Chiều 6/6, chúng tôi có dịp trò chuyện với một người đàn bà – người mẹ - người bà - ở tuổi “gần đất xa trời” nhưng vẫn từng ngày phải mưu sinh (bán báo dạo) để nuôi con, cháu.
Đó là bà Nguyễn Thị Lưu – 72 Cầu Gỗ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), quê gốc Hà Nam.
Có chồng cũng như không
“Phụ nữ lấy chồng như chơi canh bạc”. Trên phố Cầu Gỗ này, chỉ cần hỏi “bà Lưu bán báo” thì mọi người đều biết vì cái gọi là “gia cảnh chẳng giống ai!”.
Căn nhà tuềnh toàng nằm lọt thỏm cuối ngõ 72 Cầu Gỗ. 4h chiều, người đàn bà nhiều tuổi niềm nở tiếp chuyện. Hôm nay, bà về sớm vì “chán - chẳng bán được”.
Hiện, bà là trụ cột chính của gia đình, bươn chải nuôi hai cô con gái và một đứa cháu ngoại. Nhắc đến người chồng, giọng bà chùng xuống…
Bà Lưu sinh năm 1951, năm 19 tuổi đi thanh niên xung phong (1972 -1975). Khi trở về, người con gái vốn xinh đẹp rơi vào cảnh “luống tuổi mà không có ai lấy”.
“Thời đó đàn ông con trai ít, mẹ tôi lại gây áp lực. Thế rồi tôi được mai mối cho một người cùng làng, ít hơn mình 2 tuổi.
Biết ông ấy có tiền sử bị bệnh về thần kinh nhưng khi đó thấy người ta cũng tử tế, mình cũng chẳng có ai, cũng là sự bắt buộc, thế là đồng ý” – bà nói với tôi.
Bà theo chồng lên Hà Nội mưu sinh. Chồng làm công nhân xây dựng, còn bà thì chạy chọt buôn bán ngoài đường.
Những tưởng được nhờ chồng nhưng bà lại rơi vào hụt hẫng, vì người chồng không biết lo toan mà chỉ ham cờ bạc, thậm chí còn vũ phu - do chứng bệnh “điên” từ trước đó.
“Mình thì có chồng cũng như không, phải nuôi cả nhà vì ông ấy chỉ phá, bao nhiêu đổ vào cờ bạc, thậm chí chẳng cho con được cái kẹo…!”, bà buồn.
Bà cho biết, những ngày đầu chuyển về căn nhà nhỏ tại phố Cầu Gỗ này, vì chưa có hộ khẩu nên luôn bị người hàng xóm coi thường, thậm chí còn nhiều lần đánh, chửi.
Điều đau xót là khi bị người ngoài đánh, chồng bà không phân biệt được hành vi nên… “vào hùa với người ta chứ không biết giúp vợ gì hết!”.
“Chỉ vì cơm canh không ngon thì ông ấy đập phá, đánh chửi! Đúng là “thân em như hạt mưa sa…” - lúc đó biết chồng vũ phu đấy, tâm thần đấy nhưng còn làm sao được nữa!”, bà lại buồn.
Sống với nhau gần 40 năm, năm 2010, ông Chiến không may qua đời vì bệnh ung thư gan. “Từ đó mới bớt khổ hơn” – bà Lưu ngậm ngùi!
“Bà mẹ đau khổ”
Một số người nói về bà như vậy, vì cuộc đời làm mẹ của bà Lưu quá gian truân.
Năm 1979, bà Lưu sinh con gái đầu lòng – như một tai họa ập đến vì đứa bé sinh ra đã mắc bệnh thần kinh không bình thường giống bố, thậm chí còn ngờ nghệch hơn!
Hai năm sau, bà sinh con gái thứ hai nhưng đến năm 3 tuổi thì không may qua đời do bị bỏng và không kịp chạy chữa.
Năm 1990, con gái út chào đời, tên là Hoa, tuy không mắc bệnh nặng như con cả nhưng cũng rất chậm, nhận thức kém nên chỉ học hết lớp 4 ở một trường tình thương.
