Những bất thường đáng sợ trong vụ bắn tên lửa bay qua Nhật Bản của Triều Tiên

Danh Tuyên |

Chính phủ Nhật Bản luôn khẳng định, Tokyo sẽ tiến hành những bước đi cần thiết để đối phó với mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên.

Nhật Bản "án binh bất động"

Hôm 30/8, Triều Tiên xác nhận đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12. Nó đã bay qua bầu trời trên bán đảo Oshima của Hokkaido và Mũi Erimo, Nhật Bản, nhằm trúng vùng biển mục tiêu tại Thái Bình Dương.

Những bất thường đáng sợ trong vụ bắn tên lửa bay qua Nhật Bản của Triều Tiên - Ảnh 1.

Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên

"Chúng tôi hoàn toàn theo dõi được đường đi của tên lửa, kể từ khi diễn ra vụ phóng và luôn sẵn sàng ở mức độ cao nhất nhằm bảo vệ mạng sống của người dân", Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với các phóng viên sau khi tuyên bố một quả tên lửa vừa bay qua Nhật Bản, trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã không đánh chặn quả tên lửa nêu trên, dù những tổ hợp đánh chặn tên lửa của Tokyo đã sẵn sàng chiến đấu. Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cho hay, quyết định này được đưa ra bởi dữ liệu từ radar cho thấy tên lửa không nhằm vào đất liền Nhật Bản.

Trung tướng Hiroaki Maehara, Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chịu trách nhiệm về các hoạt động chống tên lửa, đã phải thừa nhận thời điểm Triều Tiên phóng tên lửa là "một sự bất ngờ lớn" đối với quân đội Nhật.

Có ý kiến phân tích, quyết định "bất động" trước vụ phóng tên lửa của Triều Tiên phần lớn xuất phát từ những lý do kỹ thuật từ phía Nhật Bản.

Những bất thường đáng sợ trong vụ bắn tên lửa bay qua Nhật Bản của Triều Tiên - Ảnh 2.

Nhật Bản không đánh chặn tên lửa của Triều Tiên dù tổ hợp lá chắn sẵn sàng chiến đấu

Trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hai lớp của Tokyo, lớp thứ nhất là các tàu khu trục được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis, với tên lửa đánh chặn SM-3 có nhiệm vụ bắn hạ những tên lửa ở bên ngoài khí quyển.

Nếu tên lửa lọt qua lớp bảo vệ đầu tiên, tổ hợp đánh chặn PAC-3 thuộc lớp thứ hai sẽ kế thừa nhiệm vụ ngăn chặn và bắn hạ nó.

Trước đây, Tokyo từng hai lần phóng thử tên lửa SM-3 nhưng có một lần thất bại. Điều đó cho thấy, lá chắn phòng thủ này vẫn chưa đảm bảo 100% khả năng đánh chặn.

Thêm vào đó, hiện tại Nhật Bản đang triển khai trên khắp cả nước hơn 30 khẩu đội lá chắn tên lửa PAC-3, song chúng chỉ có tầm bắn vài chục km, không đủ sức hạ tên lửa đạn đạo Triều Tiên ở độ cao 550 km.

Dù Chính phủ Nhật Bản đang có dự định áp dụng các hệ thống đánh chặn có phạm vi gấp đôi, nhưng dường như các hệ thống hiện tại vẫn chưa có khả năng bảo vệ toàn bộ vùng đất liền của nước này.

Dẫu vậy, Lực lượng Phòng thủ Nhật Bản cũng đã cố gắng khắc phục điều chỉnh vị trí các khẩu đội để đề phòng trường hợp tên lửa có thể rơi xuống do trục trặc kỹ thuật hoặc các nguyên nhân khác.

Chuẩn bị cho tấn công bất chợt?

Sau khi Triều Tiên tuyên bố hồi đầu tháng Tám, Bình Nhưỡng cân nhắc phóng tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản để tới vùng biển gần lãnh thổ Mỹ ở Guam thì một số đơn vị PAC-3 đã được chuyển tới 4 tỉnh ở miền Tây đất nước, dọc theo đường bay dự kiến của tên lửa Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, hôm 29/8, Triều Tiên đã phóng tên lửa theo một hướng hoàn toàn khác, bay qua Mũi Erimo ở Hokkaido và rơi xuống biển cách 1.180 km về phía Đông của mũi này. Bên cạnh đó, tại Hokkaido chỉ có duy nhất một khẩu đội phòng thủ tên lửa được đặt tại căn cứ Chitose, cách 160 km so với Mũi Erimo.

Những bất thường đáng sợ trong vụ bắn tên lửa bay qua Nhật Bản của Triều Tiên - Ảnh 3.

Triều Tiên phô diễn sức mạnh quân sự trong một lễ diễu binh

Chính sự bất ngờ của Triều Tiên và sự hạn chế về số lượng khẩu đội phòng thủ tên lửa đã khiến Tokyo phần nào lúng túng trong cách xử lý với mối đe dọa hiện hữu rất rõ ràng từ Triều Tiên. 

Nhật Bản đang tiếp tục nỗ lực nhằm tăng cường khả năng phòng thủ. Trong số những biện pháp được đưa ra, một lựa chọn đang được cân nhắc là triển khai hệ thống phòng thủ Aegis Ashore. Đây là phiên bản trên mặt đất của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis được phát triển cho các tàu chiến.

Aegis Ashore được kỳ vọng sẽ giúp các lực lượng phòng vệ dễ thực hiện nhiệm vụ đánh chặn mục tiêu hơn, bởi được triển khai tại vị trí cố định trên mặt đất.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự kiến sẽ thắt chặt ngân sách cho năm tài khóa tới, bắt đầu vào tháng Tư, để có thể triển khai Aegis Ashore, nhưng việc lắp đặt hệ thống mới này sẽ mất nhiều năm liền.

Trong khoảng thời gian đó, không ai biết trước được Bình Nhưỡng sẽ thử bao nhiêu đợt tên lửa khác.

Nhật Bản cũng đang lo ngại về khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành các đợt tấn công bất ngờ, sử dụng các bệ phóng di động và phóng tên lửa vào ban đêm.

Trên thực tế, việc Triều Tiên phóng tên lửa ở một địa điểm hoàn toàn khác trước kia (Sunan ở Thủ đô Bình Nhưỡng) có thể là dấu hiệu cho thấy quốc gia này có khả năng sẽ tiến hành những đợt tấn công bất chợt, một sĩ quan bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay.

"Dù cố gắng tăng cường sức mạnh phòng thủ tên lửa đến đâu thì chúng ta sẽ vẫn có những lỗ hổng. Liên tục là như vậy", một quan chức cấp cao Nhật Bản khác nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại