Liên Xô, Pyotr Melnikov hồi tưởng rằng phía quân đội Nhật thường la hét bằng tiếng Nga làm những người lính Liên Xô mất phương hướng, không biết đâu là quân địch, đâu là quân ta.
Tuy nhiên, hầu hết người Nga đã quyết định đổi phe. Họ bắt giữ những tướng chỉ huy người Nhật và thành lập những biệt đội du kích chiến đấu với quân Nhật, giành quyền kiểm soát tại các khu căn cứ và giao lại cho Liên Xô.
Mặc dù sau này, khi trận chiến kết thúc, quân phản gián vẫn bị trừng phạt bởi đi theo hàng ngũ kẻ thù và tham gia vào các kế hoạch phá hoại Liên Xô trước đây. Các nhân vật cấp cao đã bị xử tử, một số "Samurai Nga" khác bị kết án tới 15 năm tù.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi tại MXH Lotus: