Nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc bị phát hiện đạo văn: Cuộc đua bằng cấp khốc liệt để thăng tiến?

Hồng Anh |

Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ nghiêm trị vấn nạn đạo văn, đặc biệt là đối với giới quan chức cấp cao. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quan chức nào bị xử phạt công khai.

Kết quả của cuộc điều tra do hãng thông tấn AFP và báo Financial Times mới thực hiện gần đây cho thấy một số quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã có hành vi đạo văn khi thực hiện luận án tốt nghiệp. Đây được cho là thách thức mới đối với cam kết của chính phủ Bắc Kinh trong vấn đề xử lý gian lận học thuật.

Hãng AFP đã phát hiện 6 trường hợp "mượn" câu chữ trong luận án của người khác mà không trích dẫn, trong đó bao gồm một cựu Phó Thủ tướng, một thẩm phán tối cao, một cựu quan chức công an cấp cao hàng đầu, và Bí thư tỉnh ủy tại khu vực tự trị Tân Cương.

Năm ngoái, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã ban hành văn bản hướng dẫn đầu tiên về tính liêm chính trong học thuật và nghiên cứu, cùng với đó là lời cảnh báo rằng những trường hợp bị phát hiện sẽ phải chịu "xử phạt nghiêm khắc". Động thái này được thực hiện sau khi một loạt các vụ bê bối đạo văn bị phanh phui tại nước này.

Tháng trước, Học viện Điện Ảnh Bắc Kinh đã quyết định thu hồi bằng tiến sĩ được trao cho nam diễn viên nổi tiếng Zhai Tianlin (Trạch Thiên Lâm), sau khi nghiên cứu của anh ta bị phát hiện đạo văn từ các nghiên cứu trước đó và không trích dẫn nguồn.

Nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc bị phát hiện đạo văn: Cuộc đua bằng cấp khốc liệt để thăng tiến? - Ảnh 1.

Nam diễn viên Zhai Tianlin đã bị tước bằng tiến sĩ sau khi bị phát hiện đạo văn. Ảnh: VCG.

Vụ việc trên đã nhanh chóng trở thành đề tài nóng hổi trên các trang mạng xã hội Trung Quốc về những "bằng cấp giả" trong giới quan chức cấp cao và những người có quan hệ rộng tại Trung Quốc.

AFP đã tiến hành kiểm tra 12 luận văn thạc sĩ và tiến sĩ của các quan chức Trung Quốc được lưu trong Cơ sở Hạ tầng Tri thức Quốc gia (CNKI) - kho dữ liệu của hai Bộ Giáo dục và Bộ Khoa học Trung Quốc - bằng các phần mềm chuyên dụng, và phát hiện 6 trường hợp đạo văn từ nghiên cứu của tác giả khác.

Theo các chuyên gia, việc sở hữu các bằng cấp cao là yếu tố quan trọng giúp các quan chức thăng tiến trong ĐCSTQ. Đây có thể là lí do khiến họ phải cố gắng tìm "đường tắt" để đạt được bằng cấp họ mong muốn khi vừa phải đi làm, vừa phải đi học.

"Lãnh đạo các trường đại học đều biết rất rõ về tình trạng này, bởi họ cũng là quan chức nhà nước", ông Li Datong, cựu biên tập viên của tờ China Youth Daily cho hay.

"Bằng cấp đó là thật, chứ không phải là loại bằng giả mua ngoài đường. Nhưng chất lượng [của các bằng cấp ấy] là giả. Thực tế tình trạng này rất phổ biến trong giới quan chức nhà nước", ông Li nói.

Những đoạn văn giống nhau "như khuôn đúc"

Ông Chen Quanguo (Trần Toàn Quốc), Bí thư tỉnh ủy Tân Cương và đồng thời là thành viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, là một trong số 6 vị quan chức bị phát hiện đạo văn kể trên.

Vị quan chức được coi là một ngôi sao chính trị đang lên này đã tốt nghiệp tại Đại học Kĩ thuật Vũ Hán vào năm 2004, với luận văn có tiêu đề (tạm dịch): "Nghiên cứu về mối tương quan giữa tích lũy nguồn vốn nhân lực và phát triển kinh tế ở vùng Hoa Trung". Trong đó, AFP đã tìm ra 60 đoạn văn được trích lại y nguyên từ luận văn của người khác mà không có trích dẫn.

Luận án có tiêu đề (tạm dịch) là "Nguồn vốn nhân lực và đóng góp của nó cho tăng trưởng kinh tế: Nghiên cứu thực nghiệm tại tỉnh Quảng Đông" của nghiên cứu sinh Zhu Yimin nộp cho đại học Tế Nam vào năm 2002, là một trong số các nghiên cứu bị ông Chen "đạo" lại.

Nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc bị phát hiện đạo văn: Cuộc đua bằng cấp khốc liệt để thăng tiến? - Ảnh 3.

Luận án của ông Chen có nhiều đoạn văn giống hệt như nội dung trong nghiên cứu của ông Zhu. Nguồn: FT.

Hiện nay ông Zhu Yimin đang là Phó Giáo sư tại ngôi trường đại học Tôn Trung Sơn nổi tiếng của trung Quốc.

Ngoài ra, hầu hết phần giới thiệu trong luận án của ông Chen đều là sao chép gần như từng từ một từ một luận án khác có tiêu đề (tạm dịch) là "Phân tích nguồn vốn nhân lực từ góc độ kinh tế học", của nghiên cứu sinh Mo Zhihong nộp tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc hồi năm 2002.

Ông Mo, hiện là Phó Giáo sư tại trường Đại học Kỹ thuật Bắc Kinh, đã từ chối đưa ra bình luận khi được hỏi liệu ông Chen có xin phép sử dụng nghiên cứu của ông hay không.

Các bên liên quan khác như Đại học Kỹ thuật Vũ Hán và Phòng Tổ chức Cán bộ ĐCSTQ cũng từ chối bình luận về các trường hợp quan chức đạo văn, hoặc không thể liên lạc được.

Được biết, cả 6 quan chức có hành vi đạo văn do AFP phát hiện đều được cấp bằng sau đại học theo hệ cao học tại chức.

Chưa hết, báo Financial Times còn phát hiện thêm một trường hợp nữa là ông Wang Zhengwei, người trước đây từng là một trong những quan chức cấp cao hàng đầu tại khu vực Tây Ninh Hạ, hiện là phó chủ tịch của cơ quan cố vấn hàng đầu của chính phủ Bắc Kinh.

Nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc bị phát hiện đạo văn: Cuộc đua bằng cấp khốc liệt để thăng tiến? - Ảnh 4.

Điểm giống nhau giữa luận án của ông Wang Zhengwei năm 2003 và bài báo khoa học năm 1993 của tác giả Li Suxing. Nguồn: FT.

Kết quả thu được từ phần mềm kiểm tra đạo văn cho thấy luận án tiến sĩ năm 2003 của ông này có 17 đoạn giống hệt với nội dung trong bài báo khoa học của tác giả Li Suxing, được xuất bản từ một thập kỷ trước đó, và không hề có trích dẫn.

Tất nhiên, trong nhiều trường hợp, các trường đại học và viện nghiên cứu cũng sẽ có được được một số lợi ích nhất định khi cấp bằng cho các vị quan chức của ĐCSTQ, một học giả tại trường Đại học Nhân dân Trung Quốc yêu cầu ẩn danh cho hay.

Chính phủ Trung Quốc thực hiện cam kết "không khoan nhượng đến đâu?

Ông Li Yuanchao (Lý Nguyên Triều), cựu Phó Chủ tịch Trung Quốc trong nhiệm kỳ từ năm 2013-2018 đã thực hiện luận án tiến sĩ với tiêu đề (tạm dịch) là "Một số vấn đề liên quan đến sản xuất văn hóa và nghệ thuật xã hội chủ nghĩa" vào năm 1998.

AFP đã phát hiện 20 đoạn văn trong luận văn của ông Li giống với một luận văn năm 1991 của ông Zhang Mingeng có tiêu đề "Nhu cầu tinh thần và văn hóa của quần chúng nhân dân dưới chế độ xã hội chủ nghĩa".

Ông Li đã được trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cấp bằng tiến sĩ.

Nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc bị phát hiện đạo văn: Cuộc đua bằng cấp khốc liệt để thăng tiến? - Ảnh 5.

Ông Li Yuanchao (Lý Nguyên Triều - người ngồi bên trái ảnh) từng là Phó Chủ tịch Trung Quốc trong nhiệm kỳ 2013-2018. Ảnh: Reuters.

Một trường hợp quan chức cấp cao Trung Quốc đạo văn khác là phó chủ tịch Tòa án nhân dân tối cao Zhang Shuyuan (Trương Thuật Nguyên). Luận án tiến sĩ năm 2004 của ông này có hàng chục đoạn văn giống hệt như luận án năm 2003 của tác giả Tan Wei, có tiêu đề (tạm dịch) là "Hệ thống và lý thuyết tái thẩm hình sự".

Cựu Phó Tổng kiểm toán Chen Zhaoyu, cựu Giám đốc của Bộ Công an Shi Jun (Thi Tuấn) và cựu Bí thư Đảng ủy của Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Nhà nước Xiao Xingwei (Tiêu Hưng Uy) cũng đã sao chép từ rất nhiều tác giả khác mà không hề ghi nguồn trích dẫn trong luận án của họ.

Văn bản hướng dẫn được Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ban hành năm ngoái đã cam kết rằng chính phủ sẽ có thái độ "không khoan nhượng" đối với vấn nạn đạo văn.

Cụ thể, các hình phạt đối với những cá nhân có hành vi gian lận này bao gồm thu hồi bằng cấp, không được thăng chức hoặc bị sa thải, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm. Nếu những cá nhân gian lận là thành viên ĐCSTQ, thì họ sẽ phải chịu "hình phạt kỷ luật", tuy nhiên văn bản trên không nói rõ đó là những hình phạt nào.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, năm ngoái Đại học Nam Kinh đã sa thải một giáo sư xã hội học, sau khi ông này bị phát hiện đạo văn từ 15 nghiên cứu khác.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có quan chức cấp cao nào của ĐCSTQ phải chịu kỷ luật công khai vì hành vi đạo văn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại