Vào ngày 24.3, tổng tham mưu trưởng quân đội Nga tướng Valery Gerasimov đã đưa ra nhận xét của ông về những cuộc xung được trong tương lai. Đặc biệt, ông chỉ rõ "kinh tế và hệ thống chỉ huy, điều khiển (C2) của kẻ thù sẽ là những mục tiêu ưu tiên cho những cuộc tấn công có thể xảy ra của Nga".
Và bên cạnh những lĩnh vực chiến tranh truyền thống, quân đội Nga sẽ tăng cường hoạt động trong lĩnh vực thông tin và không gian vũ trụ (theo Tvzvezda.ru, RIA Nosvoti ngày 24.3 và EDM ngày 3.4).
Ông Gerasimov phác họa 5 bước đi cơ bản mà Nga cần thực hiện để sẵn sàng cho những cuộc chiến trong tương lai (theo TASS ngày 24.3):
1. Phát triển một hệ thống trinh sát tự động trung gian. Điều này sẽ giảm thời gian chu kỳ cho việc hoàn thành các nhiệm vụ tấn công (từ 2-2,5 lần) và nâng cao độ chính xác mục tiêu (từ 1,5-2 lần).
2. Cải tiến cấu trúc hệ thống chỉ huy và điều khiển C2. Điều này có thể đạt được thông qua việc tạo ra hệ thống phụ hỗ trợ thông tin đặc biệt và dựa vào các hệ thống máy tính tiên tiến. Những bước phát triển này có thể cho phép quân đội Nga giảm thời gian cần thiết để sẵn sàng cho các vũ khí chính xác tầm xa khai hỏa (tới 1,5 lần).
Với mục đích này, phía Nga đang phát triển một hệ thống C2 hiện đại và tích hợp nó vào một không gian mạng độc lập.
3. Áp dụng rộng rãi hơn các hệ thống tự động không người lái (UAS), bao gồm các mô hình dựa trên "các yếu tố cơ bản của vật lý mới" (chùm tia, địa vật lý, gen, tâm vật lý và các công nghệ khác - theo EDM ngày 29.11.2016).
Theo ông Gerasimov, các công nghệ này đã được tích hợp vào trong quân đội Nga. Việc phát triển các thiết bị UAS đa chức năng sẽ cho phép phía Nga có thể thực hiện cả nhiệm vụ trinh sát (như tại Donbass ở phía đông Ukraine) và những nhiệm vụ tấn công.
4. Phát triển thêm các phương tiện tác chiến điện tử (EW) cũng như các cơ cấu tinh vi chống tác chiến điện tử.
Nga đã có những bước phát triển cực kỳ nhanh chóng trong phương diện này. Quân đội Nga đã được trang bị những hệ thống tác chiến điện tử hiện đại nhất bao gồm các tài nguyên không gian vũ trụ, hệ thống định vị, hệ thống liên lạc radio số (theo EDM 19.7.2017, 8.9.2017, 7.11.2017 và 5.12.2017).
5. Dành ưu tiên cho các vũ khí chính xác. Đặc biệt, với các vũ khí siêu thanh (với các nhà chiến lược quân sự Nga) sẽ cho phép Nga chuyển từ các vũ khí chiến lược răn đe bằng hạt nhân sang răn đe quân sự bằng các loại vũ khí thông thường (theo EDM ngày 14.10.2016, 8.3.2018).
Bài phát biểu của ông Gerasimov đã rọi sáng những gì trước đó Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố: "Rất nhanh, Tổ hợp công nghiệp quân sự Nga sẽ sản xuất robot quân sự trên diện rộng".
Ông ngụ ý trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ nhanh chóng đảm nhiệm 1 phần trách nhiệm được thực thi bởi những binh sĩ thông thường. Phát biểu về sự tiến triển trong lĩnh vực robot và AI, ông Shoigu đặc biệt nhấn mạnh tới việc tăng số lượng sử dụng các phương tiện không người lái trong quân đội Nga đã "tăng từ 160 cho tới 1.800 loại" (theo TASS ngày 15.3).
Ông Shoigu cũng lưu ý rằng kinh nghiệm trên chiến trường Syria đóng một vai trò đặc biệt quyết định trong việc phát triển các UAS của Nga.
Robot và các thiết bị tự động khác đặc biệt hữu dụng với đội quân cơ khí (ET - Engineer Troops), với rất nhiều công việc nguy hiểm như rà phá bom mìn được thực hiện với sự trợ giúp của những thiết bị này.
Theo những nguồn tin từ Nga, trong năm 2017, ET đã nhận được 18 thiết bị mới, hiện đại nhất đã được thử nghiệm tại Syria (theo TASS ngày 21.1).
Cũng cần đề cập tới trong cuộc phỏng vấn tháng 1.2018 với báo Nga Izvestia, tư lệnh của lực lượng ET - thượng tướng Yuri Stavitsky đã chỉ rõ việc robot hóa lực lượng ET là một trong những ưu tiên chiến lược chính của việc hiện đại hóa quân đội Nga. Ông cũng nhấn mạnh, 19 đơn vị kiểu này đã được xây dựng (Izvestia ngày 19.1).
Theo ông Stavitsky những mô hình UAS dưới đây đã chứng tỏ tính hiệu quả cao trong chiến dịch của Nga tại Syria:
"Uran-6" (một hệ thống robot rà gỡ bom mìn đa chức năng): có khả năng thực hiện các nhiệm vụ phát hiện bom mìn và thao tác rà quét khu vực bằng cách phát hiện và di chuyển rất nhiều các loại vật liệu nổ (bao gồm cả mìn chống tăng).
Nó được trang bị 4 camera trên đầu cho khả năng nhìn 360 độ. Uran-6 có thể vượt qua chướng ngại cao 1,2m với tốc độ tối đa 5km/h, cho phép người điều khiển thực hiện các thao tác từ khoảng cách 1km, làm giảm thiểu những rủi ro tiềm tàng với binh sĩ.
Skarabei đặc biệt hiệu quả trong những khu vực khó tiếp cận, bao gồm các đường ống và giếng trong lòng đất. Chỉ cao 15cm, robot có thể truyền tải hình ảnh từ một khoảng cách khoảng 250m và có khả năng di chuyển trong các địa hình khó khăn bao gồm các các địa hình đổ nát.
Hơn nữa, nó hoạt động mà không gây ra bất cứ tiếng ồn nào, điều này có ý nghĩa đặc biệt giá trị trong điều kiện chiến đấu trong thành phố.
Sfera (thiết bị thăm dò không dây): quét khu vực, xác định nhưũng nguồn gây tiếng động hay chuyển động. Được trang bị 4 camera, tích hợp một máy giám sát và microphone, nó có thể truyền hình ảnh trong khoảng cách 50m. Nó vẫn có thể hoạt động khi bị rơi từ độ cao 5m và điều kiện nhiệt độ từ -20o với 45oC.
Yếu tố cơ bản của việc phát triển bất đối xứng đang chiếm lĩnh tư duy của những nhà chiến lược quân sự Nga đặc biệt là sau khi Nga díu líu tới cuộc nội chiến Syria.
Bên cạnh những yếu tố được xác định từ trước, chiến lược hiện tại của Nga đang được bổ sung thêm với việc phát triển dựa vào tích hợp và sử dụng các thiết bị AI và tác chiến điện tử như một cách để bù đắp và cải thiện khả năng chỉ huy và điều khiển của Nga (theo EDM ngày 5.12.2017).
Trong bài viết của mình, các học giả quân sự Mỹ MacGregor Knox và Williamson Murray chỉ rõ cuộc cách mạng quân sự lần thứ 7 sẽ dựa trên sự kết hợp trí tuệ nhân tạo AI với các hệ thống không người lái.
Và các cuộc chiến tương lai sẽ được thực hiện bằng cách sử dụng vũ khí tự hành, các loại xe cơ giới robot, hệ thống phòng thủ tự động, vũ khí tự động, phân tích dữ liệu lớn cũng như các chương trình, máy móc tự học (MacGregor Knox và Williamson Murray trong tác phẩm Động lực của cách mạng quân sự 1300–2050).
Nhưng những phân tích tài liệu của Nga về chủ đề này cho phép xác định sự khác biệt tồn tại giữa các nhà nghiên cứu phương Tây về hiện tượng (cách mạng tự động) và những nỗ lực chính của Nga. Những dữ liệu hiện tại cho thấy Nga vẫn hoàn toàn chưa ứng dụng khái niệm của một cuộc cách mạng quân sự lần thứ 7 do phương Tây đặt ra.
Các khả năng kỹ thuật của Nga (với vài thành tựu đặc biệt chưa chứng minh được hiệu quả trên diện rộng) có thể nằm ở đâu đó trong những phân tích của các học giả phương Tây về cách mạng thông tin và một cuộc cách mạng tự động mạnh mẽ hơn.