Hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn
Thành Cát Tư Hãn là một trong những nhà quân sự lỗi lạc và có ảnh hưởng nhất lịch sử thế giới. Các cuộc chinh phạt của Thành Cát Tư Hãn trên khắp Á - Âu để bành trướng lãnh thổ đã đem lại sự thống nhất cho Mông Cổ và là minh chứng cho triều đại hùng mạnh mà ông gây dựng.
Ông còn nổi tiếng là hiện thân của sự tàn bạo, nhất là ở Trung Á, Đông Âu và Trung Đông - những nơi từng bị quân đội của ông thảm sát hàng loạt.
Theo sử sách ghi lại, Thành Cát Tư Hãn có 6 người con trai và gần 40 cháu trai, là một gia tộc lớn. Tuy nhiên, với sự sụp đổ của nhà Nguyên vào năm 1360, hậu duệ của gia tộc khổng lồ này đã chạy trốn, tản ra khắp nơi, thay tên đổi họ và biến mất. Hàng trăm năm đã qua, liệu hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn có còn tồn tại trên đời này?
Chân dung của Thành Cát Tư Hãn. Hình ảnh: Wikipedia
Các nhà sử học từ lâu đã kết luận rằng Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt, nhánh chính của triều đại nhà Nguyên chắc chắn đã tuyệt tự, nhưng những hậu duệ khác của dòng dõi này vẫn có khả năng sống sót. Thế nhưng để tìm được họ cũng giống như mò kim đáy bể vậy.
Ở Tứ Xuyên, có một nhánh hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn vẫn còn lưu trữ và ghi nhớ về tổ tiên của mình.
Theo gia phả, tổ tiên của họ là Thiết Mộc Kiện. Có rất ít ghi chép về Thiết Mộc Kiện trong sử sách thế nên thông tin về ông khá hỗn loạn. Một số tài liệu nói rằng ông là em trai của Thành Cát Tư Hãn, một số lại ghi ông là chắt của Thành Cát Tư Hãn, nhưng chắc chắn ông và Thành Cát Tư Hãn có dòng máu rất gần với nhau.
Chân dung Thiết Mộc Kiện. Hình ảnh: Baidu
Sau khi bị hoàng đế khai quốc nhà Minh là Chu Nguyên Chương đánh đuổi, giành lại Trung Quốc cho người Hán, Thiết Mộc Kiện đã dẫn con cháu bỏ chạy về phía nam, thay tên đổi họ và sống ẩn dật ở khu vực nông thôn.
Bài thơ 10 câu
Không lâu sau đó, Thiết Mộc Kiện qua đời vì bị truy đuổi, con cháu của ông tan đàn xẻ nghé, mỗi người tự tìm đường thoát thân cho mình. Họ đổi tên Mông Cổ của mình sang Hán tự, lấy họ là "Dư". Thế nhưng để sau này con cháu mình có thể tìm về nguồn cội và nhận ra nhau, họ đã quyết định để lại một ám hiệu. Mỗi gia đình viết 1 câu, tổng cộng 10 câu, khi nối lại sẽ thành 1 bài thơ.
Bài thơ viết: "Vốn là quý tộc Nguyên triều
Loạn lạc tiêu điều nơi Tây vực,
Bên bờ Lô Dương ngậm ngùi nỗi nhớ
Cành liễu buồn đung đưa cầu Phượng Cẩm
Không biết là ý trời hay số phận
Anh em ta bồi hồi chia xa
Mười người giờ đây mỗi người một nơi
Quyết lấy họ Dư làm nguồn cội
Một họ mà giờ chia làm trăm nghìn nhà."
Không ai nghĩ rằng cuộc chia tay này lại là cuộc chia ly dài đến hàng trăm năm, những hậu duệ mang dòng máu Mông Cổ dần hòa nhập vào Hán tộc và không khác gì bao dân thường ngoài kia.
Nếu không nhờ những gia phong và giáo huấn nghiêm khắc truyền từ đời này sang đời khác, họ có thể sẽ không còn chút ý niệm gì về tổ tiên của mình.
Buổi lễ bái tổ sau khi con cháu của Thành Cát Tư Hãn tìm thấy nhau sau 600 năm. Hình ảnh: QQ
Mãi đến sau khi thành lập Tân Trung Hoa, hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn đang ẩn náu ở Dư Gia Loan, tỉnh Tứ Xuyên mới dám nói ra danh tính của mình và mong muốn tìm được người thân. Vì vậy họ đã liên tục đăng thông báo tìm người mất tích trên các báo, tra hỏi về bài thơ 10 câu được lưu truyền bí mật trong gia phả.
Ban đầu, họ không có nhiều hy vọng vì chiến tranh và hỗn loạn kéo dài 600 năm có thể đã cướp đi sinh mạng của nhiều người. Nhưng vô cùng ngạc nhiên là khi thông báo tìm người được công bố, Dư Gia Loan đã nhận được không ít các bức thư đã cũ nát, trên đó là từng câu thơ được trích ở bài thơ 10 câu mà tổ tiên họ truyền lại.
Và thế là kỳ tích đã xảy ra, gia đình 10 thế hệ người con của Thiết Mộc Kiện đã tụ họp lại sau 600 năm. Họ đều nói rằng đó chính là sự bảo hộ và dẫn đường của Thành Cát Tư Hãn giúp họ tìm lại nguồn cội của mình.
Buổi lễ bái tổ sau khi con cháu của Thành Cát Tư Hãn tìm thấy nhau sau 600 năm. Hình ảnh: QQ
600 năm trôi qua, nhiều người trong số họ không có chút nào trông giống một người Mông Cổ nữa, nhiều người trong số họ không nói được tiếng Mông cũng không biết chữ Mông. Nhưng có rất nhiều thứ do tổ tiên họ để lại, như một số ký tự Mông Cổ được ghi trên da cừu, một số loại dao găm của người Mông Cổ, và rất nhiều trang phục của quan chức trong triều thời nhà Nguyên.
10 câu thơ gộp lại thành một giờ đây được ghi lại bằng chữ Hán và được lưu giữ bên bức chân dung của Thành Cát Tư Hãn như một minh chứng cho điều kỳ diệu của gia tộc hiển hách này.