Cùng với anh trai Diệp Chuẩn thì Diệp Chính là đại võ sư sở hữu công phu thâm hậu bậc nhất trong làng Vịnh Xuân Quyền ở Trung Quốc.
Đạt đẳng cấp Grandmaster (trình độ đại võ sư tương đương cấp Chưởng môn) nhưng cuộc đời của đại võ sư Diệp Chính chủ yếu gắn với công việc giảng dạy và phát dương Vịnh Xuân Quyền ra thế giới. Suốt hơn nửa thế kỷ gắn bó cùng nghiệp võ, ông không mấy khi thi thố trên võ đài.
Cuộc đấu bất đắc dĩ
Có câu chuyện kể rằng cách đây gần ba thập kỷ, lúc đã sắp bước sang ngưỡng tuổi ngũ tuần, khi đang thị phạm cho đám đệ tử ở một võ quán tại Hồng Kông thì Diệp Chính bất ngờ bị một kẻ lạ mặt đến xin được thách đấu.
Vốn tính khí điềm đạm và không màng chuyện hơn thua, Diệp Chính toan từ chối. Thế nhưng, vị khách lạ tự xưng là cao thủ của phái Thiếu Lâm Tung Sơn từ Hà Nam cứ nằng nặc xin được giao thủ.
Bất đắc dĩ, Diệp Chính đành nhận lời. Sau hồi mời trà, hai bên đưa ra một giao kèo rằng nếu ai chịu nổi 3 cú đấm của đối thủ mà không ngã thì người đó sẽ giành chiến thắng.
Kẻ chủ động thách đấu là người ra đòn trước. Khi cả hai bên đã sẵn sàng, Diệp Chính đứng nghiêm trang rồi bắt đầu thả lòng cơ thể. Ông xoay hai bàn chân, tạo thế tấn Bát tự kiềm dương mã...
Đại võ sư Diệp Chính cùng các đệ tử.
Lúc này, kẻ thách đấu gồng mình, tung cú đấm thứ nhất. Dính đòn vùng bụng, Diệp Chỉnh vẫn bình thản như không, tay còn cầm nguyên tách trà. Kẻ thách đấu lấy hết sức bình sinh tung tiếp cú đấm thứ hai, mặt Diệp Chính vẫn không hề biến sắc.
Kẻ thách đấu bắt đầu chột dạ. Hắn lau vội mồ hôi rồi siết nắm đấm thật chặt, quyết tung cú "thôi sơn" cuối cùng với hy vọng sẽ khiến Diệp Chính gục xuống. Xong rốt cục, cú đấm ấy cứ như đấm vào bông khi Diệp Chính thả lỏng, lắc nhẹ phần hông để đả lực.
Khi cả võ đường còn vỗ tay rầm rầm còn Diệp Chính chuẩn bị xuất chiêu, vị khách vội xin thua rồi cất lời xin lỗi vì trót thách đấu nhầm người.
Đại võ sư Diệp Chính với bài Lục điểm bán côn.
Website Ipching.org ở Hồng Kông từng kể rằng năm 1973 khi còn là một HLV tại võ đường mang tên Trường Xuân ở bệnh viện Queen Elizabeth, Hồng Kông, Diệp Chính đã tham dự một cuộc thi do Hội võ thuật Hồng Kông tổ chức. Khi đó, ông đã thi triển các tuyệt kỹ của bài Bát trảm đao khiến khán giả và phải trầm trồ kinh ngạc.
Đại võ sư Diệp Chính thị phạm bài Bát trảm đao cùng đệ tử.
Lần khác, sư phụ Diệp Chính trong một liên hoan võ thuật ở quê nhà Phật Sơn đã khiến khán giả liên tục vỗ tay tán thưởng khi "chi sao" với một võ sư ngoại quốc vốn cơ bắp hơn mình rất nhiều. Bằng những kỹ năng điêu luyện, Diệp Chính đã hóa giải tất cả những chiêu thức tấn công của đối phương một cách vô cùng hoàn hảo.
Sau phần giao lưu, Diệp Chính có nói rằng muốn hóa giải được đòn thế của đối thủ, điều quan trọng nhất là phải tinh thông nguyên tắc "xả kỷ tòng nhân".
Diệp Chính có hàng vạn đệ tử trong đó có rất nhiều đệ tử là người nước ngoài.
Hổ phụ sinh hổ tử
Là con út của Nhất đại tông sư Diệp Vấn và kém anh trai Diệp Chuẩn tới 13 tuổi nhưng năm nay, đại võ sư Diệp Chính cũng đã bước sang tuổi 82.
Đại võ sư Diệp Chính (thứ 3 từ trái sang) cùng Chân Tử Đan và đại võ sư Diệp Chuẩn (thứ 2 từ phải sang) bên cạnh mộ của huyền thoại Diệp Vấn.
Diệp Chính sinh ra tại Phật Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc năm 1936. Thời điểm đó, Phật Sơn là một trong 4 thành phố có ngành công thương phát triển mạnh nhất Trung Hoa. Các võ đường mọc lên như nấm, rất nhiều cao thủ của các môn phái từ khắp nơi cũng đổ về đây khiến Phật Sơn trở thành trung tâm của giới võ lâm Trung Hoa.
Từ khi còn là một cậu bé loắt choắt, Diệp Chính đã được thân phụ Diệp Vấn truyền thụ các kỹ năng căn bản của Vịnh Xuân Quyền. Nhưng đến năm 1949, cha Diệp Chính buộc phải từ biệt con trai 13 tuổi để rời Phật Sơn, chuyển đến Hồng Kông (Trung Quốc) lánh nạn, bởi những biến động của thời cuộc.
Thời điểm này, Diệp Chính tiếp tục được đào tạo những tinh hoa của Vịnh Xuân Quyền từ anh trai Diệp Chuẩn và một số cao đồ là đệ tử của Diệp Vấn.
Mãi tới tháng 2/1962, khi đã sang tuổi 26, Diệp Chính mới cập bến Hồng Kông để đoàn tụ cùng Diệp Vấn nhưng khá bất ngờ rằng khi mới đến Hồng Kông, Diệp Chính lại theo học môn đấm bốc.
Đại võ sư Diệp Chính - con út của huyền thoại võ thuật Diệp Vấn.
Lúc này, thân phụ Diệp Vấn đã trở thành một võ sĩ có tiếng tăm lẫy lừng ở Hồng Kông với rất nhiều đệ tử. Hàng ngày, Diệp Chính vừa tập đấm bốc vừa luyện Vịnh Xuân dưới sự truyền thụ trực tiếp từ thân phụ. Trình độ công phu của Diệp Chính chẳng mấy chốc đã thăng tiến vượt bậc.
Với nền tảng vững chắc cộng với việc sáng tạo ra những cách thức tập luyện riêng, Diệp Chính trở thành trợ giảng cho Diệp Vấn trong thời gian khá dài đến tận năm 1972 khi thân phụ qua đời.
Diệp Chính chụp cùng thân phụ Diệp Vấn.
Sau khi thân phụ ngã xuống, Diệp Chính cùng sư huynh Diệp Chuẩn trở thành 2 sư phụ ở các võ đường Vịnh Xuân Quyền tại Hồng Kông. Ông vừa trực tiếp giảng dạy, vừa điều hành một doanh nghiệp do chính mình thành lập.
Đến năm 1994, Diệp Chính mới nghỉ hưu và dồn toàn tâm toàn ý cho công việc giảng dậy và bắt đầu phát dương môn phái Vịnh Xuân Quyền ra một số nước như Anh, Hà Lan, Mỹ… sau đó là rất nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Cùng với sư huynh Diệp Chuẩn và vài cao đồ của thân phụ Diệp Vấn, Diệp Chính là người góp phần hoàn thiện hệ thống kỹ thuật khá đồ sộ của hệ phái Vịnh Xuân Hồng Kông, trong đó có hệ thống các bài quyền Tiểu Niệm Đầu, Tầm Kiều, Tiêu Chỉ, bài mộc nhân 108 thức, Bát trảm đao, Lục điểm bán côn… để phổ biến ra phạm vi toàn cầu giống như ngày nay.
Hiện tại, dù đã ở ngưỡng tuổi bát tuần nhưng sư phụ Diệp Chính vẫn còn rất minh mẫn và dẻo dai. Ông vẫn đang cùng anh trai của mình – đại sư phụ Diệp Chuẩn (95 tuổi) tiếp tục truyền bá và phát dương những tinh hoa của hệ phái Vịnh Xuân Hồng Kông cho nhiều thế hệ trẻ ở khắp các châu lục trên thế giới.
Dù tuổi đời rất cao nhưng anh em Diệp Chính và Diệp Chuẩn đều còn rất khỏe mạnh và vẫn đang truyền bá Vịnh Xuân ra thế giới.
Đại võ sư Diệp Chính chi sao cùng đệ tử người nước ngoài.