“Chiến tranh đà điểu”
Năm 1932, một thảm họa xảy ra với nông dân Úc - một đàn đà điểu emu, có ít nhất 20.000 con định cư trên vùng đất của họ và đe dọa phá hoại toàn bộ vụ lúa mì. Quân đội đã phái hai trung đoàn do thiếu tá Meridit chỉ huy giúp dân “dẹp giặc”.
Ấn tượng đầu tiên là các con đà điểu emu có khả năng tuyệt vời về chiến tranh du kích. Chúng không muốn tụ tập, thích phân tán trên khắp các cánh đồng, đồng thời, chúng chạy nhanh, việc tiếp cận chúng ở khoảng cách nào đó không hề đơn giản.
Sau khi rượt đuổi đà điểu trên các cánh đồng không hiệu quả, Meridit quyết định thay đổi chiến thuật - phục kích và dụ những chú chim khổng lồ này đến một con đập địa phương. Sau một thời gian, người ta thấy một nhóm khoảng một ngàn emu lũ lượt kéo đến.
Khi chúng đến rất gần, Meridit ra lệnh: Bắn! Súng máy hỏng, những chú đà điểu chạy tán loạn. Meridit thất vọng đã ra lệnh dùng một khẩu súng máy tốt khác mang lên xe tải và bắn emu khi đang di chuyển, như trong một bộ phim về bọn xã hội đen.
Nhưng, trớ trêu thay, những con đà điểu vượt qua chiếc xe tải một cách dễ dàng, và để thực hiện một cú bắn chính xác từ một chiếc xe lắc lư trên cánh đồng là điều gần như không thể. Cuộc rượt đuổi kết thúc với chiếc xe tải lao vào hàng rào và bị hỏng. Meridit không còn cách nào khác ngoài thừa nhận thất bại và trở về nhà với sự xấu hổ.
"Chiến tranh lợn"
Vào những năm 50 của thế kỷ XIX, Mỹ và Anh đã tranh giành đảo San Juan. Ngày 15/6/1859, Lyman Cutler người Mỹ sống ở đó đã nhìn thấy một con lợn từ người hàng xóm của mình là Griffin người Ailen, làm hỏng giường của anh ta.
Không suy nghĩ lâu, Cutler chộp lấy khẩu súng và bắn con lợn tội nghiệp. Sau khi trấn tĩnh, người Mỹ đã đến nhà hàng xóm của mình trình bày và đề nghị bồi thường 10 USD cho thiệt hại. Griffin đòi 100 USD. Cuộc cãi vã bắt đầu, những người bạn của hai bên tranh cãi kéo đến nơi xảy ra to tiếng, và rồi lính Mỹ và Anh cũng đến.
Chuẩn tướng William Harney đáp xuống San Juan cùng với 66 binh sĩ. Người Anh cho rằng người Mỹ quyết định chiếm lấy toàn bộ hòn đảo, nên gửi ba tàu để giúp đỡ Griffin và đồng đội của anh ta.
Đến ngày 10/8, 461 người Mỹ với 14 khẩu pháo và 2.140 người Anh với 167 khẩu pháo tàu gườm gườm nhau với sự thù địch dữ dội. Mọi người chửi rủa, nhổ nước bọt, tỏ ra kinh bỉ đối phương, nhưng không bên nào bắn.
Số phận của cuộc chiến lợn này đã được quyết định khi vụ việc đến tai Washington và London. Tổng thống Mỹ Buchanan và Thống đốc Douglas đại diện người Anh đã gặp nhau trên một hòn đảo trung lập và xoa dịu vụ việc.
Tranh chấp đã được giải quyết bởi trọng tài quốc tế là Hoàng đế Đức William I, người vào năm 1872 đã quyết định trao hòn đảo cho Mỹ. Như vậy, "cuộc chiến lợn" kéo dài 13 năm, được giải quyết tại tòa án, và con lợn không may đã trở thành nạn nhân duy nhất của nó.
Chiến tranh bánh kẹo
Cuộc chiến bánh kẹo Mexico - Pháp bắt đầu với những vụ cướp thông thường. Vào năm 1828, những kẻ cướp bóc Mexico đã tổ chức một vụ cướp ở Mexico, trong đó một cửa hàng bánh kẹo thuộc công ty Remontel của Pháp đã bị cướp phá. Người Pháp sau khi tính toán thiệt hại và đánh giá ở mức 60.000 peso, đã yêu cầu các quan chức Mexico bồi thường.
Theo người Mexico, số tiền này đã bị thổi phồng ít nhất 100 lần và họ đã từ chối thỏa mãn yêu cầu của Remontel. Khẩu chiến kéo dài 10 năm; cuối cùng, Remontel phải quay sang nhà vua Pháp lúc đó là Louis-Philippe để cậy nhờ.
Ông vua đã ước tính tổng thiệt hại tài sản cho đối tượng của mình, đã tăng số tiền thiệt hại lên 600.000 peso, yêu cầu chính phủ Mexico thanh toán.
Khi người Mexico từ chối trả tiền, nhà vua Pháp đã phái một đội tàu chiến đến bờ biển Mexico vào mùa xuân năm 1838 phong tỏa cảng Veracruz, cho rằng đó là cảng thương mại lớn nhất của Mexico, sự phong tỏa của nó sẽ ảnh hưởng nền kinh tế của nước này. Nhưng những người Mexico cứng đầu vẫn không chịu trả tiền.
Các cuộc đàm phán kéo dài mấy tháng, kết quả là quân đội Pháp sự chiếm giữ cảng và Mexico tuyên chiến với Pháp. Mọi chuyện kết thúc vào năm 1839, khi người Mexico đồng ý trả số tiền được yêu cầu cho người Pháp. Chỉ sau đó, quân đội Pháp rút khỏi lãnh thổ Mexico.
Chiến tranh Anh-Zanzibar
Cuộc chiến của Đế quốc Anh và Vương quốc Zanzibar năm 1896, kéo dài đúng 38 phút. Lý do cho cuộc chiến bất thường này là sau cái chết của người anh em họ, Khalid ibn Bargash tuyên bố mình là Quốc vương Zanzibar.
Trong khi đó, người Anh có ứng cử viên riêng cho vị trí này, và họ khăng khăng yêu cầu từ Khalid thoái vị. Nhưng Khalid đã cho thấy sự kiên trì bằng cách thu thập một đội quân gồm 2800 người và bố trí xung quanh cung điện.
Người Anh đã phản ứng rất nghiêm khắc - đưa ra tối hậu thư cho Quốc vương, cảnh báo Khalid tuyên bố chiến tranh và đưa hai tàu tuần dương bọc thép và ba pháo hạm tới bờ biển Zanzibar.
Chống lại họ gồm có một du thuyền, hai tàu dài và pháo binh ven biển gồm súng thần công thế kỷ 17, hai khẩu súng 12 pound và một cặp súng máy Macxim. Tối hậu thư hết hạn lúc 9:00 ngày 27/8/1896. Đúng vào thời điểm đó, các tàu Anh đã nổ súng từ biển bắn cung điện của Quốc vương.
Sau nhiều đòn tấn công, toàn bộ hạm đội Zanzibar bị chìm, và cung điện biến thành đống đổ nát phủ khói lửa. Đô đốc người Anh Rawlings tiếp tục pháo kích cho đến khi lá cờ Zanzibar bị bắn hạ từ cột cờ của cung điện của nhà vua.
Đến lúc này, tất cả những người lính do Khalid chỉ huy, đã bỏ trốn. Tổng cộng, người Anh đã tốn khoảng 500 quả đạn pháo, 4100 viên đạn súng máy và 100 viên đạn súng trường. Phía Zanzibar, 570 người đã chết; phía người Anh - 1 sĩ quan bị thương nhẹ.
Chiến tranh vì Google Maps
Giữa Costa Rica và Nicaragua có một dải đất hẹp, trong hơn 100 năm qua là nguyên nhân của vụ tranh chấp giữa hai quốc gia Trung Mỹ láng giềng này. Chính phủ của hai nước đã tiến hành các cuộc đàm phán kéo dài về vấn đề này, nhưng không thể đưa ra giải pháp cho vấn đề làm hài lòng tất cả mọi người.
Vào năm 2008, Google Maps đã bất ngờ lấy và ghi lãnh thổ này thuộc Nicaragua trên bản đồ của mình. Người Nicaragua cho đây là lý do hợp lý để chiếm khu đất tranh chấp, ngay lập tức chuyển biên giới và chuyển các đơn vị quân đội của họ đến lãnh thổ tranh chấp.
Về phần mình, Costa Rica - nước không có quân đội - đã tập hợp các đơn vị cảnh sát gần biên giới Nicaragua, dự định đánh đuổi những kẻ xâm lược khỏi vùng đất mà họ coi là do tổ tiên họ để lại.
May mắn thay, đại diện Google Maps kịp thời gặp và xin lỗi cả hai quốc gia, giải thích rằng những người vẽ bản đồ chỉ đơn giản là đã phạm sai lầm bằng cách di chuyển biên giới vài km. Sau khi nghe lời xin lỗi, người Nicaragua đã khăng khăng từ chối rút quân trở lại.
Kết quả là, họ vẫn chiếm giữ dãi đất đó, và tranh chấp lãnh thổ giữa hai quốc gia vẫn tiếp tục, mặc dù không có chiến tranh bằng súng đạn.