1. Dù được bố trí trong phòng xử “thân thiện” Toà gia đình và người chưa thành niên TAND TP Hồ Chí Minh, nhưng phiên toà xét xử bị cáo Trần Lê Thị Xuân Loan (29 tuổi, ngụ quận 9) về tội "Giết người” vẫn diễn ra trong ngột ngạt bởi nội dung vụ án quá thương tâm.
Câu chuyện bắt đầu năm 2009, Loan kết hôn với anh Hồ Xuân Trường và sinh ra cháu Hồ Ngọc Trúc Quỳnh (7 tuổi). Cả gia đình Loan cùng sinh sống tại phường Phú Hữu, quận 9.
Năm 2015, Loan vay mượn của nhiều người với số tiền lên tới 200 triệu đồng và mất khả năng chi trả. Nợ nần bức bách, chồng biết chuyện nên đã lạnh nhạt, Loan chán chường muốn chết cùng con.
Sáng 13-7-2016, Loan lấy xe gắn máy chở cháu Quỳnh đến một cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật mua 1 chai thuốc trừ sâu rồi đến thuê phòng một khách sạn ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 để tự tử.
Khi vào phòng, Loan lấy sữa ra cho bé Quỳnh uống trước, sau đó rót thuốc rầy ra ly cho con uống.
Bé Quỳnh không chịu uống thì bị Loan bóp miệng đổ trực tiếp. Sau đó, Loan dùng khăn bịt miệng cháu Quỳnh để cháu không ói ra được.
Sau khi cháu Quỳnh đã bất động, Loan lấy điện thoại nhắn tin báo cho người thân biết mình sẽ tự tử cùng con rồi uống hết phần thuốc còn lại trong chai.
Chiều tối cùng ngày, chủ khách sạn không thấy Loan trả phòng nên gõ cửa nhưng không thấy ai lên tiếng. Nghi ngờ, người này nhìn qua cửa thông gió thì phát hiện Loan đang co giật, cháu Quỳnh nằm bất động kế bên nên báo cơ quan Công an.
Khi mọi người mở cửa vào phòng thì cháu Quỳnh đã tử vong, Loan được đưa đi cấp cứu. Sau gần nửa tháng điều trị, Loan được xuất viện và bị bắt...
Tại toà, hai tay đan chặt vào nhau để giữ bình tĩnh nhưng Loan vẫn nấc nghẹn khi nghe đại diện Viện Kiểm sát nhân dân công bố cáo trạng.
Trả lời HĐXX về nguyên nhân xảy ra vụ án, Loan cho rằng quá trình sống chung bị cáo không được chồng quan tâm chăm sóc.
Khi có con, một mình bị cáo vất vả lo cho con bởi chồng không có việc làm. Không đủ tiền chi tiêu, ban đầu Loan vay “nóng” 5, 10 triệu để xoay xở.
Về sau, để có tiền trả khoản nợ này, Loan phải vay khoản nợ mới... cho đến khi số tiền lên tới 200 triệu đồng. Lúc này, Loan mới lo sợ... và nghĩ đến chết cùng con.
Khi HĐXX hỏi về lý do cố tình ép con uống thuốc dù cháu bé đã vùng vẫy đẩy ra, Loan khóc nấc: “Lúc đó bị cáo chỉ nghĩ mẹ con sống chết có nhau, không muốn mình chết để lại con một mình không ai chăm sóc...”.
Ngồi cách vợ một hàng ghế, anh Trường (chồng Loan) lặng thinh khi nghe vợ trình bày nhưng mắt đỏ hoe. Được toà đề nghị có ý kiến, anh Trường thừa nhận: vụ án xảy ra anh có một phần lỗi do không quan tâm, chăm lo được cho vợ con.
Giờ xảy ra vụ việc đáng tiếc này, anh chỉ xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho vợ sớm trở về với gia đình.
Sau khi xem xét, HĐXX hôm ấy đã tuyên phạt Loan mức án 10 năm tù.
2. Một nỗi đau khác tuy không túng thiếu, nợ nần như người mẹ trên nhưng trong lúc yếu lòng người mẹ trẻ đã sinh ra đứa con thứ ba, kết quả của cuộc tình vụng trộm.
Khi vụ việc vỡ lở, xấu hổ người mẹ đã đang tâm kết thúc cuộc đời ngắn ngủi của đứa trẻ... Vụ án được Toà gia đình và người chưa thành niên TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử vào cuối tháng 9 vừa qua.
Huỳnh Thị Kim Phượng (38 tuổi, ngụ quận Bình Tân) và anh Nguyễn Trang kết hôn với nhau từ năm 2000 và đã có hai con.
Trong thời gian buôn bán vải tại chợ Tân Bình, Phượng ngoại tình với anh T.N.M, bán vải tại sạp cùng số ở cạnh bên.
Ngày 13-12-2013, Phượng sinh con gái, khai sinh tên là N.B.N, cha là Nguyễn Trang.
Do nghi ngờ cháu N không phải là con mình nên ngày 5-1-2016, anh Trang đưa cháu bé đến bệnh viện để xét nghiệm ADN về huyết thống. Kết quả cho thấy anh không phải cha đẻ của bé N.
Sau khi biết kết quả, đêm 9-2-2016, anh Trang kêu Phượng vào phòng hỏi sự việc nhưng Phượng né tránh, không trả lời. Tức giận, anh Trang đánh Phượng rồi đóng cửa phòng lại không cho Phượng ra ngoài.
Đến khoảng 0h ngày hôm sau, anh Trang mở cửa phòng cho Phượng xuống tầng trệt ngủ với hai con gái.
Trong lúc nằm với các con, Phượng sợ anh Trang mời cha mẹ ruột vào để nói chuyện dẫn đến gia đình bị xấu hổ, đồng thời lo lắng sau này anh Trang sẽ đối xử không tốt với cháu N, vì cháu là con của người khác.
Khoảng 2h, Phượng bỏ cháu N xuống nền nhà rồi ra khỏi phòng tìm cách tự tử nhiều lần nhưng đều bị anh Trang phát hiện ngăn cản. Đề phòng Phượng tiếp tục tự tử, anh Trang xuống tầng trệt ngủ cùng vợ và các con.
Đến khoảng 5h sáng cùng ngày, Phượng bế cháu N lên phòng ngủ ở lầu 1 nên anh Trang cùng các con đi theo.
Một lúc sau, Phượng mỏi tay nên để cháu N xuống nền nhà thì phát hiện con gái đã tắt thở. Phượng liền lấy kéo cắt đứt gân cổ tay, rồi quay trở lại đắp mền nằm kế bên cháu N...
Đến khoảng 8h30, anh Trang kéo mền gọi Phượng dậy thì phát hiện vợ bị thương, cháu N tím tái, ngưng thở nên đưa Phượng đi cấp cứu, đồng thời báo Công an.
Theo kết quả giám định pháp y: cháu N chết ngạt do bị chẹn đường hô hấp trên ở vùng cổ. Bản thân Phượng cũng bị thương tích 23%.
Tại phiên toà,với vẻ mặt thất thần, Phượng khai không nhớ con gái chết như thế nào. Hôm đó bị chồng tra hỏi và đánh nên tinh thần bị bấn loạn nên bị cáo không nhớ được điều gì.
Để làm rõ hành vi của Phượng là giết người hay chỉ là vô ý làm chết người, HĐXX đã đặt ra hàng loạt nghi vấn về cái chết của cháu N, đề nghị bị cáo trả lời. Phượng nói toà muốn xử tội danh gì cũng được, bị cáo không quan tâm...
Có mặt tại toà, anh Trang và anh M (cha cháu N) đều xin giảm nhẹ hình phạt cho Phượng.
Sau một buổi xét xử, cho rằng hành vi của bị cáo có dấu hiệu tội giết người nên HĐXX đã ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung...
Đúng như lời Phượng nói ở toà, dù bị cáo có bị truy tố tội danh gì và mức án cao thế nào đi nữa thì có lẽ không bản án nào đau đớn hơn bằng bản án lương tâm mà bị cáo phải gánh chịu suốt cuộc đời còn lại của mình.