Bà Lưu và người con gái đầu lòng bị "điên". Ảnh: Nông Thuyết
Con gái đầu lòng được đặt tên là Lựu, nay đã 37 tuổi nhưng nhận thức lại kém hơn một đứa trẻ 3 tuổi.
Nhiều lần, con bị đánh, bà chỉ hận vì con mình không phải người bình thường: “Con bé này cũng không biết gì, lúc nó phát bệnh lại đánh đấm, cắn xé tôi hay bất kỳ ai. Lại ngơ ngơ, nghịch linh tinh nên người ta hay đánh nó, xót con lắm!”.
Một người bạn cùng bán báo với bà kể lại: “Có hôm người ta dùng cây chổi quét nhà vệ sinh vụt vào mặt nó! Đến tội! Bà này thì già yếu rồi, chồng lại chẳng còn…”.
Con gái út tuy xinh xắn nhưng “làm gì cũng chậm”. Có lần, bà cho Hoa đi bán báo rồi hốt hoảng vì sợ rằng con đã bị lạc, không ngờ đến đêm thì tìm thấy con ngủ quên ở sau vườn hoa Lý Thái Tổ.
Từ đó, bà không dám cho con đi bán hàng nữa.
30 năm nay, mỗi ngày, bà luôn dậy từ 4h sáng để lấy và bán báo. Tuổi cao, sức yếu nhưng hằng ngày bà vẫn phải lặn lội đi sớm để tranh thủ bán hàng.
Thế nên, người dân ở phố Cầu Gỗ này đã không lạ gì với hình ảnh “bà Lưu bán báo”.
Vài năm gần đây, báo khó bán hơn, nhiều nhất chỉ được hơn 100.000 đồng/ngày, nếu không thì bà chỉ được 50-70 nghìn/ngày. Bán được nhiều, các con gái của bà sẽ có thịt ăn, còn nếu không - thường chỉ rau và mắm...
Mừng vì con gái… chửa hoang
Một người dân ở phố Cầu Gỗ nói: “Bà ấy hâm hâm, kể bao nhiêu cho hết khổ! Đứa cả không biết gì còn một đứa chửa hoang nên giờ bà ấy nuôi hết”.
Ẵm cháu ngoại (7 tháng) trong lòng, người đàn bà rạng rỡ: “Chưa thấy đứa trẻ nào ngoan thế này, mà cũng chưa bị ốm lần nào cả, vui sướng rơn người! Chắc là Giời thương!”.
Có thể, với người ngoài thì đây là ô nhục, nhưng với bà, đó là một niềm hạnh phúc vô cùng, vì đó chính là tương lai cho con gái của bà...
Cháu gái 7 tháng tuổi - niềm hạnh phúc muộn màng đối với bà Lưu. Ảnh: Nông Thuyết
Gần 2 năm trước, con gái út đột nhiên mất tích khiến bà Lưu hoảng hốt báo tin tìm con. Một thời gian sau, có người quen ở Đắc Lắk nói con gái bà đang ở trong đó và đã…có thai.
Không tìm được “thủ phạm” của cái thai trong bụng con, bà ngậm ngùi gạt nước mắt và uất hận, lặn lội vào đón con về trong sự ngỡ ngàng của mọi người.
Người mẹ già mỉm cười: “Uất ức lắm nhưng bỏ làm gì, chỉ nghĩ rằng có rồi thì thôi, nó là duyên số.
Con mình chậm chạp, không nghề nghiệp, có lấy chồng thì cũng khó được tấm chồng tốt! Thà để vậy, nếu mà có sinh ra lành lặn thì là phúc cho nó để sau này còn có chỗ dựa.
Từ ngày có nó, nhà tôi vui hơn biết bao nhiêu, thế là mừng lắm rồi!”.
Nhìn bé gái, bà chỉ mong có thể sống độ 10-15 năm nữa để nuôi cháu trưởng thành thì sẽ có thể đỡ đần mẹ nó.
Ngày ngày, những tờ báo nhẹ bâng trên chiếc xe đạp của “bà già hâm hâm” tiếp tục được bán đi, đem theo hy vọng nhỏ nhoi của người đàn bà đã cả đời khổ sở vì chồng, con và những đồng bạc lẻ…