Những chiếc máy bay ma trên đảo Iceland

Minh Hoàng |

Hiếm ai biết rằng, “hòn đảo băng” – Iceland còn được biết đến với cái tên “nghĩa địa của các máy bay quân sự”.

Một buổi chiều lạnh giá năm 1973, Eyrún Sæmundsdóttir, một cư dân quốc đảo Iceland, đang ngồi đan len trong phòng ngủ. Đột nhiên ngoài cửa sổ xuất hiện một chiếc máy bay C-117 của Hải quân Hoa Kỳ từ bầu trời đâm thẳng xuống nông trang của gia đình cô.

Eyrún dõi mắt nhìn theo khi chiếc máy bay bốc cháy cắt xuyên qua những đám mây tối mịt và biến mất sau những đụn cát đen khổng lồ ở cuối đường chân trời.

Tiếng kim loại ma sát với lớp đất bazan kêu lên từng hồi ken két. Nhìn xuống tầng trệt, Eyrún thấy chồng của mình, Einar. Cả hai bất động một hồi, sau đó Einar vứt khối cỏ khô trên tay phóng thẳng về vị trí va chạm.

Gió trời dữ dội cuộn lên thành từng dòng trên mái nhà. Chiếc máy kéo trong nông trang gần hết nhiên liệu nên cả hai quyết định xoay xở cuốc bộ trên nền băng trơn và lạnh cóng đến chỗ cái máy bay rơi ở sông băng Mýrdalsjökull, cách nhà của hai vợ chồng gần 5 km.

Những điểm du lịch "bất đắc dĩ"

Những chiếc máy bay ma trên đảo Iceland - Ảnh 1.

Những gì còn lại của chiếc C-117 gặp nạn trên sông băng Mýrdalsjökull

Ngày nay, chiếc máy bay vẫn nằm đó, trên bãi biển núi lửa hoang vắng với những gò đất đen đặc. Nó chỉ còn trơ mỗi bộ khung xơ xác, những dây điện lơ thơ lộ ra ngoài. Mùa gió khắc nghiệt của vùng biển vùng cực tạo ra những vết xé toạc lớn bên cạnh những vết đạn chi chít trên chiếc khung cũ rích.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ là sau 43 năm, du khách từ khắp nơi trên thế giới bỗng đổ về đây nhằm một lần tận mắt ngắm nhìn những tàn tích còn lại của chiếc C-117. Nó bỗng chốc trở thành một điểm du lịch hút khách trên quốc đảo xa xôi này.

Mọi thứ bắt đầu khi ban nhạc Sigur Rós đến đây và lấy chiếc máy bay làm một phần bối cảnh trong MV ca nhạc Heima của mình. Sau đó, nó đã làm các nhiếp ảnh gia chú ý rồi đổ xô tới đây chụp ảnh. Thậm chí, nó còn là địa điểm chụp ảnh cưới cho rất nhiều cặp đôi.

Justin Bieber cũng từng thực hiện một MV âm nhạc với bối cảnh quanh xác chiếc máy bay. MV này thu hút gần 200 triệu lượt xem.

Hằng ngày, khu vực này có gần 100 du khách sử dụng định vị GPS, đi bộ hơn 4 km từ trục đường chính đến vị trí hẻo lánh này chỉ nhằm thăm quan chiếc máy bay trơ xương. Người ta có thể thấy tên của nhiều du khách Moldova và Mexico được khắc lên vỏ thân bên ngoài. Chiếc máy bay giờ đã trở thành một biểu tượng du lịch của Iceland.

Hiếm ai biết rằng, đây cũng là một địa danh ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Hằng năm, các đội cứu hộ vẫn phải làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn các trường hợp máy bay mất tích hoặc du khách gặp tai nạn tại vùng biển quanh điểm va chạm.

Vụ tai nạn năm 1973 đến nay vẫn còn gây tranh cãi, mặc dù phi hành đoàn đều còn sống. Giả thiết phổ biến nhất là máy bay hết nhiên liệu do phi công chuyển đổi sai bình chứa. Đây là một lỗi thường gặp trên dòng máy bay C-47/C-117 và DC-3.

Đa số các nguồn tin khẳng định nó rơi xuống bờ biển Iceland ngày 24-11, nhưng các tờ báo địa phương lại cho rằng nó xảy ra sớm hơn thời điểm đó vài ngày.

Nhà báo Eliot Stein đã có một chuyến đi thực tế đến Iceland tháng 12-2016 vừa rồi. Sau khi thu thập các thông tin quân sự công khai và hỏi thăm cộng đồng 300 người dân ở đây, ông làm sáng tỏ một vài chi tiết về vụ tai nạn năm 1973.

Ngày 21-11-1973, Đại úy phi công Hoa Kỳ James Wicke điều khiển một máy bay C-117 đến căn cứ Hải quân ở Anh. Lúc bay qua vùng trời Iceland, nhiệt độ là -10°C, gió vùng cực thổi tạt ngang thân máy bay với tốc độ xấp xỉ 100 km/giờ, hai yếu tố này đã làm bộ điều khí động cơ của chiếc C-117 đóng băng.

Mặc cho sự cố gắng của phi công, hai động cơ của chiếc máy bay bắt đầu đóng băng và dừng hoạt động. Bầu trời lúc ấy dày đặc sương mù, đến nỗi 5 hành khách ở khoang sau còn không nhìn thấy được cánh máy bay qua cửa sổ. Chỉ có một điểm duy nhất giúp họ nhận ra rằng tình hình bắt đầu tồi tệ, đó là khi âm thanh cánh quạt của hai động cơ đã tắt lịm.

Máy bay bắt đầu rơi khi đến vùng trời Vatnajökull, sông băng lớn nhất Châu Âu. Nó lao thẳng xuống mặt đất từ độ cao 1.500 m. Wicke liên tục gửi tín hiệu cầu cứu (Mayday) và hoảng hốt cố gắng khởi động lại động cơ. Đó là một ngày trước lễ tạ ơn, và tất cả mọi người trên chiếc C-117 đều nghĩ rằng hôm nay là ngày tận số.

Lúc này, trung úy phi công thực tập Gregory Fletcher, 26 tuổi, mới có 21 giờ bay trên chiếc C-117, đã nắm quyền điều khiển.

Anh quyết định bẻ lái máy bay về hướng nam và cố gắng cho nó hạ cánh xuống nước. Mùa đông trên biển Bắc Cực chỉ mất có 15 giây để làm một người bình thường mất hẳn thân nhiệt khi tiếp xúc với nước. Tuy nhiên, nếu để máy bay đâm xuống đảo, chắc chắn tất cả sẽ chết ngay lập tức.

Khi máy bay xuyên qua lớp mây ở độ cao khoảng 750 m, Fletcher nhận ra bờ biển mình sắp đáp xuống y như bề mặt của mặt trăng. Anh dần dần hạ độ cao, cố gắng để máy bay song song với bờ biển và cho nó đáp thẳng xuống bãi cát đen. Chiếc máy bay trượt dài 40 m và ra khỏi bờ gần 30 m mới chịu dừng hẳn.

Động cơ chiếc C-117 bị cong và vỡ, bình nhiên liệu bị rò rỉ, nhưng may mắn không có thành viên nào bị thương. Hành động dứt khoát của Fletcher đã cứu mọi người. Sau này anh còn kể vùng biển anh đáp là đường băng "mượt" nhất mà anh từng đáp.

Những chiếc máy bay ma trên đảo Iceland - Ảnh 2.

Ảnh do Hải quân Hoa Kỳ chụp chiếc máy bay trước khi bị tháo dỡ.

Mọi người di tản ra ngoài trong khi Trung sĩ điều phối Vernon Romskog cố gắng tìm kiếm bộ dụng cụ sinh tồn còn Wicke xoay xở với cái máy vô tuyến khẩn cấp có từ thời Thế chiến thứ hai.

"Nó cứ như trong phim của John Wayne vậy" Wicke kể lại. "Nó có một cái ăng ten và dây nối với một cái diều, nhưng vấn đề chính là do quá lâu không dùng nên bị ăn mòn cả ". 1 tiếng đồng hồ sau, trực thăng của Không quân cuối cùng cũng tìm thấy họ.

Khi Einar và Eyrún đến được vị trí xảy ra tai nạn, tổ lái đã được trực thăng đưa đi, Không quân Hoa Kỳ bắt đầu tháo dỡ cánh và các thiết bị điều khiển rồi dùng cần cẩu cẩu động cơ đi. Để lại bộ khung nặng 4,5 tấn. Chẳng ai nói gì với họ điều gì vừa xảy ra.

Einar cảm thấy khá bất ngờ khi gia đình mình đột nhiên được thừa kế một chiếc máy bay hai động cơ. Không thể kéo nó về, ông dùng nó làm nhà kho chứa đồ lỉnh kỉnh, sau đó lại mời một số người bạn đến dùng súng bắn lên cái khung thân để tiêu khiển. Một thời gian sau, nó bị lãng quên và bị thiên nhiên tàn phá trơ trụi.

Vùng đất của xác máy bay quân sự

Những chiếc máy bay ma trên đảo Iceland - Ảnh 3.

Mỗi năm có hàng trăm du khách nước ngoài đi tìm xác của những chiếc máy bay rơi trên đảo Iceland vì tò mò và thích thú.

Trên Iceland còn hàng tá máy bay khác với nhiều chủng loại nằm rải rác khắp nơi. Nhưng chiếc C-117 rơi ở bãi biển Mýrdalsjökull nổi tiếng nhất vì vị trí rơi của nó có khung cảnh "độc" và "đẹp", thường được các đoàn làm phim tận dụng.

Iceland được mệnh danh là tam giác Bermuda của máy bay quân sự Hoa Kỳ. Hòn đảo chỉ có diện tích bằng bang Kentucky này là nơi máy bay Hoa Kỳ gặp tai nạn nhiều hơn bất cứ đâu trên Trái Đất.

Theo thống kê của Không quân và Hải quân, từ năm 1941-1973, đã có 385 máy bay quân sự Hoa Kỳ gặp tai nạn ở Iceland. Tức là cứ 31-33 ngày là có một vụ tai nạn xảy ra ở đây.

"Bạn phải hiểu rằng khí hậu ở Iceland rất khắc nghiệt," Fletcher nói. "Nó có thể thay đổi vô cùng nhanh chóng hơn bất cứ nơi nào trên Trái Đất, trừ vùng cực, đó là lý do tại sao ta không thường xuyên bay ở vùng cực".

Khi sự cố xảy ra, quân đội Hoa Kỳ thường đến thu dọn những gì còn dùng được. Mớ bừa bộn còn lại họ để cho những cư dân Iceland "tự xử".

Theo nhân viên đại diện của lực lượng phòng thủ Hoa Kỳ trên đảo Iceland Friðþór Eydal, có một thỏa thuận giữa chính phủ hai quốc gia rằng Hoa Kỳ sẽ trả 85% chi phí cho việc dọn dẹp máy bay gặp tai nạn ở đây, còn chính quyền Iceland phải tự đảm nhận công việc ấy.

Eydal nói, "Ở một nơi như Iceland, chuyện dọn xác máy bay tai nạn chả bao giờ xảy ra. Nó chỉ được dọn khi chủ nông trang cảm thấy nó vướng chỗ và muốn dẹp đi".

Nguyên nhân thường là do vị trí máy bay rơi ở nơi hẻo lảnh và địa hình trên đảo chủ yếu từ 60-80% là đất bazan và băng đá làm cho nó gần như dính chặt trên mặt đất.

Ngoài ra, Iceland là một vùng đất hẻo lánh, vì vậy mọi nguyên vật liệu đều rất quý hiếm. Xác các máy bay rơi ở đây vô tình trở thành một nguồn cung cấp vật liệu kim loại và dây dẫn cho cư dân sinh sống ở đây. Họ đem về làm mái nhà, hàng rào hoặc một số dụng cụ gia đình. Có nhiều nông trang sử dụng nguyên thân xác máy bay làm trại cừu.

Thậm chí từng có một công ty chuyên sản xuất chảo và ấm nước đến đây để tìm mua các vỏ kim loại máy bay.

Một tháng sau khi chiếc C-117 đâm xuống nông trang gia đình Einar, một chiếc R-4D cũng của Hải quân Hoa Kỳ đâm xuống nông trang của Helgi Jónsson. Thấy không ai dọn dẹp xác máy bay, ông lấy luôn bộ khung còn lại làm lều câu cá cạnh hồ Þveit gần 20 năm.

Năm 1994, ông muốn chuyển sang dùng nó như một căn nhà nhỏ, nhưng vấn đề là máy bay thiếu mất cái đuôi. Thế là Helgi lái xe đến gặp Einar và xin ông này phần đuôi của chiếc C-117 về làm nhà. Ông dùng máy kéo để mang nó về, ghép với phần thân mình có sẵn rồi sơn sửa lại một chút. Và từ năm 1995 đến nay, gia đình Helgi vẫn sống trong "căn nhà" ấy.

Những chiếc máy bay ma trên đảo Iceland - Ảnh 4.

Một phần của chiếc R-4D trong nông trang gia đình ông Helgi Jónsson

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại