Một trong những vấn đề mang tính vĩ mô cho bóng đá Việt Nam mà HLV Park Hang-seo trăn trở, là làm sao phát triển bóng đá trẻ được toàn diện, sâu rộng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Gần đây khi trả lời một tờ báo Hàn Quốc, được hỏi về điểm yếu của bóng đá Việt, thầy Park cũng chỉ ra rằng đó chính là việc đào tạo trẻ.
Thực tế đang cho thấy rất rõ điều đó, dù U23 Việt Nam - cũng được tính là bóng đá trẻ nhưng ở giai đoạn cuối, vừa liên tiếp "tung hoành" ở 2 sân chơi châu lục: VCK U23 châu Á và Asiad 2018.
U16 Việt Nam đang rất chật vật ở giải châu Á.
U16 Việt Nam có 2 giải đấu quan trọng trong năm 2018: U16 ĐNÁ và U16 châu Á. Tại giải ĐNÁ, thầy trò HLV Vũ Hồng Việt là Đương kim vô địch. Vào năm ngoái, với lứa U15, ông Việt đã vượt qua Thái Lan ở trận Chung kết, sau loạt luân lưu để đoạt cup.
Thế nhưng năm nay, vẫn với lứa cầu thủ đó, đã trưởng thành thêm, U16 Việt Nam lại bị loại ngay từ vòng bảng ở sân chơi khu vực. Và những tưởng thất bại đó sẽ là bài học cho Việt Nam thi đấu tốt hơn ở giải châu lục, thì mọi chuyện vẫn vậy.
Việt Nam thi đấu không nổi bật, lối chơi tập thể chưa thật sự gắn kết trong khi thiếu những ngôi sao để quyết định trận đấu. Yếu tố tinh thần, sự tập trung của đội cũng là chưa đủ, dẫn tới trận thua 0-1 trước Ấn Độ và hòa 1-1 trước Indonesia.
Giờ đây, cơ hội để Việt Nam đi tiếp là rất nhỏ. Nên biết dù U16 Iran không thể hiện được đẳng cấp như nền bóng đá của họ, song để Việt Nam chiến thắng là nhiệm vụ cực kì khó khăn vì các học trò của ông Việt cũng đang có rất nhiều vấn đề.
U19 Việt Nam thiếu sao.
Với lứa U19 Việt Nam của HLV Hoàng Anh Tuấn, mọi chuyện cũng không thật sự khả quan. Ở giải ĐNÁ 2018, U19 Việt Nam cũng bị loại ngay từ vòng bảng, để Thái Lan và Indonesia đi tiếp.
Giờ đây, người ta lại đang chờ U19 Việt Nam có thể thay đổi, chơi tốt ở VCK U19 châu Á. Niềm tin như được thắp lên, khi Việt Nam có giải giao hữu khá thành công ở Qatar. Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn thua chủ nhà 4-1, thắng Bờ Biển Ngà 3-1 và thua Uruguay sát nút 1-2.
Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là 1 giải giao hữu và không thật sự đảm bảo Việt Nam có thể chơi tốt ở VCK châu Á, khi các đối thủ cùng bảng C rất mạnh, bao gồm Hàn Quốc, Australia và Jordan.
Giống U16 Việt Nam, lứa U19 hiện tại cũng thiếu sao và vẫn thi đấu thiếu tập trung, như đã thể hiện ở giải ĐNÁ.
Sau lứa U23 Việt Nam, bóng đá trẻ Việt Nam sẽ lại khủng hoảng tài năng?
Thế hệ U23 Việt Nam vừa rồi là tinh hoa của bóng đá nước nhà, trải qua hơn 15 năm, sau thế hệ của những Văn Quyết, Công Vinh mới có. Và nhìn vào các lứa kế cận, không biết bao giờ mới lại có thêm một thế hệ vàng như thế.
Vậy mới thấy, HLV Park Hang-seo thật sự tỉnh táo, khi không ngủ quên trên chiến thắng mà lập tức bắt tay vào công việc. Đẳng cấp của một nền bóng đá không thể hiện ở việc thăng hoa với chỉ một vài thế hệ vàng ngắt quãng mà là việc có liên tiếp những thế hệ xuất sắc nối tiếp nhau. Chỉ khi có liên tiếp những thế hệ cầu thủ xuất sắc mới tạo nên được một đội tuyển quốc gia - đại diện của một nền bóng đá, vững mạnh.
Bảng C VCK U16 châu Á 2018: U16 Việt Nam 1-1 U16 Indonesia