Những lý do đặc biệt khiến phương Tây phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ

Công Thuận |

Phương Tây đang tranh luận về sự phụ thuộc của mình vào các quốc gia có định hướng địa chiến lược khác nhau, ví dụ như Nga và Trung Quốc. Vậy với Thổ Nhĩ Kỳ, EU và NATO phụ thuộc vào quốc gia này như thế nào?

Những lý do đặc biệt khiến phương Tây phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 1.

Máy bay không người lái Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất có vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột gần đây. Ảnh: AA

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, phương Tây đã bắt đầu thảo luận về sự phụ thuộc của họ vào các quốc gia, những nước không nhất thiết phải chia sẻ các giá trị của họ.

Vậy Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò như thế nào với EU và NATO trong bối cảnh nước này có tham vọng đóng vai trò lớn hơn trên trường toàn cầu đi kèm với những quan điểm ngày càng cứng rắn và mang tính dân tộc cao của họ đối với các đối tác phương Tây?

Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chỉ là một ứng cử viên gia nhập EU nhưng là một nhân tố quan trọng trong nền chính trị toàn cầu. Dưới đây là một số lý do tại sao các nước phương Tây vẫn phụ thuộc Ankara.

Thứ nhất , là nhà hòa giải giữa Moskva và Kiev. Cuộc xung đột Nga - Ukraine gây nhiều tác động đối với cộng đồng quốc tế, nhưng đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nó lại mang đến một cơ hội ngoại giao. Ngay trong những ngày đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi lên như một nhà hòa giải không thể thay thế giữa Nga và Ukraine khi các nước phương Tây không nhiệt tình đàm phán với Moskva. Ankara có quan hệ tốt với cả Moskva và Kiev - đây là một điều kiện hiếm có hiện nay.

Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đóng vai trò là kênh giải quyết các vấn đề lớn như xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng ở Biển Đen. Trước xung đột, Ukraine là một trong những nước xuất khẩu lúa mì, ngô, lúa mạch và dầu hướng dương lớn nhất thế giới. Thỏa thuận xuất khẩu giữa Nga và Ukraine đã được ký kết dưới sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ vào tháng 7 tại Istanbul.

Hơn nữa, cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là lựa chọn hợp lý nhất về địa điểm tiềm năng để tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai giữa hai bên.

Thứ hai , vị thế quân sự và quyền phủ quyết trong NATO. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO từ năm 1952. Thực tế là Thổ Nhĩ Kỳ có lực lượng quân sự lớn thứ hai trong NATO sau Mỹ và nằm ở sườn phía Đông Nam, khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nhà cung cấp an ninh lớn cho liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Hiện tại, Thụy Điển và Phần Lan đang tìm cách thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận tư cách thành viên NATO. Tuần trước, Thủ tướng mới của Thụy Điển Ulf Kristersson, đã viết thư cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đề nghị mở một cuộc họp về vấn đề này. Ankara cáo buộc Thụy Điển và Phần Lan là nơi trú ẩn an toàn cho các đối tượng mà Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố.

Thứ ba , là nhà sản xuất vũ khí với giá cả phải chăng. Tầm quan trọng ngày càng tăng của ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến nước này trở thành một nhân tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của phương Tây.

Máy bay không người lái vũ trang Bayraktar TB-2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã chứng tỏ sự hiệu quả trong nhiều cuộc xung đột trong những năm qua. Theo một báo cáo năm 2021 của BAKS, cơ quan tư vấn của Lực lượng vũ trang Đức, máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đóng một vai trò quyết định trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh.

Chúng cũng có vai trò quan trọng trong cuộc xung đột ở Ukraine và được cho là đã giúp quân đội Ukraine bảo vệ lãnh thổ của mình trước các lực lượng Nga mạnh hơn. Tháng trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã vinh danh Haluk Bayraktar, Giám đốc điều hành của Baykar, nhà sản xuất máy bay không người lái Bayraktar.

Mặt khác, chi phí thấp của Bayraktar khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đối tác hợp lý đối với các quốc gia không có khả năng mua thiết bị quân sự hoặc nghiên cứu chi phí cao nhưng đang tìm kiếm giải pháp thay thế. Theo một báo cáo gần đây của Viện Quốc tế và An ninh Đức (SWP), "việc bán vũ khí cho châu Phi đã tăng vọt và khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nhà cung cấp vũ khí đang nổi lên trên lục địa này".

Thứ tư , tác nhân chính dẫn đến tình trạng dễ bị tổn thương của châu Âu do vấn đề di cư. Việc Thổ Nhĩ Kỳ có biên giới với nhiều quốc gia ở phía Nam và phía Đông châu Âu không chỉ cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò quan trọng về chính sách quốc phòng mà còn cho thấy tính dễ bị tổn thương của EU, đặc biệt là chính sách di cư.

Tổng thống Erdogan đã không ngần ngại cảnh báo Brussels, Berlin và các nước thành viên EU khác nhiều lần trong quá khứ bằng cách "mở cửa biên giới", về mặt kỹ thuật, điều này có nghĩa là các dòng người tị nạn có thể tràn vào châu Âu.

Những cảnh báo của Ankara thực tế đã thành công và dẫn đến thỏa thuận tị nạn năm 2016 giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có khoản ngân sách trị giá 6 tỷ euro cho Ankara. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận những người tị nạn trên lãnh thổ của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại