Nhiều ứng viên ĐBQH "thích về quê" vận động tranh cử

Nguyễn Cường |

Ngày 20/4 tại TP.HCM đã diễn ra hội nghị tập huấn tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Tham dự buổi tập huấn này có lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo Cục báo chí, Văn phòng Quốc hội và hơn 100 phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí từ Đà Nẵng trở vào nam.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Pha – Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯ MTTQVN) đã thông báo những số liệu mới nhất về số lượng ứng cử viên ĐBQH sẽ tham gia đợt bầu cử sắp tới.

Theo đó, tính đến chiều ngày 19/3 cả nước có 879 người ứng cử đại ĐBQH, trong đó có 197 vị được Trung ương giới thiệu và 682 vị thuộc địa phương.

Tuy nhiên ông Pha cho biết đây chưa phải con số cuối cùng vì hiện một số tỉnh vẫn chưa có danh sách chính thức những người ứng cử.

(Theo số liệu mới nhất, sau hội nghị hiệp thương lần thứ 3 cả nước có 1.121 ứng cử viên ĐBQH - PV)

“Trong số trên có 315 đại biểu nữ (chỉ tính của địa phương), chiếm 46,1%, nếu cộng thêm 29 đại biểu của Trung ương giới thiệu thì tỉ lệ sẽ giảm xuống còn 39%, tuy nhiên đây cũng vẫn là mức vượt mong đợi” – ông Pha nói.

Cũng theo ông Pha, trong số trên có 11 người tự ứng cử. Như vậy con số này đã giảm 4 người so với khóa 13 và giảm 19 người so với khóa 12.

Tuy vậy ông Pha cho rằng chưa thể nói lên điều gì bởi kết quả bầu cử khóa 13 cho thấy chỉ có 4/15 người trúng cử, trong khi khóa 12 chỉ có 2/30 người trúng cử.

“Tôi thấy đa số các đại biểu tự ứng cử năm nay đều có trình độ tốt, được người dân tín nhiệm nên nhiều khả năng lượng trúng cử sẽ lớn hơn khóa hiện nay” – ông Pha nhận định.

Vị Phó UBTƯ MTTQVN cũng gợi ý các ứng cử viên khi vận động tranh cử nên tận dụng tối đa hai hình thức mang lại hiệu quả cao nhất là thông qua các buổi tiếp xúc với cử tri do MTTQ tổ chức và các kênh tin tức tại địa phương.

Trong buổi tập huấn ông Pha cũng thẳng thắn cho biết nhiều ứng cử viên do Trung ương giới thiệu “thích về quê” (được tranh cử tại nơi mình từng làm việc, sinh sống - PV) hay các tỉnh “dễ tính” và “cực chẳng đã” mới về Hà Nội và TP.HCM – là những nơi mà cử tri được tiếng “khó tính” khi lựa chọn bỏ phiếu.

Ngoài ra, ông Pha cũng tỏ ý băn khoăn về cách ghép các chương trình bầu cử như hiện nay.

“Bầu cử 4 cấp cùng lúc chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí nhưng ngược lại cử tri sẽ không có thời gian khi đọc và tiếp cận những thông tin của các ứng viên” – ông Pha nói.

Chia sẻ quan điểm về một số ý kiến cho rằng việc chỉ khoảng 100 người tại nơi cư trú được đánh giá các ứng cử viên liệu có công bằng, ông Pha cho rằng số lượng người này là vừa đủ, bởi đây là những con người gần nhất và biết được tác phong, trình độ của các ứng cử viên nên “nếu anh không có uy tín tại nơi sinh sống thì cũng không thể đại diện cho tỉnh, thành của mình”.

Trong khi đó tại phần trình bày về một số lưu ý khi đưa tin về các ứng cử viên tham gia bầu cử, ông Lưu Đình Phúc – Phó cục trưởng Cục báo chí đề nghị các PV, BTV phải đề cao sự công bằng, cho dù đó là người của Trung ương, địa phương hay tự ứng cử.

“Chúng ta đưa hình người này mà không đưa hình người khác, hay viết “tô đậm” quá trình công tác của người này mà “sơ sài” người kia cũng là tạo ra sự không công bằng giữa các ứng cử viên” – ông Phúc nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại