Hạm đội 'bóng đêm' chuyển dầu Nga

Duy Linh |

Hàng trăm tàu chở dầu đã được bán cho những chủ sở hữu bí ẩn trong sáu tháng qua đang âm thầm góp phần đảm bảo dòng chảy dầu thô từ Nga ra thế giới bất chấp các lệnh trừng phạt đã, đang và sắp áp đặt của phương Tây.

Hạm đội bóng đêm chuyển dầu Nga - Ảnh 1.

Tàu chở dầu neo đậu tại cảng dầu thô Kozmino, thuộc thành phố Nakhodka ở vùng Viễn Đông của Nga - Ảnh: Reuters

Liên minh châu Âu (EU) và G7 dường như đã tự tin rằng có thể chặn đứng hoạt động xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga nhờ vào ưu thế về số lượng tàu chở dầu đông, dịch vụ vận chuyển, bảo hiểm... Nhưng các số liệu được phân tích gần đây cho thấy họ đã đánh giá sai lầm.

Các thương nhân kinh doanh dầu mỏ của Nga không còn ở Thụy Sĩ, Geneva hay London nữa, họ đã sang Trung Đông rồi.

Ông NORBERT RUCKER (trưởng bộ phận kinh tế và nghiên cứu của Ngân hàng Julius Baer, Thụy Sĩ)

Mua bán, huy động cả tàu cũ

Các bộ trưởng tài chính G7 đã tuyên bố sẽ bắt đầu áp giá trần đối với dầu của Nga từ ngày 5-12. Để làm được điều này, họ muốn tạo ra một "liên minh quốc tế rộng rãi" và cấm cung cấp bất kỳ dịch vụ nào liên quan việc vận chuyển dầu của Nga trên biển nếu nó được bán với giá cao hơn giá trần mà liên minh đã đồng thuận.

EU đã thông qua gói trừng phạt thứ tám vào hôm 6-10, trong đó không chỉ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga mà còn ngừng cung cấp các dịch vụ vận chuyển, bảo hiểm và những dịch vụ liên quan từ ngày 5-12.

Bất chấp các nỗ lực đó, các bên giờ đây đều nhận ra Nga có thể tiếp tục bán dầu ra nước ngoài bằng một đội tàu và dịch vụ của chính họ hoặc các nước "thân thiện".

Công ty chuyên tư vấn đầu tư mua bán tàu chở dầu Braemar (Anh) ước tính để duy trì mức xuất khẩu 4 triệu thùng/ngày bằng đường biển sau ngày 5-12 tới, Nga cần bổ sung thêm nhiều tàu nữa.

Hiện nước này có đội tàu khoảng 240 chiếc, trong đó có 102 tàu kích thước Aframaxes (chở được 80.000 đến 120.000 tấn), 58 tàu Suezmaxes (chở 120.000 tới 200.000 tấn) và 80 tàu chở dầu thô loại rất lớn (VLCC, chở từ 200.000 đến dưới 320.000 tấn).

Trên thực tế, đã có sự gia tăng trong mua bán tàu chở dầu sau khi xung đột bùng nổ tại Ukraine và ngày một tăng mạnh khi thời gian dần trôi về mốc ngày 5-12, theo Hãng tin Bloomberg.

"Đứng sau các giao dịch này là những công ty bí ẩn chỉ có thông tin đặt trụ sở tại Dubai, đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore" - ông Anoop Singh, một nhân sự cấp cao tại Braemar, nêu thực trạng.

Nhiều tàu trong số này đã cũ, song cộng với các tàu của Công ty Sovcomflot PJSC của Nga và tàu của Ấn Độ, Trung Quốc có thể tạo thành hạm đội "bóng đêm" đáp ứng nhu cầu vận chuyển dầu thô của Nga.

Dựa trên các dữ liệu theo dõi hàng hải và vệ tinh, số lượng dầu thô chảy đến các địa điểm không thể xác định được đã tăng mạnh trong nửa đầu tháng 10. Theo Bloomberg, không loại trừ khả năng trong thời gian đầu sau ngày 5-12, Nga sẽ sử dụng hình thức chuyển dầu từ tàu này sang tàu khác (ship-to-ship, viết tắt STS).

Hạm đội bóng đêm chuyển dầu Nga - Ảnh 2.

Nguồn: Bloomberg, dữ liệu hàng hải quốc tế - Việt hóa: Duy Linh - Đồ họa: T.ĐẠT

Mỹ trong thế lưỡng nan

Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ ước tính 80 - 90% lượng dầu của Nga sẽ không bị ảnh hưởng bởi cơ chế áp giá trần của G7 và các biện pháp trừng phạt của EU. Trong trường hợp đó, chỉ có 1-2 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga có thể không xuất đi được.

Mặc dù giá trần của G7 có thể gây ra những khó khăn về tài chính và kỹ thuật cho Nga, nó cũng đồng thời làm mất đi 1-2% nguồn cung của thế giới và có khả năng đẩy giá năng lượng cao hơn sau khi nhóm OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng từ tháng 11 tới.

Washington được cho là đã cảnh báo EU rằng gói trừng phạt thứ tám có thể gây ra cú sốc về nguồn cung dầu toàn cầu. Trong tháng 9, Nga đã xuất khẩu hơn 7 triệu thùng/ngày. Ngân hàng JP Morgan (Mỹ) ước tính xuất khẩu dầu của Nga sẽ chỉ giảm khoảng 600.000 thùng/ngày trong tháng 12 so với tháng 9.

Các nguồn tin của Bloomberg cũng tiết lộ Mỹ đang thuyết phục EU cho các công ty vận chuyển dầu Nga được tiếp cận các dịch vụ tài chính, bảo hiểm để tránh thiếu hụt tàu chở dầu.

Tuy nhiên để làm được điều đó, người mua sẽ phải đăng ký với EU mức giá họ mua dầu của Nga là bao nhiêu. Vấn đề nằm ở chỗ không ai rõ có bao nhiêu bên mua sẵn sàng công khai danh tính và giá mua vào thời điểm hiện tại.

Liệu Mỹ có mắt nhắm mắt mở để hạm đội "bóng đêm" của Nga chuyển dầu hay không là một điều đáng theo dõi, bởi xét cho cùng, điều này sẽ góp phần không đẩy giá nhiên liệu tăng vọt ngay trước thềm bầu cử giữa kỳ.

"Những người kỳ cựu trong lĩnh vực chính sách và công nghiệp đã nhìn thấy từ trước các hạn chế của một kế hoạch mà thoạt đầu tưởng chừng có thể chặn đứng toàn bộ hoạt động buôn bán dầu mỏ của Nga", Hãng tin Reuters nêu nhận định về kế hoạch giá trần của G7 và gói trừng phạt thứ tám của EU.

Hiện Nga chưa lên tiếng bình luận về các thông tin trên Bloomberg và Reuters. Giới chức Nga trước đó tuyên bố sẽ không bán dầu thô cho châu Âu, bởi việc áp giá trần là phi thị trường và Nga sẽ chuyển hướng sang các quốc gia "thân thiện".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại