Trong hơn 50 năm qua, so với các quốc gia Trung Đông khác, Israel có ưu thế hơn hẳn về mặt quân sự. Khoảng cách lớn nhất giữa Israel và các quốc gia láng giềng được thể hiện trên bầu trời.
Như nhà phân tích Chris Harmer của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Mỹ) từng bình luận trên tờ Business Insider:
"Israel có lực lượng không quân tốt nhất thế giới, từ phi công cho tới máy bay". Ưu thế trên không của Israel không chỉ dừng lại ở lực lượng không quân mà còn phải kể đến các hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa cũng như tiềm lực tên lửa. Dưới đây là một số vũ khí giúp Israel "thống lĩnh" bầu trời.
Một là tiêm kích F-35. Tháng 12-2017, tương quan lực lượng ở Trung Đông có sự thay đổi khi Israel trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực sở hữu máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5.
Vào thời điểm đó, Israel tuyên bố triển khai 9 chiếc F-35I Adir đầu tiên (đây là phiên bản dành riêng cho Israel). Máy bay tiêm kích tàng hình hiện đại này cho phép Israel đi trước một bước so với các đối thủ vốn vẫn đang phải loay hoay củng cố năng lực phòng không của mình.
Không quân Israel (IAF) gọi F-35 là "kẻ thay đổi cuộc chơi". Nói như vậy không phải là vì tính năng tàng hình hay là vì kho vũ khí của F-35. Thực ra, nếu so với vài tiêm kích khác của Israel thì kho vũ khí trên F-35 không đáng kể.
Điểm khác biệt của F-35 nằm ở khả năng thực hiện chức năng của nhiều loại máy bay khác nhau. Như một phi công Israel đã từng nói với tờ Israel Hayom:
"Trước đây, để thám sát Trung Đông phải cần nhiều trang thiết bị khác nhau, như một thiết bị không người lái (UAV) để chụp ảnh, một máy bay trinh sát, một máy bay được trang bị radar. Giờ đây, chỉ một hoặc hai chiếc F-35I Adir là đủ.
Loại máy bay này đã làm thay đổi cách chúng ta nhìn thế giới. Nó có khả năng hoạt động đồng thời ở mọi mặt trận. Đúng là đột phá!".
Các nguồn tin khác của IAF gọi F-35 là một "công cụ thu thập tin tức tình báo siêu đẳng". Thông tin tình báo mà F-35 thu thập được khi đang hoạt động tàng hình có thể cũng được chuyển ngay cho các lực lượng của Israel trên mặt đất hoặc trên không, nhờ đó tăng cường khả năng sát thương của những lực lượng này.
Như cây bút Michael Peck của Tạp chí Foreign Policy đã chỉ ra, trong nhiều thập niên qua, Israel không hề tham gia tác chiến không-đối-không quy mô lớn vốn không phải là thế mạnh của F-35 (mặc dù nó vượt trội hơn hẳn so với tất cả các loại máy bay mà các nước láng giềng của Israel hiện đang sở hữu).
Thay vào đó, sứ mệnh chủ yếu của IAF là các cuộc tấn công chính xác quy mô nhỏ và điều này phù hợp với tính năng tàng hình của F-35. Israel đã đạt thỏa thuận mua 50 chiếc F-35 của Mỹ và đến năm 2028 sẽ hoàn tất bàn giao.
Hai là tiêm kích F-15. Kể từ khi được Israel mua lần đầu tiên vào những năm 70 của thế kỷ trước, cho đến nay, F-15 vẫn dành được sự tín nhiệm của IAF. Ban đầu, F-15 được chế tạo để thực hiện nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không. Thế nhưng, Israel đã khéo léo nâng cấp biến F-15 thành máy bay đa nhiệm.
Vì vậy, trong khi vẫn hoạt động hiệu quả trong tác chiến không-đối-không, F-15 còn thường xuyên được Israel sử dụng để tấn công các mục tiêu trên mặt đất. Mặc dù không có tính năng tàng hình, nhưng F-15 được Israel trang bị tên lửa không-đối-đất Popeye .
Từ những năm 1970 đến nay, Israel đã sử dụng tất cả biến thể của F-15. Giờ đây, Israel đang tính mua phiên bản mới nhất do hãng Boeing chế tạo là F-15 Advanced Eagle với nhiều cải biến.
Một trong số đó phải kể đến là kho vũ khí lớn hơn khi F-15 Advanced Eagle có thể mang thêm 16 tên lửa không-đối-không tầm trung tiên tiến (AMRAAM). Ngoài ra, F-15 Advanced Eagle còn được trang bị hệ thống điều khiển điện tử, radar AESA APG-63V3, hệ thống cảnh báo sớm tên lửa, hệ thống tác chiến điện tử…
Ba là tên lửa đạn đạo Jericho-II. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, Israel đã phát triển dòng tên lửa Jericho tầm trung, gọi là Jericho-II, lần đầu tiên được thử nghiệm vào khoảng năm 1987 và đưa vào biên chế 2 năm sau đó.
Jericho-II có tầm bắn ước tính đạt 1.500km với độ chính xác cao. Một số nhà phân tích còn cho rằng, tầm bắn của Jericho-II thực sự còn có thể gấp đôi con số 1.500km.
Bốn là hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt. Lâu nay, Israel vẫn chủ trương cho rằng cách phòng thủ tốt nhất chính là một cuộc tấn công hiệu quả. Tuy nhiên, trong những thập niên trở lại đây, Israel lại tăng cường các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không, đặc biệt là để đối phó với mối đe dọa từ các chủ thể phi quốc gia như Hezbollah và Hamas.
Ví dụ điển hình nhất là hệ thống phòng thủ tên lửa trứ danh mang tên Vòm Sắt. Được đưa vào sử dụng năm 2011, Vòm Sắt là tuyến phòng thủ cuối cùng của Israel để đánh chặn rocket, tên lửa và pháo gần mặt đất.
Theo hãng chế tạo Raytheon của Mỹ, Vòm Sắt là "hệ thống phòng thủ tên lửa được sử dụng nhiều nhất thế giới, đánh chặn hơn 1.500 mục tiêu với tỷ lệ thành công đạt hơn 90% kể từ khi được đưa vào sử dụng năm 2011".
Vòm Sắt hiệu quả đến nỗi ngay cả Mỹ cũng đang tính chuyện mua hệ thống này. Mặc dù trong nội địa, Mỹ không phải đối phó với những mối đe dọa tên lửa như Israel, nhưng là một hệ thống di động, Vòm Sắt có thể được triển khai cho quân đội Mỹ trên khắp thế giới.