Nhiều vi phạm ở bãi sông Hồng qua Hà Nội - Ai bảo kê?: Cần một cơ chế thống nhất, minh bạch

ĐỨC ANH - VIẾT HÀ - THÀNH ĐẠT |

Quận Long Biên (Hà Nội) là quận đầu tiên xin cơ chế quản lý đất bãi bồi sông Hồng. Hiện quận này có kế hoạch đấu giá đất bãi bồi ven sông Hồng cho các hộ cá thể phát triển kinh tế trang trại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu chỉ làm nông nghiệp đơn thuần là rất lãng phí. Nếu làm trang trại cũng không tránh khỏi tình trạng trá hình, nhộm nhoạm như hiện nay.

Mới đây, tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội, quận Long Biên kiến nghị thành phố giao cho quận lập Đề án quản lý đất nông nghiệp khu vực ngoài đê và đất chưa sử dụng (bãi bồi ven sông Hồng, sông Đuống). Ông Nguyễn Ngọc Vĩnh, Phó trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng quận Long Biên cho biết, sau khi có công bố quy hoạch phân khu sông Hồng, quận Long Biên xác định được khu vực nào phát triển đô thị, khu vực nào là cây xanh ổn định. Căn cứ quy hoạch và thực tế nhu cầu của địa phương, UBND quận đã xây dựng đề án quản lý, khai thác quỹ đất nông nghiệp, đất bãi bồi, bãi nổi ven sông Hồng thuộc địa giới phường Long Biên và Cự Khối. Ngoài ra, quận Long Biên cũng đang lập đề án khai thác ở khu vực Giang Biên và Phúc Lợi.

Nhiều vi phạm ở bãi sông Hồng qua Hà Nội - Ai bảo kê?: Cần một cơ chế thống nhất, minh bạch - Ảnh 1.

Khu Vườn Nhãn và phim trường tại phường Long Biên (quận Long Biên)

Theo ông Vĩnh, căn cứ để xây dựng đề án này là chủ trương phát triển kinh tế trang trại quy định tại Thông tư 02/2020/TT-BNN&PTNT của Bộ NN&PTNT (quy định về kinh tế trang trại); Quyết định 05/2008/QĐ-UBND thành phố Hà Nội (về một số chính sách phát triển kinh tế trang trại)… Theo đó, tổng diện tích đất trong đề án tại hai phường Long Biên, Cự Khối là 413ha được chia theo diện tích đất công do phường quản lý, sử dụng và đất giao theo Nghị định 64 (về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp). Từ hiện trạng đó, quận Long Biên phân thành từng khu, trong đó phường Long Biên được chia làm 15 phân khu; phường Cự Khối được chia thành 7 phân khu. Việc chia phân khu này dựa vào địa hình, hiện trạng tự nhiên và các quy định về kinh tế trang trại (yêu cầu tối thiểu 1ha mới phát triển được kinh tế). Mục tiêu là xây những phân khu thành trang trại kinh tế nông nghiệp trồng cây, hoa.

“Chúng ta đều thấy có nhiều khu vực được chủ đầu tư xây dựng kiên cố và ai cũng biết để làm được phải là người có quan hệ. Nếu không được chính quyền lờ đi thì chẳng ai xây dựng được các công trình như thế. Các giao dịch quan hệ - lợi ích này, đương nhiên sẽ làm ngân sách thất thu thuế và quan trọng là bất công với những chủ đầu tư mong muốn làm đúng như chúng tôi. Sau 5 năm đeo bám một dự án ở Thạch Bàn, tôi cũng đành ngậm ngùi chào thua, ra đi tay trắng với hàng chục tỷ đồng vẫn còn chết gí trên đất không thu hồi được”. Một nhà đầu tư chia sẻ

Ông Vĩnh cho biết, sau khi phê duyệt phương án này xong, UBND phường có trách nhiệm thu hồi lại mặt bằng sạch và Trung tâm phát triển quỹ đất sẽ thực hiện đấu giá sử dụng đất nông nghiệp. Hiện nay, phòng Tài chính kế hoạch quận Long Biên đang xin ý kiến của các sở, ban, ngành và tham khảo để xây dựng giá sàn trước khi tổ chức đấu giá. Đối tượng tham gia đấu giá là hộ cá nhân với những điều kiện cụ thể, doanh nghiệp không được tham gia. Đất đấu giá có thời hạn là 5 năm, chủ đầu tư không được xây dựng công trình kiên cố mà chỉ có nhà tạm dễ tháo dời, di chuyển. Sau 5 năm, quận thu hồi và tổ chức đấu giá lại.

“Trong năm 2023, quận Long Biên giao Trung tâm phát triển quỹ đất đấu giá từ 10 -12 vị trí. Đây là những nội dung mới, quận sẽ vừa làm vừa xem xét. Hiện nay, quận Long Biên đang xây dựng giá sàn và phường đang tổ chức thu lại mặt bằng sạch, thanh lý các hợp đồng đã ký trước đó”, ông Vĩnh thông tin và cho biết, khi nhà đầu tư trúng đấu giá phải triển khai theo phương án khai thác kinh tế trang trại và Phòng Kinh tế hạ tầng, UBND phường sẽ kiểm tra, giám sát, định hướng.

Nhiều vi phạm ở bãi sông Hồng qua Hà Nội - Ai bảo kê?: Cần một cơ chế thống nhất, minh bạch - Ảnh 3.

Việc xây dựng trái phép trên đất bãi sông gây lãng phí của cải xã hội, thất thoát ngân sách Nhà nước

Tuy nhiên, thực tế Hà Nội là thành phố đông dân nhưng chỗ vui chơi không nhiều, thậm chí khá nghèo nàn, trong khi nhu cầu được vui chơi, giải trí của người dân rất cao, đây cũng là nhu cầu chính đáng. Có cầu thì có cung, vì vậy việc các bãi bồi ven sông Hồng được sử dụng để khai thác không gian vui chơi, giải trí, ăn uống như lâu nay và cả tương lai là hoàn toàn dễ hiểu. Trao đổi với phóng viên, một nhà đầu tư giấu tên cho biết: “Là người làm ăn, ai cũng mong muốn đầu tư, kiếm tiền từ sức lao động của bản thân, không hề muốn vi phạm pháp luật hay lách luật. Nhưng thực trạng quản lí đất đai khu vực ven sông Hồng hiện nay chưa hợp lí. Nhà đầu tư không có cách nào khác ngoài việc thuê đất nông nghiệp lách luật, xây dựng công trình để khai thác.

Nên khai thác minh bạch, đa mục tiêu

Trao đổi với phóng viên, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội cho rằng, các cá nhân, doanh nghiệp có trúng đấu giá làm kinh tế trang trại thì phải thực hiện đúng phương án khai thác kinh tế trang trại. Cơ quan quản lý nhà nước cần quản lý chặt chẽ để cá nhân, doanh nghiệp thực hiện đúng mục đích, không để đấu giá làm trang trại nông nghiệp mà lại thay đổi mục đích, tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch, phi nông nghiệp.

Còn PGS. TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên Cao cấp - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm, đối với đất bãi sông Hồng để làm nông nghiệp, trang trại là rất lãng phí và nhà nước chỉ thu được thuế đất đai rất thấp. Theo PGS. TS Doãn Hồng Nhung, thành phố Hà Nội có thể khai thác đất bãi sông bằng cách lập đề án sử dụng đất đa mục đích kết hợp bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo vệ và phát triển làng nghề hai bên bờ sông.

Theo PGS. TS Nhung, cách làm này không phải là chuyển đổi mục đích từ đất bãi, nông nghiệp sang phi nông nghiệp mà là chuyển sang đất đa mục đích kết hợp với các dự án khơi thông dòng chảy, xây dựng quy hoạch làng nghề ven sông để làm du lịch sinh thái. “Đây cũng là cách để tạo tiền đề cho quá trình phát triển du lịch hai bên sông Hồng sau này. Những làng nghề, khu vực được quy hoạch có thể trồng hoa, trồng cây ăn quả vừa kinh doanh lại kết hợp du lịch sinh thái bảo vệ môi trường. Trong đề án đó, chính quyền địa phương lập phương án thu phí, thuế và không vướng mắc các quy định của pháp luật” - PGS. TS Doãn Hồng Nhung hiến kế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại