Những "cung bậc cảm xúc" của Apple dưới thời Tim Cook và Steve Jobs

Hoa Hướng Dương |

Được cho là người kế nhiệm hoàn hảo của Steve Jobs, ta hãy cùng nhìn lại sự thay đổi của Apple dưới thời CEO Tim Cook.

Khi nhắc tới Apple hay iPhone, dường như cái bóng quá lớn từ sự tỏa sáng của Steve Jobs khiến người ta cảm thấy người kế nhiệm sau này là Tim Cook như "mờ nhạt" hẳn đi.

Thế nhưng điều đó không có nghĩa là "iPhone của Tim Cook" bị "iPhone của Steve Jobs" làm lu mờ và không phải ngẫu nhiên mà Steve Jobs lại bổ nhiệm Tim Cook thay thế mình tiếp quản tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Đầu tiên, người ta ít biết và thậm chí cảm thấy bí ẩn đối với Tim Cook khi ông lần đầu tiên chính thức tiếp quản vai trò CEO của Apple sau khi Jobs mất.

Những cung bậc cảm xúc của Apple dưới thời Tim Cook và Steve Jobs  - Ảnh 1.

Apple đã thay đổi thế nào dưới thời hai CEO. Ảnh Laptop Mag.

Trước đó, dù cho Tim Cook đã 4 lần tiếp quản vị trí này (tạm thời) trong những lần Steve Jobs gặp vấn đề về sức khỏe hay phải phẫu thuật và có tới 13 năm phục vụ Apple nhưng giới truyền thông lại có rất ít thông tin về vị CEO này.

Phải chăng cái bóng của Steve Jobs đã làm cho Tim Cook bị lu mờ hay tài năng của vị CEO này không nổi trội và có thể sánh bằng Steve Jobs? Để có câu trả lời thỏa đáng, hãy cũng phân tích tỉ mỉ về con người và Apple dưới "triều đại" của hai vị CEO:

Sự khác biết về tính cách của 2 vị CEO Apple

Nếu Steve Jobs nổi tiếng trong công ty là một người khó tính, quyết liệt, hay quát tháo nhân viên của mình và sẵn sàng sa thải cấp dưới ngay trong... thang máy thì Tim Cook lại là một người khá tĩnh lặng, ít khi quan hệ với cấp dưới và luôn điềm tĩnh, lạnh lùng, ít bộc lộ cảm xúc.

Nhưng chính cái sự im lặng ấy đôi khi lại khiến cấp dưới cảm thấy áp lực và nặng nề không kém dưới thời của Steve Jobs. Những nhân viên trong công ty dù được cho là cứng đầu cứng cổ cũng phải kiêng nể Tim Cook không kém gì Steve Jobs.

Tim Cook là người khá kín đáo trong đời sống riêng tư, ông thường đến phòng tập gym khi rãnh rỗi hoặc đạp xe đạp (thần tượng của ông là tay đua xe đạp nổi tiếng Lance Armstrong).

Nếu ở Apple, Steve Jobs là một người luôn nổi bật, tỏa sáng với tính cách mạnh mẽ của mình thì Tim Cook lại luôn âm thầm, lặng lẽ ở trong bóng tối nhưng cả hai đều là những người say mê công việc một cách cuồng nhiệt và cũng không kém phần khó tính với các sản phẩm cũng như cấp dưới.

Steve Jobs gần như chưa bao giờ ăn cơm với nhân viên của mình vào giờ nghỉ giải lao trong khi Tim Cook lại thường xuyên ăn uống và trò chuyện dù đã là CEO chính thức.

Tạp chí Fortune từng mô tả Steve Jobs "là một trong những kẻ có cái tôi to nhất Thung lũng Silicon" hay là "ông sếp cứng rắn nhất nước Mỹ", còn cộng sự Jef Raskin từng làm việc lâu dài với Steve Jobs cho rằng Jobs hoàn toàn có thể trở thành một Napoleon thứ hai.

Hình ảnh của Jobs dưới mắt nhân viên thường được ví như kẻ độc tài, cầu toàn đến mù quáng nhưng rất biết cách thúc đẩy nhân viên tiến lên dù cách của ông có vẻ hơi cay nghiệt với phong cách động viên "cho roi cho vọt" hay "cậu thông mình lắm mà, vậy cậu đã làm được những gì"?.

Trên trang Wall Street Journal từng có một bài phân tích về hai vị CEO của Apple và cho rằng sự khác biệt cơ bản nhất giữa hai người chính là: "Steve là CEO của thời chiến, còn TIM là CEO thời bình".

Không ai có thể phủ nhận công lao mà Jobs đã làm được khi quay lại Apple và hồi sinh công ty từ bờ vực của sự phá sản, vươn lên thành tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Những cung bậc cảm xúc của Apple dưới thời Tim Cook và Steve Jobs  - Ảnh 3.

Apple dưới thời Steve Jobs là một Apple đầy mạo hiểm. Ảnh PinsDaddy.

Nhưng để công ty duy trì vị thế của mình thì có lẽ một tư tưởng mới, một luồng gió mới mà Tim Cook là người kế nhiệm hoàn hảo nhất.

Bên cạnh sự khác nhau về sản phẩm mà cả hai hướng tới thì điều khác biệt lớn mà hai vị CEO này mang lại chính là môi trường làm việc của Apple, Tim Cook đã làm cho Apple trở thành một môi trường năng động, "dễ chịu", nhẹ nhàng và lịch thiệp hơn vị CEO trước mình.

Phong cách làm việc của hai vị CEO cũng rất khác nhau, nếu khi còn đương nhiệm Jobs rất hiếm có chuyện ông đi thăm nhà máy sản xuất của đối tác, thậm chí có lần còn mắng chửi đối tác vì chậm tiến độ (như trường hợp công ty VLSI).

Ông còn lên án những người chê bai sản phẩm Apple, điều này thể hiện đúng tính cách kiêu hãnh vốn có, không chấp nhận sai lầm (như lỗi ăng ten trên iPhone 4) vì ông muốn sản phẩm khi đã tung ra thị trường phải thật hoàn hảo.

Trái lại, Tim Cook lựa chọn một phong thái điềm đạm và thân thiện hơn với cả nhân viên và đối tác, khách hàng như gửi thư cho nhân viên, thường cố gắng trả lời mail của cấp dưới nhanh nhất có thể hay ghé thăm nhà máy của Foxconn, viết thư xin lỗi khách hàng về lỗi bản đồ trên iOS 6.

Sự tương phản tính cách tạo nên một Apple hoàn toàn đối lập

Apple dưới thời Steve Jobs

"Apple của Jobs" là một Apple không hề sợ hãi khi phải đối đầu mạo hiểm (như việc sản xuất iPod hay iPhone) vì Steve Jobs quản nhiệm Apple trong tình thế "không còn gì để mất", "được ăn cả, ngã về không".

Apple cũng là một công ty cứng rắn như chính tính cách của Jobs khi sẵn sàng chèn ép đối thủ (thường đâm đơn kiện các công ty đối thủ như Google, HTC, Motorola và cả Samsung vì cho rằng họ ăn cắp bản quyền sáng chế), Apple đã chọn cách đối đầu không khoan nhượng!

Có thể nói, đế chế mà Steve Jobs xây dựng có phần hơi độc tài và môi trường làm việc của Apple khi đó là rất khắc nghiệt, nhiều người đã phải bỏ cuộc vì không thể thích ứng được sự hà khắc của vị CEO này.

Apple khi đó cũng nằm trong mớ hỗn độn tài chính do sự sự chồng chất về quản lý phòng ban, nhân sự. Steve Jobs thậm chí còn không trả cổ tức cho các cổ đông khi Apple có lãi mà chỉ đến thời Tim Cook thì điều này mới được thực hiện.

Apple dưới thời Tim Cook

Khi Steve Jobs ra đi, người ta cho rằng lỗ hổng quá lớn mà ông để lại ở Apple sẽ không ai có thể lấp đầy hay thay thế được, nhiều người lo ngại rằng Apple sẽ trở lại những ngày tăm tối.

Thế nhưng, Tim Cook cho thấy ông là người xứng đáng với sự đề cử của Steve Jobs chứ không chỉ là cái bóng hay người kế thừa "ngai vàng" của Steve Jobs!

Khi lên nắm quyền CEO, doanh thu của công ty đã tăng gấp 3 lần so với thời của Jobs, chính sách đối ngoại của công ty cũng mềm mỏng hơn, ít chèn ép đối thủ hơn bằng việc cấp phép hoạt động sáng chế để kiếm lời.

Cook còn tái cơ cấu lại toàn bộ hệ thống sản xuất cũng như hệ thống vận hành lưu thông sản phẩm nhằm thay đổi sâu sắc cách thức hoạt động của Apple, điều này giúp tỉ lệ tồn kho của Apple luôn ở mức thấp kỷ lục so với các hãng khác.

Ông thường gửi thư cho nhân viên và gọi họ là "một đội", thể hiện sự gắn kết hơn giữa mọi người, điều mà có lẽ Steve Jobs còn hạn chế hơn.

Những cung bậc cảm xúc của Apple dưới thời Tim Cook và Steve Jobs  - Ảnh 5.

Tim Cook chứng mình mình không phải là cái bóng của vị CEO tiền nhiệm. Ảnh Laptop Mag.

Không chỉ thay đổi cơ cấu bên trong mà người ngoài còn dễ dàng nhận thấy sự thay đổi khi Cook lên nắm quyền CEO như sự thay đổi logo trái táo cắn dở (bằng cách đưa thêm các màu cầu vồng).

Apple còn lấn sâu vào những mảng vốn không phải lợi thế của mình như smartwatch, tivi, thiết bị gia dụng khác... nhưng người ta vẫn thấy ở Apple một cái gì đó mang đậm sự mới mẻ và sáng tạo đặc trưng của "quả táo khuyết".

Một sự khác biệt dưới thời Tim Cook là Apple cũng trở nên độc lập, ít phục thuộc vào đối tác hơn, đồng thời cũng cấp cả thiết bị lẫn dịch vụ như iCloud, Apple Pay, Apple Care, App Store (chiếm tới 12% tổng doanh thu mỗi năm).

Apple còn hướng tới các doanh nghiệp và cùng hợp tác để mở rộng thị trường như hợp tác với IBM hay biến mình thành thương hiệu thời trang (ví dụ: hợp tác với Hermes với sản phẩm là Apple Watch),

Không chỉ doanh nghiệp, Apple còn hướng tới cá nhân, cộng đồng với việc sản xuất xe hơi hay chăm sóc sức khỏe thông qua các sản phẩm của mình. Dường như Cook đang mở rộng khai thác các sản phẩm hơn là đi sâu vào kỹ thuật.

Một điều khác nhau nữa mà CEO đương nhiệm làm khác đi so với CEO tiền nhiệm đó là khởi động lại chương trình từ thiện năm 2011 mà Jobs đã cho dừng lại khi ông quay trở về Apple năm 1997. Điều đó giúp Apple trở thành một công ty có hình ảnh tốt đẹp hơn rất nhiều.

Rõ ràng tính cách đối lập của hai vị CEO đã thay đổi Apple rất nhiều dưới thời của mình, thật khó để nói ai đã làm tốt hơn vì mỗi người đều có điểm cộng và trừ riêng, thế nhưng có thể khẳng định họ đều là những CEO tài ba xuất chúng của Apple.

Bài viết được tổng hợp từ các nguồn: News.zing.vn, Vnreview.vn, Cafef.vn, Fptshop.com.vn, Vnexpress.net

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại