11h trưa, bà Mỹ (80 tuổi) nhận phần thức ăn được chuẩn bị của các cô phụ trách chăm sóc người già ở mái ấm chùa Bình An (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM).
Ở cái tuổi gần đất xa trời, các cụ già lại chẳng có gia đình để quay về
Tính ra đây đã là cái Tết thứ 5 của bà Mỹ tại chùa. Sau khi người con gái không may mất sớm, người con trai thì làm thuê cuốc mướn không đủ sống qua ngày, bà Mỹ quyết định xin vào chùa Bình An để sống quãng đời còn lại.
Cả một đời hi sinh, nuôi dạy con cái nên người, bà Mỹ chẳng mong cầu gì việc con cái sẽ đền đáp ơn sinh thành, dưỡng dục. Dù xa con xa cháu, nhưng bà Mỹ dặn lòng phải cố gắng để không trở thành gánh nặng cho gia đình.
Một đời hi sinh cho gia đình, con cái, cuối đời các cụ lại chọn cho mình cách sống lặng lẽ, cô đơn...
"Bà đâu có nhà đâu mà về, con trai nó cũng thuê cái trọ có chút xíu để ở, chật chội lắm…, phải chi con mình có nhà cửa, mình cũng về để ở với con. Đằng này nó khổ quá nên bà mới xin vô đây, sư bà tốt lắm, không phải đóng tiền bạc gì cả, ăn uống chùa lo hết.
Bà tự xin vô đây chứ con nó cũng không cho đâu. Vì hoàn cảnh mình thôi, lâu lâu con cháu nó lên thăm, tính ra bà còn có con cháu, chứ nhiều bà ở đây không có ai cả, khổ lắm", bà Mỹ chạnh lòng.
Bà Mỹ xúc động khi nhắc đến hoàn cảnh của mình, bà vì lo nghĩ cho con trai khổ mà chọn xin vào chùa để sống
Cũng giống như bà Mỹ, bà Võ Thị Hương (79 tuổi, quê Quảng Ngãi) đã gắn phần đời còn lại của mình ở chùa Bình An được 7 năm. Cả cuộc đời lăn lộn vất vả, bà Hương chỉ có một đứa con gái duy nhất nhưng mà bạc phước, chồng của con gái qua đời sớm, giờ người con gái và cháu ngoại phải sống nương nhờ phía chồng, chẳng thể nào phụ giúp, lo được cho bà Hương.
"Tết như thế này không được về với con cháu, bà cũng buồn, nhớ con cháu lắm chứ. Nhiều hồi ngồi buồn khóc, nhớ cha nhớ mẹ rồi tủi. Bà tự động viên bà phải cố gắng chịu, chứ bà về con nó nuôi bà còn cực nữa. Lớn tuổi rồi, không hờn giận gì ai cả, bà chỉ mong sống nốt những ngày còn lại thôi…", bà Hương nghẹn lời.
Bà Hương xúc động khi hoàn cảnh của mình không may mắn như những người khác
Làm công việc chăm sóc, lo cơm nước, vệ sinh cho các cụ già ở mái ấm chùa Bình An đã 13 năm, cô Trần Thị Mỹ Lệ (56 tuổi) cho biết ban đầu cũng ngại dơ bẩn nhưng làm riết rồi quen, cô coi các bà cụ tại chùa như mẹ của mình.
3h sáng, cô Lệ đã phải thức dậy để thay tã rồi đi lo cơm nước cho các cụ, nhiều lúc cực quá, cô tính nghỉ nhưng thương các cụ không ai chăm sóc, thế là cứ gắn bó hết năm này đến năm kia.
Ni sư Thích Nữ Tùng Tín cho biết những cụ già, trẻ nhỏ tại đây được chăm sóc miễn phí...
Hình ảnh khiến bậc làm con cháu phải nhói lòng...
Theo Ni sư Thích Nữ Tùng Tín, trụ trì chùa Bình An cho biết hiện tại chùa đang nuôi dưỡng 45 người già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn và 30 em nhỏ mồ côi, bị bỏ rơi trước cổng chùa. Để có thể hoạt động, ngoài việc bán cơm chay cho phật tử, những đứa trẻ trong chùa còn trồng rau, bán sen đá…, để phụ giúp kinh phí cho chùa.
Dưới đây là một số hình ảnh tại chùa Bình An, nơi những cụ già và trẻ nhỏ sống nương nhờ tình thương của Ni sư Thích Nữ Tùng Tín.
Bà Lý (74 tuổi) cười vui vẻ khi thấy mọi người vô thăm. Lúc chia tay, bà cầm tay chúng tôi thỏ thẻ: "Mấy cô mấy chú vô thăm tui nha, chứ tui mất hồi nào không biết đâu..."
Bà Vương Thị Ngọc Tuyết (75 tuổi) cho biết vì không con cái nên sống một mình đã quen. So với ở ngoài, ở trong đây bà vui hơn. "Ở nhà thì người nhà đi làm hết, mình nằm chèo queo một mình, nó buồn hơn, Mình chấp nhận cái số phận của mình... những ngày Tết như thế này cũng muốn về nhà nhưng không được. Thôi thì mình ở đây cũng vui, thỉnh thoảng có người ra vô...", bà Tuyết nghẹn lời
30 đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ cũng được chùa Bình An nuôi dưỡng, chăm sóc
Bà Trần Thị Thái (80 tuổi) khoe bức hình hồi còn trẻ của mình, chốc chốc lại cười nghẹn đầy chua xót...
Nụ cười của các cụ già ở mái ấm chùa Bình An. Những ngày cuối đời, họ chẳng mong cầu gì hơn ngoài sức khỏe, lâu lâu được mọi người đến thăm hỏi, trò chuyện...