Những sai lầm có tính hệ thống và vấn đề của trọng tài VN: “Vừa thổi còi, vừa đá bóng” (Kỳ 1)

Lộc Phong |

Quá nhiều sai sót khiến công tác trọng tài 3 mùa giải gần đây trở thành một vấn nạn của bóng đá Việt. Nghiêm trọng và nghịch lý ở chỗ, cái sai của những “ông vua” sân cỏ bây giờ được nhìn nhận ở khía cạnh tiêu cực chứ không phải chuyên môn đơn thuần. Rất nhiều vấn đề tồn tại và lý do căn bản bắt nguồn từ cấp thượng tầng với những cái sai có tính lỗi hệ thống. Ví dụ như sự vô lý của việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi” tồn tại 2 năm nay…

Chỉ có ở bóng đá Việt

Ngày 15.2.2016, quyết định thành lập Ban tổ chức giải VĐQG Toyota V.League 2016 được Cty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) chính thức công bố. 

Có một điểm đặc biệt, trong thành phần BTC giải có Trưởng ban Trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi. Đây là mùa giải thứ hai, bắt đầu từ V.League 2015, người đứng đầu Ban trọng tài có chân trong BTC, với chức danh Phó Trưởng ban.

Để giải thích rõ hơn về sự đặc biệt chỉ có ở bóng đá chuyên nghiệp "kiểu Việt Nam" này, xin được quay lại với sự ra đời và quy chế hoạt động của Ban Trọng tài VFF cách đây 5 năm.

Mùa giải 2011 có quá nhiều sự cố tai tiếng của các "ông vua" sân cỏ mà đỉnh điểm là việc 2 trọng tài Trần Công Trọng, Nguyễn Văn Quyết bị "loại khỏi đời sống bóng đá" bởi tiếng "còi méo". 

Ở lễ tổng kết năm đó, chính một Phó Chủ tịch VFF công khai khẳng định "có hiện tượng một nhóm trọng tài thao túng V.League theo kiểu mafia".

"So với năm 2005, thời điểm hàng loạt vụ tiêu cực liên quan tới giới cầm còi, cầm cờ bị phanh phui và phải đối diện với pháp luật, các trọng tài bây giờ tiêu cực nhiều hơn và cũng tinh vi, thủ đoạn hơn…".

Đó là "quả bom" mà "bầu" Kiên cho nổ với bài phát biểu làm rúng động BĐVN cùng thông tin công khai về việc đội Hòa Phát Hà Nội được gợi ý "muốn chắc thắng thì cho trọng tài 500 triệu đồng".

Quá nhiều bất cập, bức xúc và đó là lý do VFF phải cải tổ công tác trọng tài. Sau bao năm tồn tại, Hội đồng Trọng tài quốc gia bị giải tán và thay vào đó, Ban Trọng tài VFF được thành lập. 

Đó là một cải cách với những bước tiến, khi Ban trọng tài có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn lớn hơn hẳn và không phải "bù nhìn", bị chi phối bởi BTC. 

Quan trọng nhất, giống như Ban kỷ luật hay Ban giải quyết khiếu nại, Ban trọng tài hoạt động độc lập và không bị chi phối bởi VFF hay BTC giải trong việc chuyên môn như thẩm định, đánh giá, phân công trọng tài...

V.League 2012, với sự ra đời của Ban trọng tài, công tác trọng tài là một điểm sáng, với nhiều cải tiến và điểm tích cực hơn hẳn. 

Tuy nhiên, khi "bầu" Kiên bị vướng vòng lao lý cuối năm 2012 và VFF bắt đầu giành lại quyền lực, kiểm soát và cài người của mình, thì trật tự dần lại trở về như cũ khi Ban trọng tài mất đi tính chất độc lập, tự chủ. 

Cột mốc là cú "ra đòn" của VFF với quyết định đình chỉ nhiệm vụ Trưởng, Phó ban trọng tài Dương Vũ Lâm, Đoàn Phú Tấn sau nghi án tổ trọng tài bắt trận Thanh Hóa - HA.GL nhận quà 100 triệu đồng (sau đó kết luận không có tiêu cực) rồi yêu cầu cải tổ Ban trọng tài, hoàn thiện, củng cố lại nhân sự mà bản chất là "dằn mặt" để tìm cách cài người của VFF vào.

Ban trọng tài ra đời, nhưng cuộc cách mạng không có cơ hội diễn ra, để rồi cuối cùng vẫn là "bình mới, rượu cũ". Không những thế, từ mùa giải 2015, Trưởng ban trọng tài lại được cơ cấu vào BTC giải, đồng nghĩa với việc BTC hợp lý hóa để ngang nhiên "vừa đá bóng, vừa thổi còi".

Câu hỏi về tính minh bạch, công bằng

Về nguyên tắc, Ban Trọng tài VFF độc lập so với BTC trong mọi hoạt động cũng như công tác tổ chức. Với việc phân công trọng tài, Ban trọng tài hoàn toàn chủ động và độc lập, chỉ phải thông báo cho BTC. Tuy nhiên, đó chỉ là trên lý thuyết.

Thực tế, với việc ông Trưởng ban Nguyễn Văn Mùi trở thành Phó Trưởng BTC V.League, Ban trọng tài đã trực thuộc BTC và là cấp dưới. 

Chỉ với sự vô lý đó đã có thể trả lời cho câu hỏi: Liệu Ban trọng tài có duy trì được sự độc lập, không bị chi phối của BTC? 

Liệu việc phân công trọng tài chẳng hạn, ông Phó Trưởng BTC Nguyễn Văn Mùi có dám và có thể tự chủ, không bị tác động của Trưởng BTC?

Nghịch lý còn nằm ở chỗ, VPF là một công ty cổ phần được thành lập để làm nhiệm vụ quản lý, điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (V.League, hạng Nhất và Cúp quốc gia) và BTC giải với nhiều thành phần trong đó có đại diện của các CLB tham dự giải như Nguyễn Trọng Hoài (FLC Thanh Hóa), Nguyễn Húp (QNK Quảng Nam), Đặng Xuân Huy (Đồng Tháp). 

Thế nên khi đại diện Ban trọng tài lại có chân Phó BTC, nghĩa là vừa làm công tác trọng tài lại vừa làm công tác tổ chức, thế không phải "vừa thổi còi, vừa đá bóng" thì là cái gì?

Hội đồng trọng tài bị giải thể để thành lập Ban trọng tài, nhưng cuối cùng Ban trọng tài lại "là một" với BTC. Tại sao lại có điều vô lý này và mục đích của nó là gì, nếu không phải là để kiểm soát, chi phối công tác trọng tài?

Đó cũng là câu hỏi mà lâu nay giới cầm còi, cầm cờ ở BĐVN vẫn âm ỷ bức xúc về thứ "quyền lực đen" chi phối công tác trọng tài mà sai lầm chết người của trọng tài Hà Anh Chiến mới đây là một hệ quả tất yếu và minh chứng cho những bất cập, khi "ông vua" sân cỏ này không được đánh giá cao về chuyên môn và năng lực, chỉ là trợ lý nhưng được cất nhắc lên bắt chính.

Nói về vấn đề Trưởng ban Trọng tài VFF đồng thời kiêm Phó Trưởng BTC V.League, Tổng Giám đốc VPF Cao Văn Chóng cho biết: "Các thành viên giúp việc cho BTC do Trưởng BTC đề xuất, anh Mùi (Nguyễn Văn Mùi - PV) là Phó BTC và phụ trách giúp Trưởng BTC các vấn đề về trọng tài. 

Trưởng BTC cần người trong ban phụ trách về trọng tài, anh Mùi qua 2 mùa làm Phó BTC hỗ trợ rất nhiều cho anh Ngọc (Nguyễn Minh Ngọc - Trưởng BTC V.League - PV), làm công tâm vô tư. Không nên vì một sai lầm cá nhân của của trọng tài Chiến rồi phủi hết công sức người ta".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại