Những hiệp sĩ trong lòng biển

Nguyễn Mạnh Hà |

Một nhóm những người trẻ ở Đà Nẵng làm việc toàn thời gian dưới biển nuôi trồng san hô, cứu hộ rùa và cá heo… Không ai trả lương cho họ. Thành quả nhiều năm tự nguyện nghiên cứu và thực hành khoa học sẽ được họ tặng lại địa phương. Để lại tiếp tục lên đường phủ xanh những vùng biển khác.

LẤY ĐÁY BIỂN LÀM VĂN PHÒNG

Lê Chiến, quê Hà Nội nhưng đã gắn bó với Đà Nẵng 8 năm. Thời gian đầu anh làm việc cho một tổ chức phi chính phủ. Tháng 8/2016, anh lập nhóm riêng. Tên nhóm Sasa lấy theo chú cá heo đầu tiên mà họ cứu hộ vào tháng 6/2018.

Tiền đâu để sống nói gì đến làm việc là thắc mắc đầu tiên tôi cần Chiến giải đáp. Giản dị chỉ là: “Bọn tôi có khoản tiết kiệm, cũng có người đi làm 6 tháng để 6 tháng còn lại ra biển. Tôi cũng có thu nhập từ việc cung cấp số liệu cho các đề tài khoa học hay tập huấn cứu hộ rùa biển, cá heo”.

Cũng có những người xin vào làm thử 1-2 năm rồi thôi. Nhóm hiện có 6 thành viên cứng, tuổi từ 28 đến 37, thuê nhà ở cùng nhau. Nhưng họ chỉ về đó để ngủ. Mỗi ngày họ lặn 8-10 tiếng. Bữa trưa chỉ là một quả táo. Vì ăn nhiều khó lặn.

Những hiệp sĩ trong lòng biển - Ảnh 1.

Lê Chiến đang gỡ lưới ma tại Phú Quốc

Sasa phát triển phương pháp phân vi mảnh san hô của giáo sư David Vaughan, nhưng nuôi cấy trên giá thể tre thay vì sắt hay nhựa. Ngoài việc tre rất bền cũng vì họ muốn tiết kiệm. Sẵn bụi tre gần nhà bị bão quật đổ mang ra làm tới. Chứ nếu phải mua thì tre với inox giá cũng ngang nhau.Sasa nghiêm cấm thành viên giết hại bất cứ sự sống gì dưới biển.

Tưởng chừng sự kiêng kỵ này liên quan đến “tâm linh”, nhưng không. “Đơn giản vì nếu đã bắt một con thì bạn sẽ bắt được 100 con”, Chiến nhấn mạnh. “Cần có sự tôn nghiêm trong công việc. Xã hội văn minh đã thay săn bắt hái lượm bằng tiêu dùng và chuẩn bị. Miễn là bạn biết lựa chọn ăn gì, xuất phát từ đâu, khai thác thế nào”. 

Nghĩa là họ vẫn có thể ra chợ mua cá, chỉ không được tự bắt. Một quy định lạ lùng nữa là không nhận tiền tài trợ để đảm bảo tính độc lập trong nghiên cứu và thực hành khoa học. Tuy nhiên họ không từ chối sự ủng hộ vô tư của các cá nhân qua fanpage.

Những hiệp sĩ trong lòng biển - Ảnh 2.

Triển khai giá thể nhân tạo thử nghiệm tại Phú Quốc Ảnh: Sasa

CHUYỂN NGHIỆP

Lê Chiến có hai bằng IT và Sinh học, nhưng nền tảng kiến thức phục vụ cho công việc hiện nay lại từ những chuyên gia hàng đầu thế giới anh có dịp làm việc chung. Từ hồi đi khảo sát các rạn san hô miền Trung cho một tổ chức phi chính phủ, Chiến đã chọn Đà Nẵng làm nơi đi về. 

Năm 2016, anh chứng kiến tổn thất ghê gớm của san hô Đà Nẵng do sự cố Formosa. Trước đó Đà Nẵng sở hữu những rạn san hô viền với độ đa dạng sinh học khiến dân nghiên cứu chuyên sâu phải ngạc nhiên.

Sau thảm họa, tất cả hầu như biến mất. May mắn phía Nam Sơn Trà, do có dòng nước cuốn ra ngoài nên còn sót lại một phần. Công việc tái tạo của Sasa bắt đầu từ nguồn giống đó. Chiến chia sẻ: “Bọn tôi đã cung cấp số liệu về sự hủy hoại cho đủ sở ban ngành nhưng không được hồi âm. Thế thôi mình cứ làm việc để người khác nhìn thấy: Chúng ta đang có giải pháp để tái tạo những gì đang mất. 

Trân trọng nó hay không là tùy các bạn. Bọn tôi đã làm gần xong công việc ở Đà Nẵng. Nếu Đà Nẵng cần, chúng tôi sẽ cung cấp số liệu khoa học, giải pháp cho Sở TNMT hoặc các viện nghiên cứu áp dụng để tiếp tục làm việc”.

Những hiệp sĩ trong lòng biển - Ảnh 3.

Bàn giao chú rùa Wonder (ăn phải rác thải nhựa và bị cá mập cắn cụt 2 chi sau) cho khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm Ảnh: Sasa

Mỗi ngày nhóm có thể cấy đến 1.000 mảnh san hô với tỷ lệ sống 98%, Chiến cho hay. Để có năng suất “cao nhất thế giới” đó, họ lặn tự do, không đeo bình oxy. “Ở Úc để tái tạo 1m2 san hô mất 1 triệu đô/năm, bọn tôi mất khoảng 100 ngàn đô/năm”, Chiến thông báo và ví các thành viên Sasa như những “cỗ máy chạy bằng năng lượng mặt trời”.

Dù Sasa không có nhu cầu kiếm tiền nhưng Chiến lại nung nấu những ý tưởng để dân địa phương kiếm được tiền sau khi Sasa “chuyển giao công nghệ”. “Hiện nhóm có một cậu trước là thợ lặn bắn cá, gia đình thuần khai thác”, Chiến kể. “Đi theo bọn tôi buộc bạn ấy phải gác súng, bắt đầu làm khoa học. Là thợ lặn nên bạn ấy làm việc có khi còn hiệu quả hơn bọn tôi”. Anh hy vọng rồi đây sẽ hình thành một cộng đồng yên tâm chuyển nghề từ đánh cá sang trồng san hô.

Đà Nẵng có những làng chài sau thời gian cách ly triệt để có thể sẽ mất sinh kế. Vì thuyền đậu ngoài bến nguyên tắc cứ 3 ngày phải được bơm nước ra khỏi lòng thuyền. Nếu chủ thuyền không được ra ngoài để làm việc đó, chúng sẽ chìm... 

Giải pháp Chiến đưa ra có thể giúp ngư dân lật ngược tình thế: “Tôi có kế hoạch kết nối với bạn bè trong giới nghiên cứu cũng như các trường ĐH quốc tế đưa sinh viên đến ở với làng chài trong kỳ thực tập kéo dài 2 tuần đến 1 tháng. Chỉ cần một tốp sinh viên về làng trong một mùa hè là dân làng đã có thu nhập từ việc cung cấp dịch vụ ăn ở trọn gói”…

Một yếu tố giúp dự án của Sasa thành công tại Đà Nẵng chính là nét “đáng yêu” của người dân nơi đây. Chiến ví dụ một việc đơn giản, chỉ cần anh nói cho ngư dân biết là họ đang thả neo làm hư san hô (do họ không biết đáy biển có gì chứ không phải cố ý) là họ lập tức xin lỗi và đi đậu thuyền chỗ khác ngay.

Sau Đà Nẵng, điểm dừng chân tiếp theo của nhóm có thể là Nha Trang. Những rạn san hô nơi đây từng đạt chỉ số đa dạng sinh học 5.6 (mức cao nhất thế giới hiện là 7.2). Nhưng bị du lịch hủy hoại tới 90% mà theo Chiến “tới mức không thể tái tạo theo kiểu bình thường được”.

GIÁ CỦA SỰ SỐNG

Sasa là nhóm nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam có khả năng chăm sóc y tế cho rùa biển hoặc cá heo ở mức độ sơ cấp lâm sàng. Đến nay, nhóm cứu sống được gần 90 con rùa, trong đó trực tiếp cứu gần 30 con. 

Lần cứu hộ đầu tiên, Chiến phải nhắn cho người bạn là bác sĩ chuyên về rùa biển ở Mỹ. Và được gọi lại ngay bằng video hướng dẫn cách chiếu chụp, lựa thế đẩy dị vật ra, rồi truyền nước, thuốc men không có thì ông sẽ gửi sang. “Trong thế giới của bọn tôi, mọi người rất thoải mái, thích bỏ tiền ra để làm những việc như thế. Bởi để cứu được một sự sống khó lắm”, anh chia sẻ.

Rạn san hô cung cấp thức ăn trực tiếp cho 25% sinh vật dưới đáy đại dương. Nếu san hô biến mất sẽ tạo nên sự đứt gãy khủng khiếp trong mạng lưới thức ăn dẫn tới tuyệt chủng hoặc bùng nổ một số loài. Thông qua các rạn san hô, carbon được luân chuyển (từ sinh vật này sang sinh vật kia qua chuỗi thức ăn) hàng trăm ngàn lần. Sự thiếu vắng san hô vì vậy đẩy nhanh sự ô nhiễm của biển. San hô cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo oxy, chỉ sau thảm cỏ biển.

Khi Chiến nói Sasa từng đổ xuống biển mấy cái nhà, anh không đùa. Vì để cứu hộ một con rùa bị viêm nhiễm do ăn quá nhiều rác thải nhựa tốn không dưới 300 triệu. Ngoài một hệ thống bể dưỡng, máy móc, thuốc men, hải sản tươi làm thức ăn… mỗi ngày một con dùng hết 800 ngàn tiền nước biển sạch được hút từ cách bờ ít nhất 500m. Hay một liều kháng sinh cho cá heo đã mười mấy triệu.

Sau nhiều lần chăm chữa cá heo, Chiến nhận định: “Về mặt nào đó, cá heo còn thông minh hơn người. Nó cảm nhận được nhịp tim của anh nên người xuống cứu hộ mà nóng vội, con cá sẽ quẫy, gây thêm nhiều vết thương cho chính nó. 

Cho nên phải thật bình tĩnh, nhịp tim phải rất đều”. Chiến vẫn ấn tượng cái vẫy đầu chào trước khi quay về với biển của chú cá heo bị mắc cạn trong một bãi đá ngầm ở Quảng Nam. Trước đó, Chiến đã ở dưới nước cùng nó suốt đêm giông bão. Đợt đó, tổng cộng anh dầm nước gần 30 tiếng, chỉ thỉnh thoảng lên làm mấy hơi thuốc cho ấm người. 

Sáng hôm sau hai anh em lại ngược xe máy 60km về Đà Nẵng, không nghỉ. “Khi đó mới thành lập, lực lượng còn non, lại cứu hộ dã chiến nên đành phải chịu thôi”, Chiến cười. Trông còm nhom vậy mà từ khi về với biển, anh chưa ốm bao giờ.

Nhiều nhà khoa học trên thế giới cảnh báo về một đại tuyệt chủng mà chính chúng ta có thể sẽ chứng kiến. Nhưng Chiến vẫn cần mẫn làm công việc của mình và đưa ra một viễn cảnh tươi sáng hơn. 70% oxy của Trái Đất đến từ biển, trong đó nguồn cung cấp dồi dào nhất là thảm cỏ biển. 

“Nó có thể tạo ra lượng oxy gấp 8 lần cánh rừng nhiệt đới cùng diện tích”, anh thông báo. “Đặc biệt trong khi san hô cần 5-15 năm để hồi phục thì thảm cỏ biển sinh trưởng nhanh hơn nhiều. Màu xanh của cỏ biển hấp thụ ánh sáng mặt trời còn làm mát nước biển”, Chiến nhấn mạnh. “Chúng ta có tương lai, có giải pháp, có điều phải làm việc, phải hành động”.

Chiến binh chống biến đổi khí hậu

Là kết quả của sự cộng sinh giữa polip san hô và vi tảo, san hô rất nhạy cảm với nhiệt độ. Năm ngoái do tác động của một dòng nước nóng, dọc dải bờ biển miền Trung, nhiệt độ giữ mức 310C suốt một tháng khiến 2/3 san hô chết trắng. Đà Nẵng cũng không ngoại lệ.

“Nhưng không phải chúng ta đang đi trên đường cụt mà giới tự nhiên lại có phép màu riêng. Trong hàng tỷ cụm san hô chết vẫn có những cụm san hô có thể thích nghi. Vấn đề làm sao nhân giống được chúng”, Chiến chia sẻ.

Điều thú vị là khu vườn san hô nhóm nuôi trồng ở bãi Nam Sơn Trà vẫn tiếp tục vượt qua được đợt tăng nhiệt đó. Ước tính từ đầu năm đến giờ Sasa trả về tự nhiên 10 ngàn cành san hô có khả năng chịu nhiệt. Chiến gọi chúng là “chìa khóa” mở ra những cánh cửa cho tương lai. Còn tôi hy vọng những chú lính san hô tí hon sẽ trở thành lá chắn chống biến đổi khí hậu hiệu quả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại