B-45 bắt đầu được phát triển vào năm 1944, khi Bộ Chiến tranh Mỹ nhận ra sự nguy hiểm của các máy bay ném bom phản lực Đức Quốc xã như Arado Ar 234.
Ho đặt ra yêu cầu chế tạo một oanh tạc cơ phản lực có trọng lượng rỗng 36.287 kg và trọng lượng tối đa khi cất cánh là 90.718 kg. Đề xuất NA-130 của North American Aviation đã giành chiến thắng, đến ngày 8/9/1944, công ty bắt đầu sản xuất 3 nguyên mẫu dựa trên NA-130.
Convair XB-46-đối thủ trực tiếp của XB-45
Sự kết thúc của Chiến tranh thế giới II đã dẫn tới việc hủy bỏ cũng như trì hoãn nhiều dự án chế tạo vũ khí. Tuy nhiên đến năm 1946, vì gia tăng căng thẳng với Liên Xô mà Không quân Mỹ đã ưu tiên việc phát triển và sản xuất máy bay ném bom phản lực.
Đến giữa năm 1946, XB-45 cùng với Convair XB-46 đã gần hoàn thành, còn những đối thủ là Boeing XB-47 và Martin XB-48 thì chưa. Không quân Mỹ đã chọn hai mẫu thiết kế đầu tiên để đánh giá và xác định máy bay nào sẽ được đưa vào hoạt động.
Chiếc B-45 đã chứng minh là một thiết kế cao cấp, vì vậy hợp đồng sản xuất B-45A được ký kết vào ngày 2/1/1947, nó được lên kế hoạch cung cấp cho 5 phi đội ném bom hạng nhẹ và 3 phi đội trinh sát (phiên bản B-45A).
Nhưng khi B-47 chính thức ra mắt, tương lai của B-45 trở nên không chắc chắn. Đến giữa năm 1948, Không quân Mỹ bắt đầu đặt câu hỏi về giá trị của B-45. Ngay sau đó, những hạn chế ngân sách do Tổng thống Truman ban hành khiến chương trình sản xuất B-45 bị giảm xuống còn 142 khung máy bay.
Việc cắt giảm ngân sách tiếp tục vào năm 1950, buộc hủy 51 chiếc trong tổng số 190 khung đã đặt hàng. B-45 sau đó bị thay thế bằng máy bay ném bom siêu âm Convair B-58 Hustler.
Bản vẽ chi tiết bên trong của B-45A
Chiếc B-45 Tornado đầu tiên vào biên chế Lực lượng Chỉ huy Không quân Chiến lược từ tháng 11/1948 và chiếc cuối cùng nghỉ hưu trong năm 1959. Không quân Mỹ sử dụng tổng cộng 142 chiếc B-45 gồm nhiều biến thể khác nhau.
Chương trình B-45 bao gồm 3 máy bay thử nghiệm XB-45 (một chiếc trở thành phiên bản tiền sản xuất), 96 chiếc B-45A (một số trong đó mang tên B-45A-5 vì được cải tiến trong sản xuất), 10 chiếc B-45C và 33 chiếc RB-45C.
Các máy bay này được lắp ráp bởi North American Aviation, Incorporated, Inglewood, California, (hầu hết chế tạo trong một cơ sở cũ của Douglas đặt tại Long Beach, California).
B-45 phục vụ tích cực trong Chiến tranh Triều Tiên với vai trò máy bay do thám (phiên bản RB-45C). Trong Chiến tranh Lạnh, RB-45C thực hiện nhiệm vụ thâm nhập sâu để thu thập hình ảnh tình báo. Phiên bản này trở thành tiền thân của nhiều máy bay do thám, trong đó có cả U-2 Dragonfly và SR-71 Blackbird.
Máy bay do thám RB-45C
Mặc dù sở hữu nhiều chức năng thứ cấp có giá trị nhưng B-45 vẫn
không đáp ứng được kỳ vọng của Không quân Mỹ. Tuy bị cho nghỉ hưu khá sớm nhưng B-45 vẫn giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử hàng không với vai trò máy bay ném bom phản
lực đầu tiên.
Các phiên bản của
B-45 Tornado
XB-45
XB-45 cất cánh ngày 17/3/1947 ở sân bay Muroc Army. Có tổng cộng 131 chuyến bay thử nghiệm được thực hiện với 3 nguyên mẫu XB-45, trong đó có một chiếc bị tai nạn, làm thiệt mạng 2 phi công.
Nguyên mẫu đầu tiên XB-45 (c/n 45-59479)
Không quân Mỹ chấp nhận 2 chiếc XB-45 vào năm 1948, một chiếc bị hư hỏng
không thể sửa chữa khi gặp tai nạn. Chiếc XB-45 cuối cùng đã được chuyển tới Căn
cứ không quân Wright-Patterson vào năm 1949. Tuy nhiên có quá nhiều khó khăn để
duy trì bay cho nên nó đã trở thành học cụ, phục vụ công tác huấn luyện dưới mặt đất.
XB-45 (c/n 45-59479) thử nghiệm cất cánh với động cơ rocket đẩy hỗ trợ cất cánh
B-45A
B-45A khác với XB-45 ở chỗ được trang bị ghế phóng, thiết bị thông tin liên lạc, hệ thống điều khiển bay tự động E-4 và radar dẫn đường/ném bom AN/APQ-24. Chiếc B-45A thứ nhất (c/n 47-001) bay vào tháng 2/1948, Không quân Mỹ đã nhận 22 chiếc B-45A trong tháng 4/1948.
B-45A sử dụng động cơ phản lực J35, mặc dù đã vào biên chế nhưng nó vẫn chưa sẵn sàng chiến đấu, chỉ sử dụng trong nhiệm vụ đào tạo và tiến hành các chương trình thử nghiệm khác nhau. Các đợt sản xuất tiếp theo được trang bị động cơ J47 mạnh mẽ hơn.
Chiếc B-45A đầu tiên làm nhiệm vụ chiến đấu từ tháng 11/1948, nó thuộc Phi đội ném bom số 47, có 96 chiếc hoàn thành tính đến tháng 3/1950.
Những chiếc B-45A-5 của Phi đội ném bom số 47
55 chiếc B-45A có khả năng tấn công hạt nhân bay đến Anh
vào năm 1952. Chúng được sửa đổi với một bình nhiên liệu 4.542 lít ở khoang chứa
bom phía sau. Mặc dù có vấn đề về kỹ thuật nhưng đây là những
máy bay răn đe hạt nhân đầu tiên hoạt động ở ngoài chiến tuyến châu Âu của Lực
lượng Chỉ huy Không quân Chiến thuật.
Tổng cộng 96 máy bay B-45A đã được sản xuất (c/n 47-001 - c/n 47-097), bao gồm: B-45A-1: c/n 47-001 - c/n 47-022 (21 máy bay); B-45A-5: c/n 47-023 - c/n 47-096 (73 máy bay) và B-45A: c/n 47-097 (khung thử nghiệm tĩnh).
Chiếc B-45A-5 (c/n 47-096) có tên JB-45A được dùng để thử nghiệm động cơ Westinghouse J34
B-45B
Phiên bản nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực từ B-45A, không có chiếc nào xuất xưởng.
B-45C
Đây là máy bay ném bom phản lực đầu tiên trên thế giới có khả năng tiếp nhiên liệu trên không, nó mang 2 thùng nhiên liệu phụ dung tích 4.542 lít ở đầu cánh và một cửa tiếp nhiên liệu trên lưng.
B-45C thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 3/1949. Chỉ có 10 chiếc được chế tạo cho nhiệm vụ ném bom (c/n 48-001 đến c/n 48-010), còn lại 33 chiếc chuyển đổi sang RB-45C.
Máy bay ném bom B-45C (c/n 48-010)
RB-45C
Đây là phiên bản sản xuất cuối cùng của B-45 Tornado và được sử dụng làm máy bay do thám thay vì ném bom. Nắp buồng ngắm bom của sĩ quan hoa tiêu được thiết kế lại, thay thế bằng một hệ thống camera chụp nghiêng.
Máy bay do thám RB-45C (c/n 48-017)
RB-45C mang 2 thùng nhiên liệu phụ 810 lít hoặc 2 rocket hỗ trợ cất cánh JATO. Nó mang tới 12 máy ảnh trong 4 vị trí, hoặc một máy ảnh duy nhất với ống kính có tiêu cự 2,5 m. RB-45C bay lần đầu tiên vào tháng 4/1950, được chuyển giao từ tháng 6/1950 đến tháng 10/1951, có 33 chiếc chuyển đổi từ B-45C (c/n 48-011 - c/n 48-043).
Các thiết bị do thám và máy chụp hình trên RB-45C
Thông số kỹ thuật cơ bản của North American B-45 Tornado
Phi hành đoàn: 4 người; Chiều dài: 22,96 m; Sải cánh: 27,14 m; Chiều cao: 7,67 m; Diện tích cánh: 104,5 m2; Trọng lượng cất cánh tối đa: 49.900 kg.
Động cơ: 4 động cơ phản lực General Electric J47-GE-13 lực đẩy 25 kN mỗi chiếc; Tốc độ tối đa: 920 km/h; Tầm hoạt động: 1.610 km; Trần bay: 14.100 m; Tốc độ leo cao: 1.810 m/phút.
Vũ khí: 2 súng máy 12,7 mm M3; 10.000 kg bom (có khả năng mang bom hạt nhân chiến thuật Mark 7).