13 quốc gia bắt giữ hơn 11.000 ngư dân Việt Nam
Ngày 15/12, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phục thẻ vàng của Uỷ ban châu Âu (EC) về hoạt động đánh bắt bất hợp pháp (IUU Fishing).
Trước đó ngày 23/10, EC đã đưa ra cảnh báo bằng thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU do ngư dân liên tục có hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, trái pháp luật ở vùng biển nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế - Tổng cục Thuỷ sản, cho biết theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn từ năm 2010 đến nay, đã có 1.340 tàu cá với 11.028 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, đánh bắt hải sản trái phép bị bắt giữ, xử lý.
Cơ quan chức năng tiếp nhận ngư dân Việt Nam do vi phạm vùng biển của Indonesia trong khi đánh bắt hải sản (Ảnh VOV)
Theo đó, có 13 quốc gia đã bắt giữ tàu cá Việt Nam gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Brunei, Philippin, Úc, Palau, Micronesia, Đài Loan, Solomon... Những địa phương ở Việt Nam có nhiều tàu và ngư dân vi phạm gồm Kiên Giang, Quảng Ngãi, Cà Mau, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Định, Bến Tre...
Đặc biệt, kể từ ngày 23/10 (thời điểm EC đưa ra cảnh báo thẻ vàng) đến nay, vẫn tiếp tục có thêm 16 tàu với 118 ngư dân bị bắt và xử lý.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết đây đều là những tàu cá và ngư dân đi sâu vào vùng biển các nước bạn và tiến hành đánh bắt các loại hải sản quý hiếm. Những trường hợp này bị bắt giữ và được thông báo đến Việt Nam qua đường ngoại giao.
Các đại biểu tham dự hội nghị cho hay con số thực tế có thể lớn hơn vì nhiều trường hợp chủ tàu tự đứng ra giải quyết.
Tàu cá ngư dân Việt Nam có thể bị tàu quân sự bắn
Bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra – Tổng cục Thuỷ sản, cho hay Luật Thuỷ sản mới vừa được thông qua có nhiều quy định xử lý vi phạm việc đánh bắt trái phép, bất hợp pháp. Bà Huệ yêu cầu phải xử lý nghiêm hành vi đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài của ngư dân.
Ngoài ra, bà Huệ cùng đề nghị Bộ Công an vào cuộc để điều tra chủ tàu, những người tổ chức để ngư dân đánh bắt ở vùng biển các nước.
"Hành vi đưa người ra nước ngoài đánh bắt hải sản quý hiếm có thể gọi là hành vi tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép", bà Huệ nói.
Bộ Nông nghiệp cũng đưa ra các phương án cấm khai thác đối với các tàu vi phạm, cấm mua bán, tiêu thụ, chế biển hải sản đánh bắt trái phép, bất hợp pháp.
"Nếu không có người mua thì họ sẽ không còn đi đánh bắt trái phép như hiện nay.
Ngoài ra, chúng ta phải lắp đặt thiết bị theo dõi hành trình cho tàu cá có kích cỡ từ 15m trở lên", bà Huệ đề xuất.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn họp khẩn để tìm giải pháp cho vấn đề ngư dân đánh bắt trái phép ở nước ngoài
Tại hội nghị, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết một số nước đã thông báo sẽ sử dụng tàu quân sự để bắn tàu cá của ngư dân Việt Nam nếu tiếp tục vi phạm.
"Tàu Indonesia đã bắn 2 tàu cá của ngư dân Việt Nam khiến 2 người chết. Họ cũng xét xử 5 thuyền trưởng có hành vi đánh bắt cá trái phép.
Vừa qua, Indonesia cũng trao trả 934 ngư dân bị bắt giữ trong hai đợt", đại diện Bộ Ngoại giao cho hay.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhận định việc EC đưa ra cảnh báo thẻ vàng đối với Việt Nam là nghiêm trọng. Việc cần làm ngay là giải quyết tình trạng đánh bắt trái phép của ngư dân Việt Nam tại các vùng biển nước bạn.
"Các địa phương phải sớm chấm dứt tình trạng khai thác trái phép tại các nước trước ngày 30/6/2018. Những tàu tái vi phạm phải xử lý nghiêm, xử lý nặng hơn, không cho hưởng mọi hỗ trợ, không cho đóng mới", Thứ trưởng Tám nói.
Ông Tám cũng nhận định đây là cơ hội cho ngành thủy sản tự nhìn lại, đánh giá lại mình.
"Chúng ta hành động vì chính mình chứ không phải để đối phó với Ủy ban châu Âu. Đây là cơ hội để xây dựng một nghề cá trách nhiệm, bền vững bằng cách tuyên truyền cho ngư dân.
Chúng ta phải giúp họ đánh bắt an toàn chứ không vi phạm luật pháp quốc tế như hiện nay", Thứ trưởng Tám nhấn mạnh.