Martin XB-51 - Máy bay ném bom 3 động cơ phản lực kỳ lạ của Mỹ

ĐTN |

Martin XB-51 là chiếc oanh tạc cơ được thiết kế nhằm đáp ứng yêu cầu ném bom ở độ cao thấp và hỗ trợ cận chiến cho Không quân Lục quân Mỹ.

Thiết kế mang tính đột phá

Ban đầu chiếc oanh tạc cơ trên được chỉ định dưới tên gọi XA-45 vào năm 1945. Chữ "A" phân loại nhóm máy bay tấn công mặt đất sau đó bị loại bỏ và thay thế bằng chữ "B" dành cho dòng máy bay ném bom, nó được đổi tên thành XB-51.

Martin XB-51 - Máy bay ném bom 3 động cơ phản lực kỳ lạ của Mỹ - Ảnh 1.

XB-51 trong một chuyến bay thử nghiệm, có thể thấy động cơ J47 thứ 3 nằm ở phía sau đuôi máy bay với cửa hút khí nằm trên sống lưng

XB-51 có thiết kế không chính thống gồm 3 động cơ phản lực General Electric J47 lắp ở 2 cánh chính trong vỏ bọc và phía đuôi máy bay, nó cũng được trang bị kiểu cánh thay đổi theo góc tới (Variable-Incidence Wing) với góc quét về sau 35° và nghiêng 6° với cánh tà trước và cánh tà sau kiêm cả nhiệm vụ cánh liệng, sự kết hợp trên cho quãng đường cất cánh ngắn hơn.

Martin XB-51 - Máy bay ném bom 3 động cơ phản lực kỳ lạ của Mỹ - Ảnh 2.

XB-51 nhìn từ phía trước, có thể thấy cánh chính thay đổi theo góc tới (Variable-Incidence Wing) ngóc lên phía trên khoảng 6 độ cùng với càng đáp song song và 2 càng đáp phụ ở đầu cánh

Martin XB-51 còn được bổ sung 4 động cơ rocket hỗ trợ cất cánh với lực đẩy 4,24 kN mỗi chiếc, có thể gắn vào thân sau máy bay để cải thiện hiệu suất cất cánh.

Martin XB-51 - Máy bay ném bom 3 động cơ phản lực kỳ lạ của Mỹ - Ảnh 3.

XB-51 thử nghiệm cất cánh quãng ngắn với 4 động cơ rocket đẩy hỗ trợ

Càng đáp chính của XB-51 nằm dọc theo thân tương tự như B-47 Stratojet, có thêm 2 càng đáp phụ ở đầu cánh (ban đầu được thấy trên một chiếc B-26 Marauder cải tiến tên là "Middle River Stump Jumper"). XB-51 có kích thước lớn nhưng khí động học "sạch", vì hầu hết các hệ thống chính đều nằm trong thân. 

Chiếc máy bay có khoang chứa bom quay được, đây là thiết kế độc quyền của Martin. Bom cũng có thể mang ở giá treo ngoài với tải trọng tối đa 4.700 kg, mặc dù các nhiệm vụ cơ bản quy định chỉ cần mang theo 1.814 kg bom. Bên cạnh đó 8 khẩu pháo 20 mm gắn trong mũi có thể cài đặt trong máy bay sản xuất.

Martin XB-51 - Máy bay ném bom 3 động cơ phản lực kỳ lạ của Mỹ - Ảnh 4.

Khoang chứa bom quay được của XB-51

Buồng lái của XB-51 có hình bong bóng tương tự máy bay chiến đấu và được trang bị SHORAN (Short-Range Navigation and Bombing System/ Hệ thống dẫn đường tầm ngắn và chỉ thị ném bom).

Hoa tiêu ngồi trong khoang nằm thấp hơn ở phía sau buồng lái (chỉ có một cửa sổ quan sát nhỏ). Cả hai thành viên phi hành đoàn được cung cấp một môi trường điều áp và trang bị ghế phóng do Martin thiết kế. XB-51 cũng là máy bay đầu tiên của Martin lắp ghế phóng thoát hiểm.

Martin XB-51 - Máy bay ném bom 3 động cơ phản lực kỳ lạ của Mỹ - Ảnh 5.

XB-51 từ trên xuống, có thể thấy buồng lái nằm dưới nắp cabin hình bong bóng và ô cửa sổ của hoa tiêu ở phía sau

Quá trình hoạt động

Nguyên mẫu XB-51 đầu tiên (c/n 46-685) cất cánh vào ngày 28/10/1949. Năm 1950, Không quân Mỹ đã đưa ra yêu cầu mới dựa trên kinh nghiệm chiến tranh Triều Tiên cho một máy bay ném bom đêm/thâm nhập sâu để thay thế cho A-26 Invader.

XB-51 tham dự cuộc thi cùng với Avro CF-100 của Canada và Electric Canberra của Anh; Canberra cùng với XB-51 được chọn để đấu thầu.

Ưu điểm của XB-51 là rất cơ động ở độ cao thấp và nhanh hơn đáng kể so với Canberra (khả năng đổi hướng ngoặt gấp của XB-51 nhanh hơn hầu hết máy bay chiến đấu thời đó).

Tuy nhiên nó chỉ chịu được quá tải 3,67G, nghèo nàn hơn đáng kể hơn so với Canberra (sau này được chứng minh là yếu tố quyết định). Ngoài ra càng đáp chính của XB-51 được cho là không phù hợp với yêu cầu xuất kích từ các sân bay dã chiến.

Cuối cùng Canberra đã được tuyên bố giành chiến thắng. Tuy nhiên Martin không kết thúc như người thua cuộc vì họ được lựa chọn để chế tạo 250 chiếc Canberra dưới tên gọi B-57A. Hơn nữa, thiết kế khoang chứa bom của Martin còn được áp dụng trên B-57.

Martin XB-51 - Máy bay ném bom 3 động cơ phản lực kỳ lạ của Mỹ - Ảnh 6.

Hai nguyên mẫu XB-51

Một đề xuất có tên gọi B-57 Super Canberra được Martin đưa ra, bao gồm các tính năng của XB-51, chẳng hạn như cánh chính và cánh đuôi vuốt xuôi về sau. Cuối cùng nó đã không được chế tạo, chủ yếu bởi vì đó là thiết kế mới và sẽ phải mất quá nhiều thời gian để đưa vào sản xuất, mặc dù nó hứa hẹn sẽ cho tốc độ và hiệu suất tốt hơn.

Thử nghiệm bay cho mục đích nghiên cứu vẫn tiếp tục sau khi hủy bỏ chương trình. Nguyên mẫu thứ hai (c/n 46-686) cất cánh vào năm 1950, bị rơi vào ngày 9/5/1952 khi hoạt động ở độ cao thấp.

Nguyên mẫu đầu tiên (c/n 46-685) vẫn tiếp tục bay, nó xuất hiện trong phim "Toward the Unknown" dưới tên "máy bay chiến đấu Gilbert XF-120". Chiếc máy bay này bị rơi trong lúc cất cánh ở El Paso, Texas, vào ngày 25/3/1956, sau khi dừng lại tiếp nhiên liệu trên đường đến sân bay Eglin để quay bổ sung một số phân đoạn.

Thông số kỹ thuật cơ bản của XB-51:

Phi hành đoàn: 2 người; Chiều dài: 25,9 m; Sải cánh: 16,2 m; Chiều cao: 5,3 m; Diện tích cánh: 50,9 m2; Trọng lượng cất cánh tối đa: 28.330 kg.

Động cơ: 3 động cơ phản lực General Electric J47-GE-13; Tốc độ lớn nhất: 1.040 km/h; Tầm hoạt động: 1.730 km; Trần bay: 12.300 m; Tốc độ leo cao: 35,5 m/phút.

Vũ khí: 8 pháo 20 mm Pontiac M39A1 với 1.280 viên đạn; 8 quả rocket HVAR; 4.500 kg bom hoặc 5 quả rocket HVAR trong thân máy bay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại