Người Việt ở Israel: Đi ngủ cũng phải mang sẵn giày

Lan Hương |

Tối về đang ôm con thì còi báo báo động lại vang lên 3-4 lần. "Chúng tôi ngủ nhưng chân mang giày để sẵn sàng chạy nếu chuông báo động kêu", chị Kim Golbari kể lại.

"Nghe còi báo động là chạy xuống hầm trú ẩn"

Chị Kim Golbari, người Việt sống ở Israel đã 14 năm, kể lại ngày hôm đó là dịp lễ nên cả nhà đang đi cắm trại gần Biển Chết. Thông tin về cuộc xung đột đến với chị vào buổi sáng khi đọc báo.

"Lúc đầu, tôi nghĩ chắc cũng như những lần trước. Cả nhà quyết định di chuyển về nhà ở Tel Aviv", chị Kim Golbari nhớ lại.

Nhưng trên đường đi, các khu du lịch đều đóng cửa, an ninh thắt chặt khắp nơi, trên đường về đến Jerusalem tiếng còi hú báo động rền vang, bầu trời còn in những vệt khói rocket, chị bắt đầu cảm thấy căng thẳng và lái xe trong tâm trạng hồi hộp.

Đến đêm, còi báo động vẫn kêu không ngớt. Cả gia đình chị phải chạy xuống hầm trú ẩn nằm trong bãi xe.

"Tối về đang ôm con thì còi báo báo động lại vang lên 3-4 lần. Chúng tôi ngủ nhưng chân mang giày để sẵn sàng chạy nếu chuông báo động kêu", chị Kim Golbari cho biết.

Gia đình chị Kim Golbari ở dưới hầm trú ẩn. Video: NVCC

Tin tức trên tivi báo số người chết và thương vong mỗi lúc một tăng, nhiều video ghi lại hình ảnh vụ tấn công cũng lan truyền trên mạng. Chị Kim Golbari chia sẻ đã ở Israel 14 năm nhưng vụ tấn công lần này có quy mô lớn và cũng có mức độ tang thương nhất.

Ngay trong lúc trao đổi với phóng viên, chị Kim vẫn nghe được tiếng các quả rocket rơi. Vì là dịp lễ nên vụ tấn công xảy ra khi nhiều người còn đang quây quần bên gia đình. "Tôi thực sự rất sốc", chị nói.

Chị Nguyễn Thị Hương, hiện đang sống ở Rehovot, cách dải Gaza khoảng 50km cho biết, khoảng gần 7h sáng 7/10, chị bỗng dưng nghe thấy tiếng còi báo động.

Chị giật mình tỉnh dậy, còn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Mở cửa nhìn ra ngoài, chị Hương thấy bầu trời đầy khói đạn.

Khoảng 10 phút sau, đến lượt tiếng còi báo động khu nhà chị hú vang. Không kịp suy nghĩ gì thêm, chị vội vã chạy xuống hầm trú ẩn. Tính riêng trong vòng 2 tiếng buổi sáng, chị phải chạy vào hầm trú ẩn 4 lần.

Người Việt ở Israel: Đi ngủ cũng phải mang sẵn giày - Ảnh 2.

Khói bốc lên ở Dải Gaza vào ngày 9/10. Ảnh: AP

"Lúc đó cũng lo sợ nhưng không nghĩ nhiều, vì ở đây chuyện bắn rocket sang cũng thường xuyên", chị Hương kể lại.

Sau khi còi báo động tạm ngưng khoảng 5 phút, chị Hương trở lại nhà và mở tivi xem tin tức. Lúc đó chị mới biết lực lượng Hamas đã tấn công và họ tiến vào theo đường biên giới.

"Lúc này, tôi thực sự lo lắng", chị Hương chia sẻ.

Đến sáng ngày hôm sau (8/10), khi biết tình hình đã được kiểm soát, chị mới ổn định được tâm lý. Chị Hương cho biết chị vẫn ở trong nhà suốt mấy ngày cuối tuần đến nay và luôn mở tivi 24/24h để theo dõi tình hình.

Trong khi đó, ở thành phố Tel Aviv nơi chị Kim sinh sống, sau 2 ngày cuối tuần, tình hình đã tạm yên ắng. Mọi người được cảnh báo thận trọng và chỉ ra đường khi cần thiết. Người dân vẫn còn lo sợ các lực lượng vũ trang tiến vào sâu trong thành phố nên hầu như ai ở nhà nấy, chị Kim cho hay.

Đại sứ quán giữ liên lạc chặt chẽ với cộng đồng

Ông Lý Đức Trung, Đại sứ Việt Nam tại Israel cho biết, cho đến chiều tối ngày thứ 3 kể từ khi xảy ra vụ tấn công, chuông báo động vẫn vang lên ở các nơi, cuối ngày thứ 2 và sang đến ngày thứ 3 thì đôi lúc tần suất giảm đi, chỉ còn lác đác và tập trung nhiều ở dải Gaza.

Nhận định về vụ việc lần này, ông Trung cho biết, kể từ khi ông nhận nhiệm vụ đến nay, cuộc xung đột lần này có cường độ vô cùng lớn và diện rộng hơn so với những lần trước đó.

Cũng theo Đại sứ, cộng đồng người Việt ở Israel có khoảng 500 người, có 180 sinh viên, thực tập sinh trong lĩnh vực nông nghiệp ở các trang trại khác nhau, 15 người ở gần dải Gaza, trong đó có 5 bạn ở thành phố gần nhất so với dải Gaza.

Trong thời gian vừa qua, chủ yếu các bạn thực tập sinh nằm trong khu vực trú ẩn tại trung tâm nông nghiệp, đồng thời vẫn giữ liên lạc thường xuyên với cộng đồng người Việt và cơ quan đại diện của Việt Nam tại Israel.

"Đến nay các thực tập sinh này an toàn, cơ quan đại diện cũng liên lạc thường xuyên, đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm", Đại sứ Việt Nam tại Israel nói.

Trong thời gian tới, cơ quan đại diện sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với bà con cộng đồng, cùng chia sẻ thông tin, dự báo tình hình, tiếp cận với các đầu mối chuyên gia sở tại để tính toán mức độ chiến dịch sắp tới của Israel để lên các phương án, Đại sứ Trung cho hay.

Về nhu cầu về nước của một số công dân, cơ quan đại diện sẽ phối hợp để có phương án phù hợp, ông Trung nói thêm.

Công dân Việt Nam cần giúp đỡ có thể liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Israel theo số điện thoại 972-50-818-6116+972-52-727-4248, +972-50-994-0889 hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao tại số điện thoại +84 981 84 84 84.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại