Những cường kích chi viện không quân trực tiếp mạnh nhất thế giới

Nguyễn Tiến |

Dù hàng thập kỷ trôi qua kể từ khi ra đời, những cường kích này vẫn giữ nguyên sức mạnh và khả năng hỗ trợ hiệu quả cho tác chiến mặt đất.

Cường kích chi viện không quân trực tiếp, còn gọi là hỗ trợ mặt đất bám sát (CAS) là loại chiến cơ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ chiến thuật và được dùng lần đầu tiên trong Thế chiến II.

Chúng vốn có tốc độ chậm chạp, giáp dày và dù công nghệ phản lực giúp chúng di chuyển với tốc độ nhanh hơn, các cường kích loại này vẫn khá chậm so với các loại tiêm kích hiện đại.

Nhưng các cường kích chi viện không quân trực tiếp vẫn đóng vai trò quan trọng trong lực lượng không quân.

Nhà báo Andrei Kotz cho biết, từ kinh nghiệm của những cuộc xung đột trong nửa sau thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, “những chiến cơ đơn giản, chậm chạp và khiêm tốn này vẫn có thể thực hiện được những nhiệm vụ mà nhiều chiến cơ tiên tiến, đắt tiền và hiện đại không thể làm được”.

Sukhoi Su-25

Cường kích Su-25 Grach (Đá tảng) cất cánh lần đầu tiên vào đầu năm 1975 và được đưa vào biên chế vào năm 1980. Gần 40 năm sau khi ra mắt, có hơn 1.000 chiếc cường kích Su-25 được chế tạo và con số này tiếp tục tăng lên nhờ vào sức mạnh cũng như khả năng yểm trợ cho lực lượng mặt đất của cường kích này.

"Su-25 được trang bị đầy đủ vũ khí mạnh, bao gồm pháo, các loại bom thường lẫn bom thông minh, tên lửa không đối đất dẫn đường hoặc không dẫn đường. Có tổng cộng 32 loại vũ khí khác nhau có thể trang bị cho cường kích đối đất này, không tính 2 khẩu pháo tự động 30 mm GSh-30-2 được trang bị sẵn”, chuyên gia Kotz viết.

Những cường kích chi viện không quân trực tiếp mạnh nhất thế giới - Ảnh 1.

Cường kích Su-25S3M của Quân khu Phía Nam, quân đội Nga, tham gia huấn luyện. (Ảnh: RIA Novosti)

Buồng lái của Su-25 được trang bị giáp bảo vệ titan có độ dày từ 10 đến 24 mm, hoàn toàn đủ khả năng bảo vệ phi công trước các loại vũ khí hạng nhẹ với cỡ đạn lên đến 12,7 mm và các loại pháo phòng không với cỡ đạn lên đến 30 mm.

Ngoài ra, toàn bộ các hệ thống quan trọng của cường kích được nhân đôi và có lớp giáp titan, khi 1 hệ thống hỏng lập tức có hệ thống dự phòng thay thế.

Nhiệm vụ đầu tiên được giao cho Su-25 là trong chiến dịch của Liên Xô tại Afghanistan vào những năm 1980. Mặc dù sau chiến dịch tại Afghanistan, lực lượng Không quân Liên Xô mất 23 chiếc Su-25 nhưng không một phi công nào hy sinh.

“Có trường hợp Su-25 trở về căn cứ sau chiến dịch với hơn 100 lỗ đạn trên thân. Chiến tranh Afghanistan là nơi ‘hòn đá tảng’ nhận biệt danh ‘xe tăng bay’ của mình”, chuyên gia Kotz cho biết.

Video: Su-25 của Không quân Nga bay huấn luyện

Fairchild Republic A-10 Thunderbolt II

Mỹ phát triển cường kích chi viện không quân trực tiếp A-10 Thunderbolt II, biệt danh Warthog, vào giai đoạn đầu những năm 1970, đến năm 1977 Không quân Mỹ được trang bị loại cường kích này.

Dù ban đầu cường kích A-10 bị Lầu Năm Góc hoài nghi do có tốc độ chậm, cồng kềnh trong khi những tiêm kích F-15 và F-16 mang tính tương lai hơn, song A-10 vẫn được trang bị cho quân đội Mỹ.

Trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991, khoảng 150 chiếc cường kích A-10 Thunderbolt II phá hủy hơn 3.000 phương tiện các loại của Iraq, trong khi đó chỉ có 7 chiếc A-10 bị thiệt hại trong suốt toàn bộ chiến dịch.

Những cường kích chi viện không quân trực tiếp mạnh nhất thế giới - Ảnh 2.

Cường kích A-10 Thunderbolt II của Không quân Mỹ. (Ảnh: Không quân Mỹ)

Mặc dù quân đội Iraq chịu thiệt hại nặng nề và phải rút khỏi Kuwait trước khi bị cường kích A-10 Thunderbolt II tấn công, nhưng sự tàn phá khủng khiếp trên Cao tốc Tử thần bảo vệ danh tiếng của cường kích này. Kể từ đó, cường kích A-10 được triển khai trong các trận chiến có Mỹ tham gia như Nam Tư, Afghanistan, Iraq, Libya và Syria.

“Tính năng chính của Warthog là pháo chính của nó. Cường kích này được trang bị pháo Gatling 7 nòng có khả năng xuyên thủng xe tăng đối phương với đạn 30 mm xuyên giáp hoặc nổ liều cao, mỗi viên đạn nặng khoảng nửa kg.

Mỗi lần bắn là đủ để hạ cả đoàn xe tăng với hàng chục phát đạn găm vào tháp pháo”, chuyên gia Kotz cho biết. Ngoài ra, A-10 còn mang theo cả tên lửa và bom.

Embraer EMB-314 Super Tucano

Mặc dù thống trị trong lĩnh vực chế tạo cường kích chi viện không quân trực tiếp, Mỹ và Nga không phải là quốc gia duy nhất có khả năng chế tạo loại cường kích này. Đầu những năm 2000, hãng Embraer của Brazil bắt đầu sản xuất EMB-314.

Lúc đầu, EMB-314 được thiết kế để trở thành máy bay huấn luyện cỡ nhỏ 2 chỗ ngồi, nhưng sau đó thiết kế này được thay đổi và đạt các yêu cầu của cường kích chi viện không quân trực tiếp.

EMB-314 Super Tucano được bọc giáp Kevlar và được trang bị 2 súng máy cỡ 12,7 mm, đồng thời có khả năng mang theo pháo 20 mm cùng các loại tên lửa và bom.

Những cường kích chi viện không quân trực tiếp mạnh nhất thế giới - Ảnh 3.

Cường kích EMB-314 Super Tucano. (Ảnh: Aeronaves Ágata - Johnson Barros)

Mặc dù EMB-314 Super Tucano không đủ khả năng để gieo rắc nỗi kinh hoàn lên các đoàn xe tăng và giáp Kevlar của cường kích này không đủ khả năng để bảo vệ máy bay trước pháo phòng không, song EMB-314 thể hiện vai trò rất tốt khi thực hiện nhiệm vụ tiễu phỉ.

Cường kích này được sử dụng bởi chính phủ Colombia trong các chiến dịch chống mua túy, và 200 chiếc được Mỹ đặt mua để trang bị cho lực lượng vũ trang Afghanistan chống lại Taliban.

Dassault/Dornier Alpha Jet

Một trong những loại cường kích có đủ điều kiện để đưa vào danh sách này là Alpha Jet, máy bay huấn luyện và cường kích hạng nhẹ được chuyển thành cường kích chi viện không quân trực tiếp do các công ty quốc phòng của Đức và Pháp phát triển trong những năm 1970, ra mắt vào năm 1977.

Những cường kích chi viện không quân trực tiếp mạnh nhất thế giới - Ảnh 4.

Cường kích Alpha Jet. (Ảnh: Tim Felce)

Cường kích này được 14 quốc gia sử dụng, có khả năng tiêu diệt cả các mục tiêu đứng yên lẫn di chuyển và cung cấp hỏa lực yểm trợ trực tiếp cũng như trinh sát. Động cơ của Alpha Jets có khả năng chịu tải cao giúp cường kích này mang theo lượng lớn vũ khí như pháo 30 mm DEFA 553 hoặc 2 súng máy 12,7 mm với 4 quả bom trên cánh.

Đức thanh lý toàn bộ 93 chiếc Alpha Jet vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng nhiều quốc gia thành viên NATO khác như Bỉ, Canada, Pháp, Bồ Đào Nhà và Anh, cũng như một số nước ở châu Phi, châu Á và Trung Đông hiện vẫn sử dụng cường kích này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại