Nhìn lại một số thảm họa vỡ đập trong lịch sử: Con người nỗ lực kiểm soát thiên nhiên, lợi hay hại?

Hồng Anh |

Với tiềm năng kiểm soát được cả tình trạng hạn hán và lũ lụt, các con đập luôn là những dự án đầy hấp dẫn đối với nhân loại nhưng cũng đem lại những rủi ro.

Tọa lạc ở vị trí khá gần so với thủ đô Cairo của Ai Cập là một đập nước đặc biệt có tên gọi Sadd el-Kafara, với chiều dài hơn 100m, chiều cao 14m, và khả năng trữ khoảng nửa triệu mét khối nước.

Theo báo BBC (Anh), những con số này có vẻ khá khiêm tốn nếu xét theo những chuẩn mực của thời hiện đại, nhưng thực chất Sadd el-Kafara không phải là một con đập của thời đại này. Nó đã được xây dựng từ gần 5.000 năm trước.

Và đập Sadd el-Kafara cũng là một thất bại lưu danh sử sách của người Ai Cập: các nhà khảo cổ học tin rằng con đập này đã vỡ chỉ ít lâu sau khi được đưa vào hoạt động.

Tuy nhiên, người Ai Cập cổ đại không có lỗi khi đã cố gắng như vậy.

Với điều kiện khan hiếm nước, trong khi không phải lúc nào cũng có mưa, thì đối với người Ai Cập cổ đại, một trận mưa bão bất ngờ sẽ mang đến cho họ nguồn tài nguyên quý giá và miễn phí, hay có thể nói đó là món quà "trời ban". Do đó, việc xây dựng đập sẽ giúp họ trữ được nguồn nước cho đến lúc cần dùng.

Nhìn lại một số thảm họa vỡ đập trong lịch sử: Con người nỗ lực kiểm soát thiên nhiên, lợi hay hại? - Ảnh 1.

Tàn tích đập Sadd el-Kafara. Ảnh: JEAN-LUC FREROTTE

Con người nỗ lực kiểm soát thiên nhiên, lợi hay hại?

Ai Cập cổ đại không phải là nơi duy nhất cố gắng ứng phó với điều kiện thời tiết thất thường và kiểm soát thiên nhiên.

Hầu hết dân số thế giới đều sống tại những nơi có mưa theo mùa, hoặc các trận mưa xảy đến thất thường và khó đoán trước. Các nước phát triển thường phải dựa vào một hệ thống đập nước và hồ chứa nước để kiểm soát trữ lượng nước.

Việc thiếu đi hệ thống này có thể gây ra hậu quả rất tàn khốc: Vào cuối thập niên 1990, Kenya đã mất hơn 10% sản lượng kinh tế do hạn hán, và sau đó lũ lụt đã khiến nước này thiệt hại về kinh tế nặng nề hơn nữa.

Với tiềm năng kiểm soát được cả tình trạng hạn hán và lũ lụt, các con đập luôn là những dự án đầy hấp dẫn đối với nhân loại trong nhiều thiên niên kỷ qua.

Một điều hấp dẫn hơn nữa, đó là các đập nước có thể kèm theo chức năng sản xuất điện. Như vậy, những công trình này không chỉ là "một công đôi việc", mà là "một công ba việc".

Tuy nhiên, bài học đau đớn cho thấy mặt trái của các đập thủy điện từng xảy ra với những người dân từng sống ở vùng hạ nguồn đập Bản Kiều tại tỉnh Hà Nam của Trung Quốc.

Vào thập niên 1950, Trung Quốc đã xây dựng đập Bản Kiều, và ngay sau khi công trình được hoàn thành, nó đã xuất hiện những vết nứt vỡ. Sau khi được tiến hành gia cố, nó đã được mệnh danh là "Con đập Thép" bất khả chiến bại. Tuy nhiên, vào tháng 8/1975, thảm họa đã xảy ra khi đập Bản Kiều bị vỡ.

Những người dân địa phương đã mô tả thảm họa này là "thủy long xuất hiện": một con sóng cao vài mét và ảnh hưởng trong phạm vi 12km. Hàng chục ngàn người đã thiệt mạng trong thảm họa vỡ đập kinh hoàng này.

Mặc dù vậy, vụ vỡ đập Bản Kiều không hề cản bước Trung Quốc tiếp tục xây dựng thêm các đập nước khác. Trong giai đoạn từ năm 1949 - 1980, đã có khoảng 3.000 con đập khác của Trung Quốc "thất bại".

Nhìn lại một số thảm họa vỡ đập trong lịch sử: Con người nỗ lực kiểm soát thiên nhiên, lợi hay hại? - Ảnh 4.

Đập Tam Hiệp của Trung Quốc. Ảnh: Getty

Thậm chí, tại những quốc gia giàu có, những sự việc tương tự cũng xảy ra, và một số thảm họa chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại cũng là do vỡ đập.

BBC cho biết, các hồ chứa nước lớn có thể trữ khối nước tối đa nặng đến hơn 100.000 triệu tấn - khối lượng đủ để gây ra động đất - và những hồ chứa nước nhỏ hơn cũng có thể gây ra các vụ sạt lở đất chết người.

Năm 1959, đập Malpasset ở Pháp đã bị nứt dưới áp lực của nước, khiến 423 người thiệt mạng.

Đến năm 1963, đập Vaiont mới xây ở Italia đã trở nên quá tải và gây ra một vụ lở đất, khiến gần 2.000 người thiệt mạng.

Nhìn lại một số thảm họa vỡ đập trong lịch sử: Con người nỗ lực kiểm soát thiên nhiên, lợi hay hại? - Ảnh 5.

Các chính trị gia Pháp tưởng niệm nạn nhân vụ vỡ đập Malpasset. Ảnh: Getty

Các con đập cũng là mục tiêu quân sự trong Chiến tranh Thế giới thứ II và Chiến tranh Triều Tiên. Không cần bị phá hủy, đập nước cũng có thể trở thành vũ khí.

Đập Itaipu tọa lạc ở biên giới giữa Brazil và Paraguay, và nằm ở khu vực thượng nguồn thủ đô Buenos Aires của Argentina. Nếu tất cả các cửa xả lũ của con đập này được mở cùng một lúc, thành phố Buenos Aires sẽ bị ngập lụt.

Tuy nhiên, điều thực sự đem đến "tai tiếng" cho những con đập ngày nay là những tác hại khi chúng làm biến đổi hệ sinh thái cả ở vùng thượng lưu và hạ lưu sông, theo BBC.

Đập Aswan ở Ai Cập, ngăn dòng sông Nile, là một ví dụ. Tạp chí The Economist đã liệt kê hàng loạt những tác động sinh thái như việc cây lục bình sinh sôi và phát triển không phanh, nguy cơ bùng phát bệnh nhiễm trùng gan do một loại giun ký sinh sống trong nước ngọt, các kênh tưới tiêu bị ô nhiễm hay tích tụ trầm tích trong đất liền...

Nhìn lại một số thảm họa vỡ đập trong lịch sử: Con người nỗ lực kiểm soát thiên nhiên, lợi hay hại? - Ảnh 6.

Tượng Vua Ramesses II phải di dời để phục vụ cho việc xây dựng đập Aswan. Ảnh: Alamy

Danh sách của Economist chưa tính đến việc hàng chục ngôi đền cổ của người Nubian bị lũ lụt tàn phá hoặc phải di dời để phục vụ việc xây dựng đập, và hơn 100.000 người buộc phải di dời nơi ở.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại lập luận rằng bất chấp những rủi ro, các đập thủy điện vẫn đem lại thành công lớn.

Đập Aswan của Ai Cập đã giúp người dân tưới tiêu có kế hoạch, và đã giúp nước này vượt qua trận hạn hán khủng khiếp trong thập niên 1980, cũng như nguy cơ lũ lụt năm 1988.

Đến nay, việc xây dựng các công trình đập thủy điện vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng bên cạnh những rủi ro và thiệt hại, các đập thủy điện vẫn đem lại lợi ích cho con người.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại