Nhóm G7 ra tuyên bố ủng hộ Israel, vì sao quốc gia chủ tịch luân phiên từ chối ký?

Minh Khôi |

Mới đây, G7 đã đưa ra tuyên bố chung ủng hộ Israel nhưng Nhật và Canada không tham gia. Nhật Bản hiện đang là chủ tịch luân phiên của G7.

Chủ tịch luân phiên nhưng "vắng mặt" trong tuyên bố chung

Chính phủ Nhật Bản đã tìm cách duy trì sự cân bằng trong ngoại giao trong bối cảnh xung đột leo thang giữa Hamas và Israel. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã lên án các cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel đồng thời kêu gọi cả hai bên kiềm chế.

Nhật Bản lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công gây tổn hại nghiêm trọng cho thường dân vô tội ”, ông Kishida đăng trên tài khoản mạng xã hội X, trước đây là Twitter.

Nhóm G7 ra tuyên bố ủng hộ Israel, vì sao quốc gia chủ tịch luân phiên từ chối ký? - Ảnh 1.

Trong bài đăng tiếp theo về chủ đề này, ông Kishida bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về thương vong ở Gaza. “ Tất cả các bên liên quan nên kiềm chế tối đa ”, ông viết.

Bài đăng hôm Chủ nhật đánh dấu bình luận công khai đầu tiên của Thủ tướng Nhật Kishida về cuộc xung đột. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Anh Sunak đã đưa ra tuyên bố vào thứ Bảy theo giờ địa phương ngay sau các cuộc tấn công của Hamas.

Không giống như Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thủ tướng Nhật Bản không gọi các cuộc tấn công của Hamas là "khủng bố".

Nhật Bản cũng không ký vào Tuyên bố chung với các nước thành viên nhóm G7 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Ý có nội dung lên án Hamas và cam kết ủng hộ Israel.

Mới đây, nhóm G7 đã đưa ra tuyên bố chung ủng hộ Israel nhưng Nhật và Canada không nằm trong số đó. Nhật Bản hiện đang là chủ tịch luân phiên của nhóm G7.

Lý do của Nhật Bản

Ông Hirokazu Matsuno, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, nêu rõ: “ Nhật Bản, với tư cách là nước Chủ tịch luân phiên G7, đã hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên và tham gia thảo luận với từng quốc gia về việc theo đuổi hòa bình. Có vẻ như tuyên bố chung được đưa ra nhằm phản ánh quan điểm và lập trường đa dạng của từng thành viên G7 về vấn đề này ".

Việc Nhật Bản vắng mặt trong tuyên bố một phần là vì nước này mong muốn duy trì sự linh hoạt trong cách tiếp cận của mình, đồng thời tích cực làm việc ở hậu trường để hòa giải và gây ảnh hưởng lên cả Palestine và Israel. " Nhật Bản vẫn cam kết nỗ lực giảm leo thang và góp phần giải quyết tình hình một cách hòa bình ”, ông Matsuno nói thêm.

Nhật Bản ủng hộ giải pháp hai nhà nước, hướng tới một quốc gia Palestine độc lập cùng tồn tại với Israel.

Một số nhà quan sát nói rằng Nhật Bản, quốc gia nhập khẩu phần lớn dầu thô từ Trung Đông, đang đánh giá phản ứng của các quốc gia khác ở Trung Đông, đặc biệt là Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) những nước đang tìm cách cải thiện quan hệ với Israel những năm gần đây.

Theo báo cáo thường niên của Cơ quan Tài nguyên và Năng lượng Nhật Bản, 94% lượng dầu thô nhập khẩu của Nhật Bản đến từ Trung Đông vào năm 2022.

Là đồng minh của Mỹ nhưng Nhật Bản từ lâu đã vạch ra lộ trình ngoại giao của riêng mình với khu vực Trung Đông.

Năm 2019, khi một tàu chở dầu bị tấn công ở eo biển Hormuz năm 2019, Mỹ đã kêu gọi liên minh các quốc gia hộ tống các tàu di chuyển qua khu vực.

Nhật Bản, quốc gia có quan hệ ngoại giao với Iran, đã không tham gia liên minh này.

Hiện tại, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đặt Gaza ở mức cảnh báo cao nhất khuyến nghị sơ tán công dân Nhật Bản, đồng thời kêu gọi người Nhật tạm dừng các chuyến du lịch không cần thiết tới Jerusalem và Tel Aviv. Tính đến tháng 10 năm ngoái, có 1.253 công dân Nhật Bản cư trú tại Israel từ 3 tháng trở lên.

Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng hầu hết công ty sử dụng lao động Nhật Bản ở Israel đã sơ tán nhân viên của họ đến nơi an toàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại